
Ngày 9/1, phiên tòa xét xử ông Trầm Bê – Phạm Công Danh cùng 44 đồng phạm sẽ tiếp tục với phần công bố cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát.
Ngày xét xử đầu tiên Trầm Bê: Cả 3 đại gia liên quan không có mặt Trong ngày xét xử 8/1,ông Trầm Bê xuất hiện tại toà với khuôn mặt hốc hác, ông Phạm Công Danh bị choáng, phải rời phòng xử. Đáng chú ý, cả 3 đại gia liên quan đều không có mặt
TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án Trầm Bê – Phạm Công Danh cùng 44 đồng phạm bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
– Trong ngày xét xử 8/1, nhiều “đại gia” như: Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch ngân hàng BIDV), Trần Quý Thanh (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát), bà Hứa Thị Phấn (nguyên Chủ tịch ngân hàng Đại Tín) vắng mặt. Chỉ có ông Trần Quý Thanh cử người đại diện theo ủy quyền tham gia.
– VKS đề nghị HĐXX tiếp tục triệu tập những người như ông Trần Bắc Hà, Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang vì sự vắng mặt của họ có thể ảnh hưởng đến việc xét xử tại phiên tòa.
– Ông Trầm Bê, Phạm Công Danh và một số bị cáo khác liên tục gặp vấn đề về sức khỏe phải nhờ đến sự chăm sóc của nhân viên y tế.
Trầm Bê đã giúp sức Phạm Công Danh như thế nào? Trong giai đoạn 2 vụ án, Phạm Công Danh bị cáo buộc gây thiệt hại cho ngân hàng VNCB 6.127 tỷ đồng. Trong đó, Trầm Bê đã giúp sức cho ông Danh gây thiệt hại 1.800 tỷ đồng.
-
Ngày thứ 2 đại án Trầm Bê – Phạm Công Danh, an ninh tiếp tục được thắt chặt
8h5, phiên toà ngày 9/1 bắt đầu làm việc. Lực lượng hỗ trợ tư pháp đã dẫn giải các bị cáo vào phòng xử án. So với ngày hôm qua, sắc mặt của Trầm Bê và Phạm Công Danh đã tươi tỉnh hơn. Bên ngoài phòng xử án, các luật sư và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan vẫn có mặt khá đông.
An ninh tại phiên toà đại án Trầm Bê – Phạm Công Danh tiếp tục được thắt chặt. Những người đi vào phòng xử đều phải xuất trình giấy tờ và đi qua cổng kiểm tra an ninh.
-
Vai trò của ông Trần Bắc Hà vô cùng quan trọng
Tại phiên xử ngày 8/1, những người có nghĩa vụ liên quan như ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch ngân hàng BIDV), Trần Quý Thanh (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát), bà Hứa Thị Phấn (nguyên Chủ tịch ngân hàng Đại Tín) vắng mặt. Chỉ có ông Trần Quý Thanh cử người đại diện theo ủy quyền tham gia.
Theo các luật sư, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, số tiền gây thiệt hại của ông Phạm Công Danh và đồng phạm lên đến 6.127 tỷ đồng. Vì vậy, việc có mặt của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là rất cần thiết để giúp HĐXX làm rõ sự thật của vụ án.
“Ông Trần Bắc Hà là người ký phê duyệt 12 chủ trương để ông Phạm Công Danh vay 4.700 tỷ trong khi các công ty chỉ mới thành lập thì ông Hà bắt buộc phải có mặt tại tòa để đối chất”, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) bày tỏ quan điểm.
Cũng theo luật sư Hùng, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án đều đã được cơ quan điều tra lấy lời khai trước đó. Nên HĐXX vẫn có thể căn cứ vào lời khai để xét xử vụ án. Tuy nhiên, vai trò của ông Trần Bắc Hà trong vụ án này vô cùng quan trọng nên không thể vắng mặt.
“Việc đánh giá mức độ, tính chất vụ án trong trường hợp này thuộc về HĐXX. Nhưng việc các công ty mới thành lập, không kinh doanh gì, chỉ dùng tên để vay tiền mà ông Trần Bắc Hà vẫn ký duyệt chủ trương cho vay số tiền quá lớn như vậy thật khó để tin ông Hà không hề biết”, luật sư Đỗ Hải Bình nghi vấn.
Luật sư Bình nói thêm: “Tòa án có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế (áp giải) trong hoạt động tố tụng nếu xét thấy việc vắng mặt của họ không thể làm sáng tỏ toàn bộ nội dung vụ án”.
Ông Phạm Công Danh được dẫn giải đến toà sáng nay. Ảnh: Tùng Tin.
Theo Zing.vn