Cựu điệp viên KGB gặp nhà tỷ phú: Cuộc đối đầu may rủi

15/07/2018 | 13:24:16

Cả Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Nga Putin đều có những nước cờ riêng trước khi đến với bàn đàm phán tại Helsinki ngày 16/7 tới. Tuy nhiên như trong phần 1 đã phân tích, hội nghị ở Helsinki tới sẽ là một “cuộc chơi hai mặt” và không hứa hẹn kết quả rõ ràng.

Cựu điệp viên KGB gặp nhà tỷ phú: Cuộc đối đầu may rủi
Ông Putin gặp ông Trump: Cuộc đấu may rủi

Cuộc gặp hên xui

Ví dụ vấn đề Syria, Tổng thống Trump muốn dùng cuộc gặp để đạt một thỏa thuận với Nga nhằm giúp Mỹ rút khỏi cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này. Đây là một mục tiêu đáng giá với ông Trump. Ngoài ra, hai bên có thể ký kết một thỏa thuận về Iran khi Moscow dường như muốn hất cẳng Tehran khỏi Syria.

Một vấn đề quan trọng hơn sẽ có thể là hai bên bắt tay nhau để kiềm chế Trung Quốc bằng cách dung hòa những tham vọng và tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh. Nga có lẽ muốn hướng nhiều hơn về phương Tây – nơi mà lợi ích kinh tế và lãnh thổ của Moscow không bị lấn át như đối với Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Mathieu Boulegue, thuộc Viện Tư vấn Chính trị độc lập Chatham House (Anh), dự đoán, có rất ít cơ hội “các vấn đề nan giải được thảo luận và giải quyết” trong khuôn khổ cuộc gặp thượng đỉnh này. Trong hàng loạt vấn đề chiến lược quốc tế, từ Bắc sang Nam, từ Đông sang Tây, từ khủng hoảng Ukraine, Syria, Iran, đến hồ sơ hạt nhân Triều Tiên, hay vấn đề Venezuela… lợi ích của Mỹ và Nga rất khác biệt, nếu không muốn nói là đối lập. Do vậy, cuộc gặp tới đây có thể là bàn đạp giúp quan hệ song phương “tan băng”.

“Cuộc gặp Trump-Putin, cục diện chính trị thế giới sẽ thế nào?”

Đây là câu hỏi để ngỏ.

Trong lúc một bộ phận chính giới phương Tây nhìn cuộc gặp này với con mắt hết sức hoài nghi, một số nhà quan sát lại tỏ ý hy vọng. Việc Phần Lan, quốc gia được coi là “trung lập”, được lựa chọn làm điểm hẹn cho cuộc gặp Trump – Putin chính thức đầu tiên có thể là một chỉ báo đáng chú ý. Đây là nơi từng đăng cai 4 cuộc găp của các nhà lãnh đạo Nga – Mỹ trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Đây cũng là nơi Hiệp ước Helsinki được Mỹ, Liên bang Xô viết và 33 nước châu Âu thông qua năm 1975, góp phần dẫn tới sự sụp đổ của “bức tường” ngăn cách khối cộng sản với các nước phương Tây.

Hiệp ước này đã khẳng định ý nghĩa, mục đích của nó và được cài đặt theo lộ trình nhằm cải thiện quan hệ giữa Đông và Tây, đồng thời ngăn chặn một thảm họa hạt nhân và tiến tới xây dựng an ninh chung. Ông Alyn Ware, điều phối viên toàn cầu của hiệp hội Các nghị sĩ ủng hộ không phổ biến hạt nhân và giải trừ quân bị (PNND), nhận định trong bối cảnh quan hệ Nga – Mỹ đang ở điểm thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh, việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Trump-Putin ở Helsinki là nhằm đẩy lùi các cuộc xung đột và mối đe dọa chung giữa Nga và phương Tây, tập trung nhiều hơn vào đối thoại, giảm căng thẳng và giải trừ quân bị. Tuy nhiên, giờ đây Phần Lan không hoàn toàn trung lập.

