Đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050

02/03/2022 | 17:23:22

Sáng 02/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và tham vấn về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Bình Minh – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Lê Minh Khái – Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Vũ Đức Đam – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Văn Thành – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành.

Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Ngọc Hoa – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Tiến độ lập quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia đã được đẩy nhanh hơn

Đây là lần thứ 2 trong gần một năm qua, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai Luật Quy hoạch, thể hiện vai trò và tầm quan trọng của công tác quy hoạch, nhất là Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Báo cáo về kết quả triển khai tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Ngay sau khi Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 17/9/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 -2030 được ban hành, các Bộ, ngành, địa phương đã rà soát, xây dựng lộ trình, tiến độ và kế hoạch cụ thể theo từng tháng đối với từng giai đoạn của quá trình lập quy hoạch theo nhiệm vụ được phân công. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp và giải đáp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai tổ chức lập quy hoạch; cung cấp các thông tin về định hướng phát triển chính sẽ được thể hiện cho quy hoạch vùng làm cơ sở cho các địa phương tổ chức lập quy hoạch tỉnh trong bối cảnh các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đang được lập đồng thời. Qua đó, tiến độ lập quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia đã được đẩy nhanh hơn, tích cực hơn và bước đầu đã có những kết quả khả quan.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo kết quả trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Trong đó, thời điểm hiện nay, trong các quy hoạch cấp quốc gia mới có quy hoạch sử dụng đất quốc gia và 4/38 quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt (14/38 quy hoạch ngành quốc gia đã lập xong, lấy ý kiến, trình thẩm định, trong đó có 3 quy hoạch đã được tổ chức thẩm định xong và 1 quy hoạch đang trình thẩm định); quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửa Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 61/63 nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh của 61 địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch thời kỳ 2021 -2030 thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: Các Bộ vẫn chậm trễ trong công tác xây dựng, ban hành văn bản thông tin đề xuất quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển và định hướng sắp xếp, phân bổ không gian trên địa bàn quốc gia, vùng, tỉnh, dẫn đến việc lập quy hoạch vùng, tỉnh khó khăn; đặc biệt là việc đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, thống nhất giữa các loại quy hoạch. Việc sửa đổi, bổ sung một số văn bản hướng dẫn chi tiết các luật, pháp lệnh sửa đổi một số điều có liên quan đến quy hoạch chưa được thực hiện hoặc thực hiện chậm gây khó khăn cho các Bộ, ngành, địa phương khi áp dụng trong quá trình lập quy hoạch, làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng quy hoạch. Nội dung phân bổ chỉ tiêu đất đai cho các Bộ, ngành, địa phương vẫn chưa có, gây khó khăn cho các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện…

Hội nghị cũng đã nghe lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá công tác tổ chức thực hiện lập quy hoạch của các bộ, ngành, địa phương; công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc lập quy hoạch; việc bố trí nguồn lực trong quá trình thực hiện lập quy hoạch. Bên cạnh đó, những bài học kinh nghiệm trong việc lập quy hoạch, những khó khăn trong việc lập quy hoạch đã được các bộ, ngành, địa phương chỉ ra.

Nghệ An dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh trong quý III/2022

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết, tỉnh Nghệ An thống nhất cao với các nội dung báo cáo tại hội nghị. Tỉnh Nghệ An xác định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn 2050 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và đã đưa vào Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã phối hợp với đơn vị tư vấn, chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung hoàn thiện các báo cáo quy hoạch, đồng thời tích hợp 49 quy hoạch vào quy hoạch chung. Dự kiến, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ nghe và cho ý kiến quy hoạch tỉnh trong tháng 3/2022, đầu tháng 4/2022 sẽ xin ý kiến các Bộ, ngành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý III/2022 đảm bảo đúng tiến độ quy định.

Về một số khó khăn trong công tác lập quy hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Việc cho phép lập đồng thời các quy hoạch đã tạo điều kiện cho các địa phương lập quy hoạch nhanh nhưng lại không đảm bảo tính đồng bộ, tính liên kết giữa các địa phương trong vùng và đồng bộ với quy hoạch quốc gia. Trong quá trình triển khai lập quy hoạch vẫn còn thụ động nên việc lựa chọn đơn vị tư vấn vẫn còn hạn chế.

