Giao đất đấu thầu tại xã Hưng Lợi – Kỳ 3: Những văn bản “kỳ lạ” của UBND xã Hưng Lợi

10/11/2017 | 10:11:26

Khi hồ sơ đất được giao cho người dân trắng – đen chưa rõ ràng thì UBND xã Hưng Lợi đã tổ chức cuộc họp nói là đối thoại, nhưng thực tế là trả lời người dân bằng một văn bản yêu cầu.

Giao đất trước khi dân xin cấp, và… không cần dấu?!

Ở bài kỳ trước “Giao đất đấu thầu tại xã Hưng Lợi – Kỳ 2: Hàng loạt Quyết định giao đất có dấu hiệu bị tẩy xóa, Pháp luật & Dân sinh đã thông tin về khiếu nại liên quan tới vấn đề tranh chấp đất của ba hộ dân: ông Trịnh Văn Đồng, ông Trịnh Văn Tấn và bà Nguyễn Thị Sơn với gia đình ông Ngô Văn Tính tại khu vực Cầu Đen thuộc xóm 8. Mới đây UBND xã Hưng Lợi (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) đã tổ chức một cuộc họp “đối thoại” để giải quyết khiếu nại của người dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Văn Tấn trình bày: “Sau khi chúng tôi có đơn yêu cầu xã giải quyết dứt điểm việc tranh chấp giữa chúng tôi với gia đình ông Tính, thì mới đây xã tổ chức một cuộc họp. Tại cuộc họp này,chúng tôi yêu cầu UBND xã trình đầy đủ hồ sơ gốc về đất của chúng tôi và đất gia đình ông Tính để mọi người được rõ ràng.

Đặc biệt đó là biên bản giao đất thực địa đã được thực hiện trước đó mà ba gia đình chúng tôi đều trực tiếp nhận đất và ký. Tuy nhiên, cả buổi làm việc xã đã không cung cấp bất kỳ một hồ sơ nào liên quan tới đất chúng tôi để các bên liên quan nắm rõ, ngoài việc chỉ cung cấp một tờ giấy phô tô và nói rằng đây là biên bản giao đất thực địa đã được thực hiện. Và ép chúng tôi phải nhận phần đất mà xã chỉ trong phần bản đồ mới được thực hiện.”.

Biên bản cấp đất khu dân cư không dấu của UBND xã Hưng Lợi

Đáng nói, biên bản phô tô mà cán bộ xã Hưng Lợi đưa ra trong cuộc họp nói trên là biên bản cấp đất khu dân cư, chứ không phải biên bản giao đất thực địa. Biên bản này cho thấy được thiết lập vào ngày 10/3/2003, thành phần tham gia có ghi trong biên bản gồm: ông Phan Sáng Tạo – Chủ tịch UBND xã, ông Phan Đình Hồng – Chủ tịch HĐND xã, ông Trịnh Quốc Kế – Phó chủ tịch UBND xã và ông Trần Đình Hòa – Cán bộ địa chính xã.

Biên bản này chỉ có duy nhất hộ ông Trịnh Văn Đồng có ghi tham gia và ký nhận. Cuối biên bản là chữ ký của ông Hòa địa chính xã và ông Đồng. Còn lại những người tham gia khác không thấy ký và ghi rõ họ tên. Khó hiểu hơn khi biên bản hoàn toàn không có con dấu nào được đóng.

Nói về biên bản này, ông Trịnh Văn Đồng khẳng định: Ông không ký vào biên bản như vậy. Chữ ký trong biên bản này không phải nét chữ của ông.

“Tôi sao lại đi ký nhận hộ đất cho các hộ khác như vậy được? Năm 2004 tôi có cùng với hai hộ ông Tấn, bà Sơn ký nhận thực địa là đúng. Còn văn bản phô tô xã đưa ra mới đây chỉ mình tôi ký nhận mà lại ký nhận năm 2003 là không có, làm vậy là làm giả trắng trợn. Họ đã cố tình đổi trắng thay đen, cố tình đẩy chúng tôi nhận đất khác với đất giao thực địa ngày trước để làm việc khuất tất khác. Tôi yêu cầu cung cấp văn bản gốc về giao đất thực địa để làm sáng tỏ nhưng ông chủ tịch xã và địa chính xã không chịu cung cấp” – ông Đồng nói.

Thêm một sự phi lý, tháng 2/2004 thì ông Tấn, ông Đồng và bà Sơn mới làm đơn xin UBND xã Hưng Lợi, UBND huyện Hưng Nguyên giao đất ở đã được UBND xã lập quy hoạch. Thế nhưng biên bản cấp đất nói trên lại thực hiện vào năm 2003. Nghĩa là UBND xã Hưng Lợi giao đất ở trước khi người dân có đơn xin cấp đất ?!

