Cải cách chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương

13/12/2016 | 08:34:14

Sau khi sáp nhập 7 vụ, cục, Bộ Công Thương tiếp tục bãi bỏ 15 thủ tục, đơn giản hoá 108 thủ tục hành chính…

“Cải cách chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương”

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết sẽ đi đầu trong việc cải cách ở Bộ Công Thương

BẠCH DƯƠNG

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước năm 2017.

Theo đó, Bộ bãi bỏ 15 thủ tục hàng chính và đơn giản hóa 108 thủ tục trong tổng số 443 thuộc phạm vi Bộ quản lý.

“Đây được xem là cuộc cải cách chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương nhiều năm nay”, báo cáo nói.

Các lĩnh vực đơn giản hoá gồm kiểm tra chất lượng thép sản xuất, nhập khẩu (5 thủ tục), thương mại quốc tế (3 thủ tục), công nghiệp nặng (2 thủ tục), sản xuất kinh doanh thuốc lá (6 thủ tục), kinh doanh khí (18 thủ tục), kinh doanh rượu (19 thủ tục), xăng dầu (15 thủ tục), an toàn thực phẩm (12 thủ tục), xuất nhập khẩu (8 thủ tục), xúc tiến thương mại (5 thủ tục)…

Bộ Công Thương cho biết, việc xóa bỏ và đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 – 2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã cắt giảm nhiều thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, bãi bỏ và sửa đổi một số thủ tục hành chính như: kiểm tra formaldehyte và amin thơm đối với hàng dệt may tại cửa khẩu, nhập khẩu xe chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống, kinh doanh khí hóa lỏng, khai báo hóa chất, tiếp cận điện năng, dán nhãn năng lượng…

Tuy nhiên, là Bộ đa ngành đa lĩnh vực, Bộ Công Thương hiện quản lý tới 443 thủ tục hành chính tại 19 lĩnh vực, ở cả 4 cấp chính quyền (cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã), những nỗ lực đó được Bộ Công Thương đánh giá là chưa đủ.

Mặt khác, cải cách hành chính không chỉ là việc thủ tục đơn giản hơn mà còn cần minh bạch hóa và hiện đại hóa.

Bộ Công Thương cam kết sẽ tiếp thu, lắng nghe ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, người dân để thực hiện công cuộc sửa đổi, đơn giản hoá thủ tục hành chính cho phù hợp.

Trước đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký quyết định lấy ý kiến về việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trong Bộ Công Thương. Theo đó, Tổng cục Năng lượng tách thành một cục và hai vụ; Vụ Thị trường thương mại miền núi nhập vào Vụ Thị trường trong nước; Cục Hóa chất, Vụ Công nghiệp nhẹ, Vụ Công nghiệp nặng nhập thành Cục Công nghiệp; Vụ Tài chính tách một phần về Vụ Kế hoạch, một phần về Vụ Đổi mới phát triển doanh nghiệp.

Vụ Phát triển nguồn nhân lực (trước kia tách ra từ Vụ Tổ chức cán bộ), sẽ nhập lại về Vụ tổ chức cán bộ; Vụ Thi đua khen thưởng và Cục Công tác phía nam (trước kia là Văn phòng đại diện Bộ Công Thương tại Tp.HCM) nhập về thuộc Văn phòng Bộ Công Thương.

Các Vụ KV1, KV2, KV3, KV4 nhập lại thành hai Vụ châu Âu, Mỹ và Á Phi; Vụ Hợp tác Quốc tế nhập về hai Vụ Á, Phi và Âu Mỹ; Hai viện nghiên cứu (Thương mại và Chính sách công nghiệp) nhập thành một viện.

Đồng thời, Bộ cũng sẽ thành lập thêm Cục Phòng vệ thương Mại cho phù hợp xu thế hội nhập. Nâng cấp thành lập Tổng cục Quản lý thị trường từ Cục Quản lý Thị trường còn lại giữ nguyên

Theo Vneconomy

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top