Chậm giải phóng mặt bằng, dự án triệu đô có nguy cơ bị ngân hàng cắt vốn

01/12/2017 | 09:24:17

Chậm giải phóng mặt bằng, không đảm bảo tiến độ, Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh (Nghệ An) có nguy cơ bị Ngân hàng Thế giới cắt vốn.

Dự án phát triển đô thị Vinh được khởi công xây dựng từ tháng 6/2013 và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 8/2017. Với mục đích sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo của thành phố theo hướng quy mô văn minh, hiện đại, Dự án do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ này là một trong những công trình được cho là lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn TP Vinh, khi được thực hiện trên địa bàn 16 phường và 9 xã ngoại thành.

Trong đó, bao gồm 4 hợp phần: Cải thiện dịch vụ và nâng cấp cơ sở hạ tầng cơ bản; cải thiện vệ sinh môi trường; xây dựng cầu, đường đô thị và tăng cường năng lực hạ tầng kỹ thuật.

Dự án phát triển đô thị Vinh (Nghệ An) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, với tổng mức đầu tư 168,484 triệu USD. Trong đó vốn vay của Ngân hàng thế giới 98 triệu USD; vốn đối ứng của Việt Nam 1.269 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, 4 năm thi công nhưng nhiều hạng mục của tiểu dự án này bị chậm do vướng mắc đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB). Điển hình là gói thầu nâng cấp cải tạo tuyến mương xung quanh Thành cổ Vinh theo tiến độ phải hoàn thành vào ngày 30/4/2017 nhưng đến nay vẫn chưa xong. Ngoài ra, hạng mục tuyến đường Vinh – Hưng Tây thi công chậm do còn nhiều hộ dân ở xóm Vạc và xóm Nam Phúc Long, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên chưa chịu nhận tiền bồi thường, gây kéo dài thời gianthi công. Bên cạnh đó, hạng mục thi công cầu vượt trên đường 72m chậm tiến độ so với kế hoạch.

Dự án tuyến đường Vinh – Hưng Tây đang chậm tiến độ.

Theo báo cáo của UBND TP. Vinh, đến thời điểm này, tổng số vốn đã giải ngân ODA là 61,42 triệu USD, đạt 72,5% tổng vốn dự án hiện có, thời gian thực hiện dự án là 86%. Nguồn vốn đối ứng đã cấp 1.096/1.269 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh đã hoàn thành 7 gói thầu xây lắp và đang triển khai xây dựng 9 gói thầu xây lắp còn lại: Nâng cấp, cải tạo kênh Bắc đoạn 3; xây dựng khu tái định cư Quán Bàu; xây dựng hồ điều hòa; nâng cấp, cải tạo mương xung quanh thành cổ Vinh; xây dựng đường Hưng Tây – Vinh; xây dựng đường nối quốc lộ 46 với đường ven sông Lam.

Tuy nhiên, có 3 gói thầu đang đối diện với nguy cơ vỡ tiến độ do vướng mắc GPMB là: Nâng cấp, cải tạo hào thành cổ Vinh; Xây dựng đường Vinh – Hưng Tây; xây dựng đường nối QL 46 với đường ven sông Lam.

Qua báo cáo và kiểm tra thực tế dự án, đại diện WB đã có văn bản và đề nghị UBND tỉnh Nghệ An, TP. Vinh cần tập trung giải quyết các vướng mắc. Đối với các hộ dân chây ỳ, cần có biện pháp cứng rắn, kiên quyết hơn như cưỡng chế, bảo vệ thi công để đảm bảo tiến độ GPMB, đẩy nhanh tiến độ dự án, đến 30/11/2017 hoàn thành GPMB và đến 30/6/2018, kết thúc dự án.

Đối với những gói thầu không hoàn thành đúng tiến độ theo cam kết sẽ bị cắt nguồn vốn tài trợ từ ngân hàng thế giới.

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Tiểu Ban Quản lý dự án phát triển đô thị Vinh cho biết: “Hiện nay, tỉnh đã xin gia hạn hoàn thành dự án đến tháng 6/2018. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp cùng cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tích cực giải phóng mặt bằng để đảm bảo việc thi công đúng tiến độ. Bên cạnh đó, cũng đẩy nhanh tiến độ dự án hoàn thành đúng cam kết với Ngân hàng Thế giới”.

Trong một diễn biến liên quan đến nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới, vừa qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo chính thức gửi Thủ tướng Chính phủ về việc TP. HCM không muốn tiếp tục thực hiện Dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP. HCM. Dự án có tổng mức đầu tư 437 triệu USD, trong đó 400 triệu USD là vốn vay từ WB.

Dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP. HCM từ nguồn vốn vay WB đang xin dừng dự án do vương giải phóng mặt bằng (Ảnh Lê Tiên).

Dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP. HCM từ nguồn vốn vay WB đang xin dừng dự án do vương giải phóng mặt bằng (Ảnh Lê Tiên).

Theo đó, lý do được TP. HCM đưa ra cho việc xin dừng Dự án là có sự khác biệt rất lớn về chính sách áp dụng cho công tác bồi thường GPMB giữa WB và pháp luật Việt Nam hiện hành, cụ thể là cách xác định giá trị bồi thường cho từng loại đất. Nếu triển khai Dự án, khi thực hiện chính sách bồi thường theo quy định của WB, TP. HCM quan ngại sẽ tạo ra sự so sánh giữa hơn 2.000 trường hợp bị ảnh hưởng của Dự án trong giai đoạn 1 thời điểm tháng 3/2014.

Theo UBND TP. HCM, điều này dễ dẫn đến phát sinh khiếu nại không chỉ giữa các hộ dân trong Dự án giai đoạn 1 với giai đoạn sắp triển khai, mà còn đối với tất cả các dự án khác đang triển khai trên địa bàn TP. HCM.

Tác giả: Ngọc Tuấn

Nguồn tin: antt.vn

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top