
“Trước đây chúng ta nói quy định xử phạt thấp quá nên không răn đe. Giờ đã cao rồi thì lại nói nói cao quá không làm được. Đến lúc nào chúng ta mới vừa lòng? Vì vậy phải xã hội hóa”.
Ngày 5/5 HĐND TP.HCM đã tổ chức phiên thảo luận chuyên đề có nội dung về bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư, quản lý chất thải trên địa bàn TP.
![]() |
Đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang. |
Xã hội hoá xử lý rác thải
Ông Lê Nguyễn Minh Quang (Trưởng ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM) nêu ý kiến, đến nay ông vẫn “chưa hiểu rõ nguyên nhân” dừng khu xử lý rác tại xã Phước Hiệp (Củ Chi). Theo ông nếu vận chuyển hết rác về phía Nam TP (bãi Đa Phước, Bình Chánh) rõ ràng sẽ gây ra những bất cập.
Với việc xử lý bùn thải từ các công trình nạo vét, chống ngập và metro… ông Quang đề xuất nên xã hội hóa để nhiều đơn vị cùng thực hiện, bởi số lượng cần xử lý rất lớn trong khi hiện nay chỉ có 1 công ty được giao thực hiện.
Về phân loại và ý thức người dân trong việc bỏ rác đúng nơi quy định, ông Quang nhấn mạnh rằng cần phải có cách tuyên truyền mới. Theo ông cách làm hiện nay ít nhiều có tác dụng nhưng chưa đạt yêu cầu vì người dân xả rác ra đường vẫn còn nhiều.
“Tôi sang Tokyo đi mỏi mắt để bỏ giấy gói kẹo nhưng không tìm được thùng rác, vì người ta quan niệm rằng anh tạo ra rác thì anh phải tìm chỗ, hoặc về nhà bỏ chứ TP không tạo ra chỗ cho anh bỏ” – ông Quang lấy so sánh.
Ông Quang cho rằng cần tạo được thói quen cho người dân dựa trên các chế tài xử phạt, vì lắp thùng rác nhiều cũng không phải là giải pháp căn cơ.
“Như ở Paris (Pháp) thực hiện xử phạt với hành vi xả rác ra đường. 1 người xả mẩu thuốc lá ra đường, bị chụp hình lại là bị phạt 63 euro, trong khi 1 bao thuốc có 8 euro. Sau khi làm thì hiện tượng xả rác giảm đi hẳn” – ông Quang tiếp tục.
Ông nhận định rằng “các đơn vị xã hội hóa có động lực làm việc này”, trong khi TP không thể tăng biên chế.
“Việc này sẽ giúp cho bộ mặt của TP văn minh hơn, cũng tương tự như giao trách niệm cho quận, huyện, phường về giao thông vỉa hè như vừa qua”.
“Trước đây chúng ta nói quy định xử phạt thấp quá nên không răn đe. Giờ đã cao rồi thì lại nói nói cao quá không làm được. Đến lúc nào chúng ta mới vừa lòng? Vì vậy phải xã hội hóa.” – ông Quang chia sẻ.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quang, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng khẳng định không có việc đóng cửa toàn bộ bãi rác Phước Hiệp.
“Không có chuyện dừng toàn bộ bãi rác tại đây để chuyển về Đa Phước” – ông nhấn mạnh.
Theo ông tại Phước Hiệp chỉ dừng chôn lấp tại bãi số 3 để xử lý nước rỉ rác, còn lại các bãi khác vẫn tiếp nhận rác thải bình thường.
Tăng trưởng kinh tế không đồng nghĩa với tăng ô nhiễm
Đóng góp ý kiến tại đây, PGS. TS – Lê Văn Khoa Trưởng khoa Môi trường Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết rằng gần 20 năm trước TP đã thành lập Hội đồng bảo vệ môi sinh và điều đó chứng tỏ TP rất quan tâm đến môi trường.
Tuy nhiên ông đặt câu hỏi ngược lại là tại sao đến nay chất lượng môi trường vẫn không được như mong đợi, thậm chí TP.HCM còn bị xếp thứ hạng cao trong danh sách những TP bị ô nhiễm bụi?
Cũng theo TS Khoa, nhiều người cho rằng phát triển kinh tế thường làm gia tăng ô nhiễm môi trường, nhưng thực tế điều này không hoàn toàn đúng.
Qua các nghiên cứu của quốc tế, ông cho rằng khi kinh tế phát triển đến một lúc nào đó (mốc chuyển) thì ô nhiễm sẽ giảm bởi lúc đó năng lực tài chính mạnh, công nghệ phát triển, nhận thức của người dân cũng cao lên.
Nhưng điều đó với TP.HCM sẽ còn khá lâu, bởi “mức chuyển” như ông nói là thu nhập bình quân đầu người phải đạt 45.000USD.
“Ở Singapore phụ nữ không phải đeo khẩu trang nhưng ở TP chúng ta thì phải đeo. Chúng ta còn rất lâu mới đạt đến mức 45.000USD, vì hiện chỉ ở mức 3.500USD” – ông nói.
TS Khoa còn cho rằng môi trường cùng với xã hội – kinh tế – thể chế – văn hóa là các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển bền vững, và theo Ngân hàng Thế giới thì ngay từ năm 2008 nước ta đã mất tới 5,5% GDP (khoảng 7,6 tỉ USD) vì thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra.
Đáp lại những ý kiến trên, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định bảo vệ môi trường là vấn đề TP rất quan tâm. Do vậy các cơ quan chức năng cần tập trung xử lý việc này và HĐND sẽ tăng cường giám sát trong thời gian sắp tới.
Theo Infonet