Giải quyết khiếu nại tranh chấp đất bằng… văn bản yêu cầu?!

Sau cuộc họp đó, ngày 28/9 vừa qua, UBND xã Hưng Lợi đã có văn bản số 17/UBND.TP trả lời các khiếu nại của ba hộ dân do ông Phan Hữu Đạo – Chủ tịch UBND xã ký. Nội dung văn bản này nêu rõ:

“…Căn cứ biên bản giao đất ngày 10/3/2003 của UBND xã Hưng Lợi mà ông Trịnh Văn Đồng ký đại diện cho ba hộ thì các thành phần giao đất đã cắm mốc 4 vị trí Đông, Tây, Nam, Bắc và ông Trịnh Văn Đồng đã ký nhận 600 m2 đất của ba hộ. Vậy UBND xã căn cứ vào hồ sơ giao đất, trả lời cho các ông, bà có đơn thư, yêu cầu tổ chức xây dựng, san lấp phải thực hiện theo khuôn viên đất của mình.

Thực tế, kiểm tra ngày 15/8/2017 của UBND xã Hưng Lợi thì việc san lấp mặt bằng của ba hộ được giao đất là đã san lấn ra ngoài vị trí đất được giao và đổ bê tông mương cũng không đúng vị trí. Vậy UBND xã Hưng Lợi yêu cầu các hộ thu dọn phần đổ lấn ra ngoài, UBND xã Hưng Lợi kiểm tra chi tiết và có trách nhiệm xử lý theo đúng quy định của pháp luật. ”.

Văn bản trả lời có nội dung “yêu cầu” của UBND xã Hưng Lợi

Thay vì giải quyết khiếu nại tranh chấp theo đúng quy định của pháp luật, thì UBND xã Hưng Lợi lại có văn bản trả lời kỳ lạ trên.

Trong khi đó, Điều 202, Mục 2, Luật Đất đai năm 2013 về Hòa giải tranh chấp đất đai ghi rõ:

1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.

Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Tại điều 203 trong Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2014 cũng đã nêu khá chi tiết việc xử lý về tranh chấp đất đai, cụ thể đó là việc khuyến khích hòa giải tại cấp xã, và chủ tịch UBND cấp xã là người có trách nhiệm tổ chức một hội đồng hòa giải để hòa giải việc tranh chấp. Nếu quá trình thực hiện hòa giải tại địa phương không thành thì các đương sự có quyền khiếu nại lên cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên hoặc khởi kiện ra Tòa án.

Như vậy, nếu quá trình giải quyết tranh chấp đất nói trên mà các đương sự không đồng tình về hướng giải quyết thì UBND xã Hưng Lợi cần thực hiện hướng dẫn xử lý theo trình tự thủ tục pháp luật quy định. Hoàn toàn không được đơn phương yêu cầu chấm dứt việc tranh chấp để ép các đương sự như văn bản trả lời nêu trên.

Theo sơ đồ đất của xã Hưng Lợi, một lô đất khác “mọc lên”. Phần đất này ông Trần Đình Hòa cán bộ địa chính xã Hưng Lợi khẳng định rằng thuộc sự quản lý của UBND xã, chưa giao cho bất kỳ ai. Còn ông Phan Hữu Đạo – Chủ tịch UBND xã này thì lại cho rằng đất gia đình ông Tính tăng lên bất thường và chưa xử lý được.

Sơ đồ mà cán bộ địa chính xã Hưng Lợi bỗng nhiên xuất hiện mảnh đất (vòng tròn đỏ) khác nằm giữa đất gia đình ông Tính với đất các hộ có tranh chấp

Trong khi đó, ông Tính làm đơn tố cáo lên Công an huyện Hưng Nguyên, Viện kiểm sát huyện việc ông Tấn, bà Sơn và ông Đồng san lấp mặt bằng ao nước hoang hóa, cây dại, hủy hoại tài sản gia đình ông?

UBND xã Hưng Lợi sẽ trả lời ra sao về những văn bản “kỳ lạ” trên? Sự khác biệt giữa sơ đồ đất của UBND huyện và UBND xã sẽ được lãnh đạo huyện Hưng Nguyên lý giải thế nào?

Pháp luật & Dân sinh sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin tới bạn đọc.

Tác giả: Hoàng Phạm

Nguồn tin: Pháp luật & Dân sinh

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top