Tổng Công ty 36 bị phạt 540 triệu đồng do vi phạm về đất đai và khoáng sản

26/09/2022 | 16:23:25

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh vừa ký quyết định xử phạt Tổng Công ty 36 do ông Nguyễn Đăng Giáp làm người đại diện theo pháp luật.

Tại Quyết định 118/QĐ-XPHC, UBND tỉnh Nghệ An xử phạt vi phạm hành chính đối với Tổng Công ty 36 – CTCP (Tổng Công ty 36) về các hành vi: Lấn chiếm đất rừng sản xuất khi chưa được cấp có thẩm quyền cho thuê đất; khai thác khoáng sản vượt công suất; khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được cấp phép… Đồng thời đình chỉ hoạt động khai thác trong thời gian 105 ngày.

Cụ thể, Tổng Công ty 36 đã lấn, chiếm 23.610,1m2 đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn (khu vực lèn Trốt, xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu) để làm trạm trộn, văn phòng, bãi tập kết. Trong đó, diện tích 15.145,5m2, thời gian vi phạm là 5 năm và diện tích 8.464,6m2 thời gian vi phạm là 1 năm, nằm ngoài diện tích cấp phép khai thác mỏ, diện tích lấn chiếm chưa được UBND tỉnh cho chủ trương thuê đất.

Với hành vi này, Tổng Công ty 36 bị phạt tiền 120 triệu đồng, theo quy định tại điểm e, khoản 3, Điều 14, Nghị định 91/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực đất đai.

Cơ quan chức năng cũng áp dụng biện pháp khắc phục, trong thời hạn 90 ngày, buộc Tổng Công ty 36 khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và trả lại đất đã lấn, chiếm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi VPHC số tiền 120.274.000 đồng.

Tổng Công ty 36.

Thêm vào đó, Tổng Công ty 36 đã khai thác khoáng sản có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được cấp phép khai thác từ 0,1ha đến dưới 0,5ha (vượt ranh giới cấp phép với diện tích hơn 0,34 ha tại lèn Trốt, xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu). Hành vi này, cơ quan chức năng đã phạt tiền 120 triệu đồng, theo quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 37 Nghị định 36/2020 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; được sửa đổi, bổ sung tại khoản 15, Điều 2 Nghị định 04/2022 của Chính phủ.

Biện pháp khắc phục buộc Tổng Công ty 36 cải tạo, phục hồi môi trường, thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn; đồng thời buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi VPHC với số tiền 81.800.000 đồng.

Ngoài ra, Tổng Công ty 36 cũng đã khai thác khoáng sản vượt công suất được cấp phép khai thác hàng năm nêu trong giấy phép khai thác khoáng sản (cụ thể, được phép khai thác hàng năm là 100.000m3, trong khi năm 2021 Cty khai thác công suất 140.000m3, vượt 40% công suất với khối lượng 40.000m3).

Với hành vi vi phạm này, Tổng Công ty 36 bị xử phạt 300 triệu đồng, theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 41 Nghị định 36/2020 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; được sửa đổi, bổ sung tại khoản 18, điều 2 Nghị định 04/2022 của Chính phủ.

Hình thức xử phạt bổ sung đối với Tổng Công ty 36 là đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản trong trường hợp vi phạm nhiều lần (năm 2020 Tổng Công ty 36 đã khai thác vượt công suất 128.000m3, vượt 28%)

Biện pháp khắc phục hậu quả buộc Tổng Công ty 36 thực hiện các biện pháp cải tạo các công trình bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường, hư hỏng hạ tầng kỹ thuật do hành vi khai thác vượt công suất gây ra.

Với các hành vi như trên, Tổng Công ty 36 bị xử phạt chính số tiền 540 triệu đồng, yêu cầu nộp lại số lợi bất hợp pháp số tiền hơn 202 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản (khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường) thời gian 3 tháng 15 ngày kể từ ngày quyết định có hiệu lực.

Tổng công ty 36 từng là đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đến năm 2016, Công ty được cổ phần hoá theo phương án bán 42,21% vốn điều lệ (18,15 triệu cổ phiếu) cho nhà đầu tư chiến lược; 10% vốn điều lệ (4,3 triệu cổ phiếu) chào bán thông qua đấu giá; 40% còn lại thuộc về cổ đông nhà nước (17,2 triệu cổ phiếu).Kết thúc đợt IPO, vốn điều lệ Tổng công ty tăng lên 430 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông chiến lược là Công ty cổ phần Xây lắp và thương mại Trường Lộc sở hữu 32,9% vốn điều lệ (14,15 triệu cổ phiếu); Công ty cổ phần Vận tải và thương mại Anh Quân sở hữu 9,3% (4 triệu cổ phiếu). Nhóm hai cổ đông chiến lược mua vào với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.Đối với kế hoạch IPO, Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện đã mua vào 4,25 triệu cổ phiếu, chiếm 9,87% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn. Trong đó, giá IPO trung bình là 15.102 đồng/cổ phiếu.Công ty cổ phần Xây lắp và thương mại Trường Lộc được thành lập năm 2003, cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Đăng Giáp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty 36 tại thời điểm đó. Trong khi đó, Công ty cổ phần Vận tải và thương mại Anh Quân được thành lập năm 2008, cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Đăng Ngọ, em trai ông Nguyễn Đăng Giáp. Như vậy, hai cổ đông chiến lược đều liên quan tới Chủ tịch Công ty.Hiện ông Giáp chỉ còn giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị do theo yêu cầu tách bạch vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc tại công ty đại chúng.Tới năm 2017, Công ty thực hiện tăng vốn điều lệ từ 430 tỷ đồng lên 727,3 tỷ đồng; trong đó, thực hiện chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1,33, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Kết thúc đợt chào bán, tỷ lệ sở hữu của Bộ Quốc phòng còn 18,38% vốn điều lệ (17,2 triệu cổ phiếu, tương đương đầu năm 2016). Ngược lại, danh sách cổ đông lớn bất ngờ xuất hiện ông Nguyễn Đăng Giáp sở hữu 13,16%; ông Nguyễn Văn Hiền sở hữu 10,27%…

Theo Huệ Nguyễn/Báo Đầu tư

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top