Về việc cập nhật các thông tin trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, hiện nay thông tin này chưa đồng bộ và các địa phương vẫn chưa tiếp cận được đầy đủ nên có một số khó khăn trong việc cập nhật thông tin để đảm bảo việc xây dựng quy hoạch có tính liên kết, tính thống nhất, đồng bộ.

Tại hội nghị, tỉnh Nghệ An đề nghị các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, hướng dẫn và phối hợp với các địa phương trong quá trình lập quy hoạch, nhất là phối hợp tham gia ý kiến các nội dung có liên quan đến các Bộ, ngành để đảm bảo tính liên kết, tính thống nhất giữa quy hoạch các địa phương với quy hoạch ngành, quy hoạch quốc gia; Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm đưa vào hoạt động Hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch để thông tin một cách đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời cho công tác lập, thẩm định quy hoạch.

Đối với khung định hướng quy hoạch quốc gia, tỉnh đề nghị quan tâm thêm đối với khu vực Bắc Trung bộ, xem xét, bổ sung Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh trở thành vùng động lực phát triển trong vùng Bắc Trung bộ. Hiện nay đã có quy hoạch cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn, đề nghị xác định đây là một trong các hành lang kinh tế.

Việc xây dựng quy hoạch phải đảm bảo đúng tiến độ được giao và đảm bảo chất lượng

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác quy hoạch không mới, đã làm từ lâu, qua nhiều thời kỳ khác nhau; đã có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình. Trong thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, đã làm tốt công tác quy hoạch; quy hoạch vừa đúng tiến độ, vừa đúng yêu cầu, mong muốn trong công tác lập quy hoạch. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành tiếp thu các ý kiến tại hội nghị để tiếp tục chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành công tác lập quy hoạch.

Thời gian vừa qua công tác xây dựng, thẩm định quy hoạch đã có những tiến bộ nhất định nhưng tiến độ lập quy hoạch vẫn còn chậm; nội dung, chất lượng quy hoạch vẫn chưa đạt được như mong muốn. Thủ tướng Chính phủ đã phân tích các nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, tồn tại trong công tác lập quy hoạch.

Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, người đứng đầu các tỉnh phải nâng cao nhận thức về công tác quy hoạch “Quy hoạch phải đi trước một bước” để xây dựng quy hoạch phù hợp, hóa giải các vấn đề có tính chất hạn chế, yếu kém. “Muốn phát triển tốt thì phải có quy hoạch tốt” – Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Các Bộ, ngành, địa phương xác định công tác lập quy hoạch là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Công tác quy hoạch phải bám sát Cương lĩnh, Hiến pháp, Nghị quyết Đại hội Đảng để xây dựng sát với thực tế. Tăng cường sự giám sát, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan dân cử trong việc thẩm định và lập quy hoạch.

Trong quá trình lập quy hoạch cố gắng tìm ra những lợi thế, tiềm năng, những hạn chế, yếu kém để khi tổ chức thực hiện phát huy được những tiềm năng, thế mạnh. Xây dựng quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược và bám sát với tình hình thực tiễn. Trong quá trình lập quy hoạch thì phải rà soát, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Trong quy hoạch phải xây dựng nền kinh tế tự chủ, phát huy tính tự lực, tự cường; kết hợp hài hòa, hợp lý giữa nội lực và ngoại lực. Quy hoạch phải đề xuất những cơ chế, chính sách để phát huy những lợi thế, tiềm năng.

Bên cạnh đó, cần lựa chọn những nhà thầu tư vấn tốt trong xây dựng quy hoạch; lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học. Thành lập tổ giúp việc chuyên nghiệp, chuyên trách trong xây dựng quy hoạch. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo công tác lập quy hoạch; kịp thời xin ý kiến cấp ủy, chính quyền. “Việc xây dựng quy hoạch phải đảm bảo đúng tiến độ được giao và đảm bảo chất lượng; không cầu toàn, không nóng vội, bám sát tình hình thực tiễn” – Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Việc xin ý kiến các quy hoạch phải thực hiện đúng các quy định pháp luật. Công bố quy hoạch, thực hiện quy hoạch đúng quy định, tránh hình thức, thực hiện có hiệu quả; không để ách tắc về mặt hành chính làm chậm trễ công tác lập quy hoạch.

Tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã lưu ý một số vấn đề cụ thể trong việc lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng.

Theo nghean.gov.vn

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top