Hà Tĩnh: Ban quản lý cảng cá cho doanh nghiệp thuê thân đê kinh doanh VLXD trái phép

06/09/2018 | 12:21:14

Ban quản lý (BQL) các cảng cá Hà Tĩnh đã tiếp tay cho doanh nghiệp kinh doanh nguồn vật liệu xây dựng (VLXD) (cát) không rõ nguồn gốc ngay trên thân đê thuộc khu neo đậu tránh trú bão xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) nhiều năm nay.

Sự tiếp tay này được hợp thức hoá bằng bản hợp đồng kinh tế giữa ông Bùi Tuấn Sơn – Giám đốc BQL các cảng cá Hà Tĩnh với ông Nguyễn Trọng Chước – Giám đốc Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trọng Hải Long có địa chỉ tại thị trấn Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).

Doanh nghiệp sử dụng cả trăm mét thân đê và hành lang đê để kinh doanh cát.

Theo đó, bản hợp đồng kinh tế được ký ngày 30/12/2016 tại văn phòng BQL các cảng cá Hà Tĩnh. Diện tích đất mà đại diện BQL cho ông Nguyễn Trọng Chước thuê là 400m2 với giá trị cho thuê là 38.400.000 đồng/năm.

Trước phản ánh của một số chủ tàu thuyền thường xuyên vào khu neo đậu để lưu trú tàu thuyền về sự việc khu vực này đang bị một doanh nghiệp “chiếm dụng” để kinh doanh VLXD không rõ nguồn gốc, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã trực tiếp “mục sở thị” và ghi lại những thông tin, hình ảnh liên quan đến bất cập này.

Bản hợp đồng cho thuê đất trái quy định giữa đại điện BQL và doanh nghiệp.

Tại hiện trường khu vực kinh doanh VLXD không rõ nguồn gốc này, những hình ảnh phóng viên ghi lại được thể hiện đúng như thông tin mà một số chủ tàu thuyền phản ánh. Tại đây, có hai bãi tập kết VLXD cách nhau bởi một bức tường đang tập kết hàng nghìn khối cát.

Trong đó, ngoài khối lượng cát được chủ doanh nghiệp thông tin là có nguồn gốc được mua về từ các bến ở thị xã Hồng Lĩnh thì còn một khối lượng lớn cát bẩn được khai thác không phép ở các luồng lạch nằm trong địa bàn quản lý của BQL các cảng cá Hà Tĩnh.

Nghiêm trọng hơn, ngoài khu vực 400m2 mà Giám đốc BQL các cảng cá Hà Tĩnh cho thuê trái quy định, doanh nghiệp này còn sử dụng cả thân đê, mặt đê để lắp đặt cần trục cỡ lớn dùng cho việc di chuyển cát từ luồng lạch lên bờ và lên xe vận tải. Doanh nghiệp cũng lợi dụng hơn trăm mét mặt đê, hành lang đê để kinh doanh cát, hậu quả là mái đê, mặt đê và gờ chắn đê bị gãy vỡ, hư hỏng nghiêm trọng.

Ngày 30/8, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Bùi Tuấn Sơn – Giám đốc BQL các cảng cá Hà Tĩnh. Tại buổi làm việc, ông Sơn thừa nhận có sai sót vì đã để cho doanh nghiệp sử dụng thân đê lắp đặt cần cẩu mà không thể xử lý được.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng khẳng định rằng diện tích đất mà đơn vị này cho thuê là đúng thẩm quyền và hoàn toàn hợp lý, việc kinh doanh của doanh nghiệp không làm ảnh hưởng đến ai, không gây hư hại đối với đê và khu neo đậu, lưu trú tàu thuyền.

Doanh nghiệp sử dụng mặt đê để lắp đặt cần cẩu dùng cho việc vận chuyển cát từ sông lên bãi.

“Khu vực này vốn để không và ít khi sử dụng, tàu thuyền cũng không thường xuyên lui tới bến này để lưu trú, tránh bão nên Ban chủ động cho doanh nghiệp thuê để kiếm thêm nguồn thu. Việc cho thuê và kinh doanh vốn không ảnh hưởng đến ai nên mong anh chị thông cảm và bỏ qua cho”, ông Sơn trình bày.

Nói về vấn đề nguồn gốc cát đang kinh doanh tại địa điểm này, vị Giám đốc BQL thừa nhận là số lượng cát được các tàu hút không có giấy phép từ một số luồng lạch thuộc sự quản lý của Ban, tuy nhiên, việc nạo hút này dù bất hợp pháp nhưng lại hợp lý bởi nó góp phần khơi thông luồng lạch, tạo điều kiện lưu thông cho các tàu thuyền ra vào cảng.

Hiện tại, bãi kinh doanh VLXD của doanh nghiệp Trọng Hải Long tại khu lưu trú, tránh bão tàu thuyền xã Cẩm Nhượng đang lắp đặt và sử dụng hai chiếc cần trục loại lớn để vận chuyển cát. Hai cần cẩu này đều được lắp đặt kiên cố trên thân đê và mặt đê, mặc dù tồn tại từ nhiều năm nay nhưng không hề bị các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, xử lý và di dời đúng quy định.

Tồn tại này theo ông Nguyễn Trọng Chước – chủ doanh nghiệp Trọng Hải Long thì các cơ quan, ban, ngành đã kiểm tra và cũng có ý muốn tháo dỡ, di chuyển cần trục đặt đúng nơi, đúng chỗ quy định nhưng vì gặp khó trong công tác tháo dỡ nên vẫn để nguyên trạng cho đến hiện tại.

Phải chăng, các cơ quan quản lý gặp khó trong khâu tháo dỡ, di dời hay cố tình làm ngơ cho doanh nghiệp sử dụng thân đê và hành lang đê để kinh doanh trái pháp luật? Và BQL các cảng cá Hà Tĩnh mà đại diện là ông Bùi Tuấn Sơn (Giám đốc) có vượt thẩm quyền trong việc cho doanh nghiệp thuê đất trái quy định.

Dư luận cũng hoài nghi về số tiền hơn 38 triệu đồng mỗi năm từ cho thuê đất sẽ được sử dụng vào mục đích gì, có được nộp vào kho bạc Nhà nước hay không? Rất cần sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành để kiểm tra và xử lý theo đúng pháp luật.

Tác giả: Phi Long – Lê Mỹ

Nguồn tin: Báo Xây dựng

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top