Đổ sữa tươi tại Nghệ An: Đã qua rồi cái thời “chín bỏ làm mười”?

10/05/2018 | 08:29:44

Chất lượng của từng loại sữa đâu phải như nhau. Thế nên mới sinh ra chuyện sữa của hộ gia đình này thì được mua với giá cao, sữa của gia đình kia phải bán với giá thấp.

Nó cũng cho thấy, đã qua rồi cái thời “chín bỏ làm mười”?

Vừa qua, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một clip ghi lại hình ảnh một người nông dân đổ liên tiếp những thùng sữa tươi ngay tại điểm thu mua vì cho rằng mình bị ép giá quá đáng. Theo clip, người nông dân này bức xúc vì việc giá sữa tươi quá thấp, từ 14 nghìn đồng/1 lít xuống còn 8 nghìn đồng/1 lít.

Trạm trung chuyển sữa tươi Vinamilk, nơi xảy ra sự việc. (Ảnh cắt từ clip)

Trạm trung chuyển sữa tươi Vinamilk, nơi xảy ra sự việc. (Ảnh cắt từ clip)

Trước khi đổ, người đàn ông này yêu cầu bà con nông dân đưa điện thoại ra và quay lại hình ảnh. Mặc cho một người phụ nữ can ngăn, nhưng người đàn ông vẫn liên tiếp đổ những thùng sữa tươi và nói muốn đòi công bằng. Sau khi đổ xong, người đàn ông còn tuyên bố ngày khác sẽ còn đổ nữa. Xoay quanh vấn đề này, có rất nhiều người đã không cần suy nghĩ mà vội lên án doanh nghiệp.

Thế nhưng, nếu khách quan nhìn nhận, thùng sữa bị đổ bỏ từ chính hộ chăn nuôi, xét cho cùng cũng  là thực trạng chung của ngành nông nghiệp thời gian qua: Hết dưa hấu, đến tỏi, hành, đến cam, vải, nhãn… nay lại đến sữa. Người phải chịu thiệt thòi lớn, đương nhiên là những người nông dân, kế đó là người tiêu dùng và chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế.

Vì thế, dư luận lâu nay vẫn muốn đặt câu hỏi cho những người có “trách nhiệm lớn” với người nông dân, rằng: Tại sao năm nào cũng có hiện tượng nông sản ế, nông sản xuất dư? Tại sao năm nào cũng có chuyện nông sản được mùa, nông sản rớt giá? Tại sao nông sản được mùa, giá rẻ như cho mà người tiêu dùng thì vẫn phải mua lẻ giá khá cao? “Bài toán” phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang cần một “lời giải” thỏa đáng!

Liên quan đến chuyện lão nông đổ sữa, đại diện Vinamilk giải thích: “Vì hàm lượng dinh dưỡng trong sữa trong trường hợp trên không đáp ứng tiêu chuẩn đề ra nên bị thu mua với giá thấp”. Tức là, trước khi lên án doanh nghiệp thu mua sữa, bênh vực cho lão nông thì dư luận cũng cần phải xem xét thấu đáo vấn đề. Đây không phải nhìn nhận chỉ từ phía hộ chăn nuôi hay doanh nghiệp, mà còn từ nhìn nhận của hơn 100 hộ chăn nuôi đã được doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua nữa.

Điều này có nghĩa là chúng ta phải đi sâu vào bản chất của vấn đề, quan tâm đến chất lượng của các sản phẩm mà mình tạo ra chứ không chỉ hời hợt nhìn bề ngoài mà đánh giá bản chất bên trong. Chúng ta phải biết giá trị của mình ở đâu, giá trị của mình là bao nhiêu để từ đó phấn đấu. Chứ không thể “cào bằng” mọi thứ như vậy rất khó để cạnh tranh với sản phẩm “ngoại” trong nền kinh tế thị trường,

Tâm lý “cào bằng” chẳng riêng gì ở sản xuất nông nghiệp và ở những người nông dân, ngay cả ở trong các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn kinh tế lớn, sự ì ạch, chậm chuyển biến vẫn còn đang hiện hình một cách rõ nét.

Chính bởi vậy nên dù xuất khẩu lúa gạo với số lượng lớn thuộc top đầu thế giới nhưng lợi nhuận mà chúng ta thu lại chẳng là bao. Chính do đó mà máy móc, dây chuyền hiện đại đều phải đi mua từ nước ngoài. Cũng chính vì vậy nên Samsung đang sản xuất phần lớn sản phẩm điện thoại của mình ở Việt Nam nhưng các doanh nghiệp nước ta chỉ đóng góp vào việc cung ứng vỏ hộp cho sản phẩm.

Quay trở lại với câu chuyện của lão nông nuôi bò phải đổ sữa ở Nghệ An kể trên, có thể thấy dù sữa nào cũng là sữa, nhưng chất lượng của từng loại sữa đâu phải như nhau. Vì thế mới có chuyện sữa của hộ gia đình này được mua với giá cao, trong khi sữa của gia đình khác lại phải bán với giá thấp.

Nó cho thấy, đã qua rồi cái thời “chín bỏ làm mười”, giờ đây mọi việc phải rõ ràng, không thể đánh đồng giữa cái tốt và cái chưa tốt. Điều này không chỉ áp dụng trong sản xuất nông nghiệp mà nên áp dụng trong tất cả các ngành nghề khác trong xã hội hiện nay. Chúng ta đừng bao giờ chờ đợi vào sự thương hại của người khác mà phải tự cố gắng, nỗ lực và nhìn nhận đúng giá trị của bản thân.

Đặc biệt, đã kinh doanh, sản xuất thì đừng có tư tưởng trông chờ vào “biệt đội tình nguyện”, giải cứu bằng tình thương. Đó thực sự là một vấn đề không ổn, cần nghiêm túc nhìn nhận và suy ngẫm!

Tác Giả : Sông Hàn / Nguồn : enternews.vn

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top