Doanh nghiệp của ông chủ nhà xe Văn Minh: Doanh thu trăm tỷ, lãi trăm triệu

28/08/2021 | 17:57:58

Là thương hiệu nhà xe nổi tiếng khắp các tỉnh miền Trung, tuy nhiên tình hình kinh doanh của Công ty TNHH Văn Minh khá lạ: doanh thu hàng trăm tỷ đồng nhưng chỉ báo lãi chưa đến nửa tỷ đồng.

1Ông Nguyễn Đàm Văn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Văn Minh.

Thương hiệu nhà xe nổi khắp miền Trung

Công ty TNHH Văn Minh được thành lập ngày 22/11/2007, có trụ sở tại khách sạn Thân Hoa, đường Mai Thúc Loan, phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An.

Sau 14 năm hoạt động, Văn Minh hiện tại đã có các văn phòng tại các thành phố lớn như Hải Phòng, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng và TP. HCM.

Từ hoạt động ban đầu là vận chuỵển hành khách, đến năm 2016, Văn Minh đã mở rộng sang khai thác lĩnh vực vận chuyển hàng hóa, chuyển phát bưu chính.

Đến năm 2019, công ty đã có 35 văn phòng bán vé và giao nhận, tổng số 60 xe tải các loại vận chuyển hàng hóa; 27 xe giường nằm, 13 xe trung chuyển khách.

Cũng trong năm 2019, Văn Minh khánh thành và đi vào hoạt động trung tâm xuất khẩu lao động Văn Minh, hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.

Ngoài vận tải hành khách, hàng hóa và xuất khẩu lao động, Văn Minh cũng là chủ đầu tư của bến xe phía Đông TP. Vinh (Nghệ An) với tổng mức đầu tư 3,4 triệu USD và được khánh thành vào tháng 5/2020.

Ông Nguyễn Đàm Văn (sinh năm 1976) là Tổng giám đốc Công ty TNHH Văn Minh và là Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Nghệ An. Cuối tháng 5/2021 vừa qua, ông Văn cũng vừa được bầu vào đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Bức tranh tài chính u ám của Văn Minh

Theo dữ liệu của VietnamFinance, Công ty TNHH Văn Minh có 2 cổ đông cá nhân là: ông Nguyễn Đàm Văn nắm giữ 90% cổ phần và bà Nguyễn Thị Ái Vân (vợ ông Văn) nắm giữ 10% còn lại.

Doanh nghiệp của ông chủ nhà xe Văn Minh: Doanh thu trăm tỷ, lãi trăm triệu

Trụ sở Công ty TNHH Văn Minh tại TP. Vinh, Nghệ An

Trong giai đoạn 2017 – 2019, tình hình kinh doanh của Công ty TNHH Văn Minh ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về doanh thu, nhưng lợi nhuận lại không tương xứng.

Cụ thể, doanh thu thuần tăng liên tục từ mức 69 tỷ đồng (2017) lên 88,6 tỷ đồng (2018) và cán mốc hơn 100 tỷ đồng vào năm 2019.

Lợi nhuận gộp trồi sụt trong cùng giai đoạn, từ 8,2 tỷ đồng xuống 6,3 tỷ đồng rồi hồi phục lên 7,1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các khoản chi phí (tài chính, bán hàng và quản lý) đã bào mòn gần hết khoản lợi nhuận gộp của Văn Minh. Đây là nguyên nhân trực tiếp khiến doanh nghiệp này chỉ ghi nhận mức lãi sau thuế “èo uột”, lần lượt là 195 triệu đồng vào năm 2017, 469 triệu đồng vào năm 2018 và 474 triệu đồng vào năm 2019.

Với mức lãi khá thấp này, chỉ số ROE (lợi nhuận ròng/vốn chủ sở hữu) của Văn Minh trong giai đoạn 2017 – 2019 chỉ dao động 0,7% – 2,9% và chỉ số ROA (lợi nhuận ròng/tổng tài sản) chỉ dao động trong khoảng 0,16% – 0,2%.

Về tài sản, trong giai đoạn 2017 – 2019, quy mô tài sản của Văn Minh đã tăng đáng kể từ 115 tỷ đồng (2017) lên 173 tỷ đồng (2018) và đạt 188 tỷ đồng (2019). Trong đó chiếm phần lớn là tài sản dài hạn.

Tài trợ chính cho sự tăng trưởng về tài sản là nợ phải trả. Trong giai đoạn 2017 – 2019, nợ phải trả của doanh nghiệp này tăng từ 87,8 tỷ đồng (2017) lên 156 tỷ đồng (2018) và đạt 171,6 tỷ đồng (2019). 

Như vậy, nợ phải trả chiếm 75% tổng tài sản năm 2017, 90% tổng tài sản năm 2018 và 91% tổng tài sản năm 2019.

Tương ứng với sự phình to của nợ phải trả và sự thu hẹp của vốn chủ sở hữu. Trong cùng giai đoạn, vốn chủ sở hữu giảm dần từ 27,2 tỷ đồng năm 2017 xuống 16,7 tỷ đồng năm 2018 và chỉ còn 16,2 tỷ trong năm 2019.

Diễn biến nghịch chiều trong cơ cấu nguồn vốn dẫn đến hệ quả tất yếu là chỉ số D/E (nợ phải trả/vốn chủ sở hữu) các năm 2018 và 2019 đạt mức rất cao, tới 9,6 – 10,5 lần.

Đáng chú ý, bảng lưu chuyển tiền tệ của Văn Minh cho thấy trong giai đoạn 2018 – 2019, dòng tiền kinh doanh của công ty ở tình trạng âm với mức âm ngày càng nặng. Cụ thể, năm 2018, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 1,2 tỷ đồng. Đến năm 2019, con số này là âm 15 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh biểu thị cho việc hoạt động kinh doanh có thu được tiền về không. Dòng tiền âm có nghĩa rằng công ty chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách chứ không thu được tiền về. Để bù đắp dòng tiền, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn, hoặc giảm chi đầu tư, hoặc thanh lý tài sản, hoặc tăng cường đi vay.

Sự gia tăng của nợ phải trả (trực tiếp là nợ vay) của Văn Minh trong các năm qua là hệ quả tất yếu của thực trạng dòng tiền kinh doanh âm này.

Theo Nghi Xuân/Tạp chí đầu tư tài chính

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top