Phần Lan đang ngày càng gần gũi với NATO, Mỹ và các đối tác châu Âu, đồng thời cảnh giác trước các nguy cơ can thiệp từ Nga. Chọn lựa Phần Lan phải chăng chính là một động thái của Tổng thống Mỹ nhằm trấn an “các đồng minh châu Âu” trước cuộc hội kiến lịch sử đầy bất trắc với Tổng thống Nga?

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo chúng ta đang bên bờ vực của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Liệu Tổng thống Mỹ và Nga có mở ra một chương mới khi họ gặp nhau tại Helsinki vào ngày 16/7 tới hay không?

Hiệp hội kiểm soát vũ khí của Mỹ (ACA) cho rằng hai cường quốc hạt nhân này sẽ thảo luận việc kiểm soát vũ khí và giảm rủi ro hạt nhân – đặc biệt là về tương lai của Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới 2010 (New START), sẽ hết hạn vào năm 2021 trừ phi có một thỏa thuận gia hạn chung và về tranh cãi trong việc tuân thủ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung năm 1987 (INF).

Theo ACA, trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 3 vừa qua, Tổng thống Nga Putin cho rằng việc gia hạn New START sẽ có lợi vì hai bên có thể sẽ đồng ý cắt giảm hơn nữa số lượng đầu đạn hạt nhân. Chính quyền Tổng thống Trump đang xem xét vấn đề này.

Giám đốc ACA về chính sách giải trừ quân bị, ông Kingston Reif nói: “Việc gia hạn New START sẽ là chiến thắng dễ dàng cho Tổng thống. Nó có thể giúp tạo ra một môi trường tích cực cho việc cải thiện quan hệ Mỹ – Nga mà không cần đưa ra những nhượng bộ phi thực tế hoặc thiếu khôn ngoan cho Moscow. Nếu không làm vậy, khả năng thu thập tin tình báo của Mỹ đối với kho vũ khí hạt nhân của Nga sẽ bị hạn chế”.

Ông Daryl Kimball, giám đốc điều hành ACA cảnh báo: “Nếu không có một quyết định tích cực về việc gia hạn New START và nếu Hiệp ước INF kết thúc thì sẽ không có giới hạn pháp lý ràng buộc nào đối với hai siêu cường hạt nhân lớn nhất thế giới này cho lần đầu tiên kể từ năm 1972 và rủi ro cạnh tranh hạt nhân Mỹ – Nga sẽ tăng lên. Nếu hiệp ước INF sụp đổ và New START hết hiệu lực mà không được thay thế thì hậu quả của việc phối hợp quản lý hiệu quả rủi ro hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân sẽ rất nghiêm trọng.

Những quan điểm trên cho thấy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga tới đây sẽ có ý nghĩa quan trọng như thế nào khi nó diễn ra trong bối cảnh những căng thẳng, ngờ vực và nguy cơ xung đột giữa Mỹ và Nga tăng cao. Tuy nhiên, khi không có bất kỳ thay đổi nào trong chính sách của Mỹ (đối với Nga) thì khả năng có đạt được những kết quả tích cực hay không là điều chưa rõ ràng.

Nga đã chứng kiến những khác biệt rất lớn giữa các thỏa thuận mang tính chiến lược mà họ ký với Washington trong thời Chiến tranh Lạnh và với suy nghĩ của Trump. Đối với Trump thỏa thuận là điều “có thể giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó, và tồn tại tới chừng nào nó còn đem lại lợi ích”.

Hội nghị ở Helsinki tới sẽ là một “cuộc chơi hai mặt” – vừa đối đầu, vừa thân thiện. Cuộc gặp này chắc chắn sẽ giúp mối quan hệ kỳ lạ của Trump với Nga trở nên trọn vẹn hơn nhưng sẽ để lại hệ quả lớn hơn rất nhiều so với thượng đỉnh Trump-Kim cách đây một tháng./.

Diệu An

Theo Vietnamnet

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top