Các Cienco đã được CPH thế nào? Bài cuối: Các Cienco làm ăn ra sao sau cổ phần hóa?

05/07/2019 | 08:20:56
Sau cổ phần hóa, cổ đông chiến lược của các Cienco nhanh chóng rút vốn, thông tin gần như bị “bưng bít”. Đáng lẽ, sau IPO các Cienco phải nhanh chóng lên sàn công bố thông tin. Tuy nhiên sau 5 năm mới chỉ có Cienco4 lên sàn.
cienco3

Nhóm Út “trọc” thâu tóm Cienco1

Năm 2014, Bộ Giao thông vận tải đã tiến hành IPO hàng loạt doanh nghiệp trực thuộc Bộ. Trong đó có loạt Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, 4, 5, 6 và 8.

Trong đợt IPO năm 2014, chỉ có Cienco1 và 4 tỏ ra “đắt khách” khi cổ phiếu bán hết ngay từ lần đầu chào bán. Sức hấp dẫn của 2 tổng công ty này vượt trội so với các doanh nghiệp “họ” Cienco khác nhờ quy mô tài chính lớn, với doanh thu hàng năm đạt 4.000 – 5.000 tỷ đồng.

Còn các Cienco 5, 6 và 8 chỉ bán được cổ phiếu cho cổ đông chiến lược và lượng nhỏ ra công chúng. Tuy nhiên, sang năm 2015 – 2016, các tổng công ty này cũng đã IPO thành công.

Sau IPO, cổ đông chiến lược của các Cienco gần như thoái vốn toàn bộ. Cụ thể:

Tại Cienco1, 21,7 triệu cổ phiếu đã được bán hết cho 3 cổ đông chiến lược là: Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh, Hassyu – Nhật Bản và Công ty cổ phần FECON (7%) cùng mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Sau đó, các cổ đông chiến lược là Hassyu và FECON đã thoái vốn khỏi Cienco1. Lúc này, nhóm công ty liên quan đến Út “trọc” Đinh Ngọc Hệ đã thâu tóm đến 90% Cienco1.

Những năm qua, có khá ít thông tin về Cienco1 được công bố. Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này gần như không ai biết.

Tại Cienco4, tổng công ty đã bán 26,5% cổ phần cho 2 cổ đông chiến lược là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc (16,5%) và Ngân hàng SHB (10%). Cũng trong năm 2014, Công ty Tuấn Lộc đã mua nốt 35% cổ phần của Nhà nước tại Cicenco4 với giá 14.062 đồng/cổ phần.

Thế nhưng, năm 2015, cả Tuấn Lộc và Ngân hàng SHS đều thoái vốn khỏi Cienco4. Sau nhiều lần thay đổi, đến tháng 12/2018, Cienco4 chính thức lên sàn Upcom với mã chứng khoán C4G.

Trở thành công ty đại chúng, Cienco4 buộc phải công bố thông tin. Theo Báo cáo tài chính hợp nhất 2018, tổng tài sản Cienco4 là 7.856 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả là 6.735 tỷ đồng. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Cienco4 trong năm 2018 đạt 3.126 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt hơn 136 tỷ đồng.

Tại Cienco5, Công ty cổ phần đầu tư Nam Trí và Công ty cổ phần Việt Phương là hai cổ đông chiến lược được mua 15,5% cổ phần. Trong đợt IPO lần đầu, Cienco5 chỉ phát hành thành công hơn 1,9 triệu cổ phần cho 8 nhà đầu tư (7 trong số này là cá nhân), trị giá hơn 19,2 tỷ đồng.

Năm 2015, Cienco5 đã bán trọn lô 10,18 triệu cổ phần tương ứng 23,18% vốn điều lệ  cho Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát. Trong những năm qua, thông tin về việc kinh doanh của Cienco5 khá ít. Chỉ biết rằng, tính đến hết năm 2017, Cienco5 có số nợ hơn 1.759 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 649 tỷ đồng, nợ dài hạn hơn 1.109 tỷ đồng. Cienco 5 cũng bị các đơn vị khác nợ hơn 602 tỷ đồng.

Còn tại Cienco8, ba cổ đông chiến lược của Cienco8 là: Công ty cổ phần Cầu đường Long Biên góp 35 tỷ đồng (chiếm 10% tỷ lệ vốn điều lệ), Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Vinaconex – PVC góp 21 tỷ đồng (chiếm 6% tỷ lệ vốn điều lệ) và Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam góp 17.5 tỷ đồng (chiếm 5% tỷ lệ vốn điều lệ).

Ngày 6/5/2014, Cienco8 đã đưa ra đấu giá là hơn 10 triệu cổ phần với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, chỉ có 26 nhà đầu tư đăng ký đấu giá. Trong đợt này, Cienco8 chỉ bán được 37.000 cổ phần với giá bình quân 10.000/cổ phiếu. Tổng giá trị cổ phần bán được là 370 triệu đồng.

Đến tháng 8/2015, Cienco8 tiếp tục đưa hơn 19,1 triệu cổ phần ra đấu giá với giá khởi điểm 10.100 đồng/cp, đã có 2 nhà đầu tư đăng ký tham gia (gồm 1 tổ chức và 1 cá nhân đều là nhà đầu tư trong nước) nhưng tổng khối lượng đăng ký mua chỉ là 8.266.000 cổ phần tương đương 43,5% lượng cổ phiếu đấu giá.

Sau đó, nhóm cổ đông Tập đoàn Phúc Lộc cùng hai cá nhân là Lương Minh Tường và Đinh Thị Hương Giang đã nắm quyền kiểm soát Cienco8 với tỷ lệ 78,51%. Thông tin về hoạt động kinh doanh của Cienco8 dưới thời doanh nhân Lương Minh Tường gần như được “bảo mật”.

Có thể nói, hậu cổ phần hóa các Cienco, các cổ đông chiến lược đến và đi đều rất nhanh chóng. Việc tiếp cận thông tin là một điều rất khó khăn khi các tổng công ty đều “chần chừ” niêm yết.

Trong khi, theo Quyết định 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định, các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa phải đưa cổ phiếu vào giao dịch trên UPCoM trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sau 5 năm mới chỉ có Cienco4 lên sàn vào cuối năm 2018. Còn các doanh nghiệp họ Cienco khác vẫn chưa hẹn ngày công khai thông tin.

Nguồn : Thủy Tiên – Mai Anh (nhadautu.vn)

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top