Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đang chờ người dân đến đối thoại

20/04/2017 | 10:33:58

17h, cuộc làm việc chưa thể bắt đầu do người dân chưa cử đại diện đến.

Đoàn khoảng 30 người, gồm Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, ông Đỗ Văn Đương (Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội), ông Đào Đức Toàn (Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội), lãnh đạo Cục Cảnh sát Hình sự cùng lãnh đạo huyện Mỹ Đức…

Đây là chuyến đi đầu tiên về Mỹ Đức của Chủ tịch Chung, 2 ngày sau khi 18 cảnh sát cơ động trong tổng số 38 người bị một số người dân Mỹ Đức giữ tại nhà văn hóa thôn Hoành được thả.

16h25, ông Chung vẫn làm việc tại phòng của lãnh đạo Huyện ủy, theo kế hoạch sẽ gặp một số người dân Đồng Tâm. Ông Chung đang chờ những người này. Xung quanh trụ sở huyện hiện có nhiều cảnh sát đang làm nhiệm vụ.

chu-tich-nguyen-duc-chung-dang-cho-nguoi-dan-den-doi-thoai

Xe của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung tại sân trụ sở UBND huyện Mỹ Đức. Ảnh: Võ Hải

Cùng thời điểm tại thôn Hoành, cách nơi Chủ tịch Nguyễn Đức Chung làm việc khoảng 20km, những tiếng kẻng vang lên, loa phát thanh báo tin có lãnh đạo Hà Nội về làm việc. Hàng chục người đổ ra các con ngõ đầu làng, tụ tập ở những chốt canh, gương mặt họ toát lên vẻ lo lắng, hoang mang. Một số người tỏ ra mệt mỏi, chia sẻ mong muốn sự việc được giải quyết nhanh để sớm ổn định cuộc sống. Dù vậy, các chướng ngại vật tiếp tục được dựng lên, chỉ chừa đủ cho người đi bộ lách qua.

Tiếng loa phát thanh thông báo văn bản có chữ ký của Chủ tịch huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt mời người dân cử đại điện ra huyện đối thoại với Chủ tịch Nguyễn Đức Chung. Tuy vậy, một số người dân chia sẻ với VnExpress: “Chúng tôi mong ông Chung về làng đối thoại thì sẽ cử người đón tiếp”.

17h, cuộc làm việc vẫn chưa diễn ra. Chính quyền vẫn đang thuyết phục đại diện người dân tới cuộc đối thoại.

chu-tich-nguyen-duc-chung-dang-cho-nguoi-dan-den-doi-thoai-1

Nhiều băng rôn được treo ở Đồng Tâm. Người dân cho hay họ không chống chính quyền. Ảnh: Võ Hải

Ông Chung được Hà Nội giao chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng huyện Mỹ Đức sớm ổn định tình hình tại Mỹ Đức. Tuy nhiên, những ngày qua, việc đối thoại với người dân mới chỉ thực hiện được “qua các kênh thông tin bằng điện thoại”.

Một nguồn tin nói việc đối thoại gặp cản trở do người dân còn nhiều ý kiến, chưa cử được người đại diện.

Lãnh đạo Hà Nội khẳng định các kiến nghị của người dân về đất đai “sẽ được xem xét một cách thỏa đáng”. Ưu tiên số một của Hà Nội là đảm bảo an toàn cho 20 người đang bị giữ và an toàn cho người dân.

Trước đó, 15/4, khi 4 người trong xã bị bắt để phục vụ điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng bắt nguồn từ những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng phục vụ mục đích quốc phòng, nhiều người dân xã Đồng Tâm đã phản ứng.

Một số người đã tập trung không cho xe của lực lượng làm nhiệm vụ ra khỏi địa bàn. Đám đông đã đập phá 5 ôtô, trong số này có một xe chở quân, một xe cứu thương. 38 người thi hành công vụ, trong đó có nhiều cảnh sát cơ động Hà Nội đã bị giữ.

Giải thích lý do, một người nhận là đại diện ở thôn Hoành nói, họ muốn chính quyền thả người, đối thoại giải quyết các mâu thuẫn đất đai… “Nguyện vọng của dân các thôn muốn việc thu hồi, giải phóng mặt bằng được thực hiện đúng quy định”.

Người dân khẳng định những người bị giữ vẫn được cung cấp thức ăn, đồ uống và những điều kiện sinh hoạt tối thiểu.Tối 17/4, 15 cảnh sát cơ động đã được thả, 3 người khác tự giải thoát. Công an Hà Nội cũng thả một số người tại xã Đồng Tâm bị bắt ngày 15/4 với lý do đã “thừa nhận sai phạm và xin được về địa phương để khắc phục hậu quả”.

Phó giám đốc Công an Hà Nội, thiếu tướng Bạch Thành Định nói với VnExpress: “Việc tạm thả những người này không phải là sự thỏa hiệp của chính quyền với những đòi hỏi của nhóm người kích động tại địa phương”.

*Tiếp tục cập nhật

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top