Cây mắc ca bén duyên trên đất Nghĩa Đàn (Nghệ An)

12/08/2018 | 20:37:22
Cây mắc ca bén duyên trên đất Nghĩa Đàn (Nghệ An)

Tham quan vườn cay mắc ca của gia đình ông Phan Đình Liên

Mô hình trồng thử nghiệm mắc ca của gia đình ông Liên trên đất Nghĩa Đàn đang mở thêm một hướng trồng cây đặc sản mới.

Nếu hiệu quả, Nghĩa Đàn có cơ hội mở rộng thêm loại cây đặc sản mà từ trước đến nay mới chỉ được nhắc nhiều ở Tây Nguyên.

Nói về cây mắc ca nhiều người dân ở Nghĩa Đàn vẫn đang “lạ lẫm”, tuy nhiên, ông Phan Đình Liên, xóm Nghĩa Chính, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn vẫn mạnh dạn trồng cây mắc ca trên vùng đồi Nghĩa Chính với mong muốn đưa một loại thực phẩm giá trị dinh dưỡng cao vào quê nhà.
Là một cán bộ xã Nghĩa Lâm, ông Phan Đình Liên, xóm Nghĩa Chính luôn đam mê với nghiệp trồng trọt. Sau một lần được nghe bản tin về giống cây mắc ca có giá trị dinh dưỡng cao, ông cảm thấy thích thú nên đã tìm hiểu giống cây này. Do trên địa bàn huyện chưa có người trồng loại cây cây Mắc ca này, nên ông đã mạnh dạn ra Ba Vì – Hà Nội đi tham quan thực tế một số công ty chuyên sản xuất, chế biến mắc ca thành phẩm, nhưng do đây là lĩnh vực mới nên chưa có nhiều mô hình, tài liệu liên quan cho ông học tập. Dù vậy, ông vẫn quyết định mạnh dạn vay vốn, vào rừng trồng cây mắc ca, với mong muốn đây là loại cây trồng mới mang tính đột phá nhằm khai thác tối đa tiềm năng lợi thế đất đai thổ nhưỡng của địa phương.

Vườn cây mắc ca của gia đình ông Phan Đình Liên

Đầu năm 2016, ông đã khăn gói vào tận Đắc Lắk, nơi có nhiều người trồng giống Mắc ca để đặt mua 200 cây giống của một công ty chuyên về cây mắc ca với giá 50 nghìn đồng/cây, được hỗ trợ kỹ thuật bài bản và thực hiện trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật. đảm bảo chất lượng.
Cây mắc ca được trồng hàng cách hàng đúng 5m, cây cách cây đúng 6m, mỗi cây ông đều có ký hiệu riêng để tiện theo dõi, ghi nhật ký đánh giá trong quá trình chăm sóc và sau 3 năm, cây đã bắt đầu cho quả bói. Theo ông Liên, cây mắc ca khá phù hợp với vùng đất đỏ ba gian nên phát triển nhanh, cho nên năm đầu tiên, cây đã phát triển mạnh và chỉ cần phun 1 lần.  Việc trồng, chăm sóc loại cây trồng này cũng ít tốn kém và tương đối nhàn rỗi so với cây cam, bơ và bưởi… ước tính từ năm thứ 6 trở lên, mỗi cây cho thu hoạch khoảng 20 kg. Theo giá thị trường hiện nay,  quả tươi sẽ có giá 250 nghìn/kg và hạt tách vỏ khoảng 900 – 1 triệu đồng/kg. Ông Liên chia sẻ: Gia đình tôi trồng mắc ca xen bưởi, bơ… nên nguồn thu nhập không quá phụ thuộc hoàn toàn vào mắc ca.

Cây mắc ca đã cho quả bói

Hiện trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, mô hình trồng cây Mắc ca của ông Phan Đình Liên là mô hình thử nghiệm đầu tiên. Nhiều người vẫn còn bỡ ngỡ về tên gọi cũng như giá trị dinh dưỡng của nó, tuy nhiên, cũng có người dân đã biết về giá trị sử dụng và đã bắt đầu hỏi mua quả bói của gia đình ông Liên. Hiệp hội Mắc ca cũng đã tìm hiểu tại vườn cây gia đình ông và mong muốn được đầu tư mở rộng diện tích cây mắc ca trồng ở vùng đồi này. Cũng theo phản ánh của lãnh đạo xã Nghĩa Lâm, đây là một loại cây mới trên đất Nghĩa Đàn, nếu hiệu quả, xã sẽ có kế hoạch cho nhân rộng mô hình cây mắc ca trên một số diện tích đất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho nhân dân. Bà Nguyễn Thị Thanh Vinh, chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm cho biết thêm: Hiện nay mô hình trồng thử nghiệm cây mắc ca của gia đình ông Liên nay đã có quả bói, ngoài trồng chính cây mắc ca, ông còn trồng xen bưởi, bơ… đã cho thấy sự thành công. Đây là một tín hiệu đáng mừng, mở ra triển vọng nhân rộng cây mắc ca trên địa bàn xã nhà.
Mô hình trồng thử nghiệm mắc ca của gia đình ông Liên trên đất Nghĩa Đàn đang mở thêm một hướng trồng cây đặc sản mới. Nếu hiệu quả, Nghĩa Đàn có cơ hội mở rộng thêm loại cây đặc sản mà từ trước đến nay mới chỉ được nhắc nhiều ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, bà con nông dân cũng cần cân nhắc bởi đây là loại cây trồng lâu năm mới cho thu hoạch mà giá thị trường khá cao so với nhu cầu nhân dân./.
Nguồn: Bích Hằng – Minh Thái (TTĐT Nghĩa Đàn)

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top