Hà Tĩnh: 8 năm không xây xong một khu neo đậu thuyền tránh bão?

04/07/2018 | 22:38:39

Mùa mưa bão đang cận kề, hàng trăm chiếc tàu thuyền của ngư dân đang cần có những lá chắn an toàn để neo, đậu tránh trú bão. Thế nhưng sau 8 năm thi công, dự án Khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá Cửa khẩu ở xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh được đầu tư với mức vốn hơn 96 tỷ đồng vẫn đang dẫm chân tại chỗ, nhiều hạng mục đang còn dang dở, khiến người dân luôn trong trạng thái trăn trở, lo âu, không biết số phận của hàng trăm chiếc tàu thuyền của họ sẽ về đâu.

Ngư dân lo lắng không biết đến khi nào mới sử dụng được khu neo, đậu tránh trú bão cho tàu thuyền

Dự án Khu neo, đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa khẩu ở xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt theo Quyết định số 3770/QĐ-UBND ngày 27/11/2009 với mức vốn hơn 96 tỷ đồng, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm chủ đầu tư, gồm các hạng mục: luồng tàu khu neo đậu; đê chắn sóng, chắn cát; hệ thống cột báo hiệu, tín hiệu đường sông; nạo vét luồng tàu từ khu neo đậu đến cửa biển, san lấp mặt bằng…

Dự kiến, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, dự án sẽ là nơi trú ẩn an toàn cho 200 tàu thuyền có công suất tối đa 150 CV, đồng thời sẽ hình thành thêm khu dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo cơ hội chuyển đổi nghề cho hàng trăm hộ dân sống xung quanh khu vực này.

Tháng 12/2010, dự án Khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá Cửa khẩu bắt đầu thi công. Tuy nhiên sau 8 năm mới chỉ hoàn thành được bờ đê chắn sóng, các hạng mục khác vẫn còn dang dở, luồng lạch ngày càng bị bồi lắng khiến tàu thuyền lớn gặp khó khi vào neo đậu. Đặc biệt, hạng mục quan trọng nhất để trú bão an toàn là kè chắn sóng, chắn cát thì đến nay vẫn chưa được thi công.

Luồng lạch tại dự án khu tránh bão bị bồi lấp nghiêm trọng

Ông Nguyễn Công (ở xóm 9 Bắc Hà, xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh) cho biết: “Chúng tôi mong muốn có một nơi an toàn để tàu thuyền tránh, trú khi mưa bão; thế nhưng Khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá Cửa khẩu trong suốt 8 năm trôi qua, nhiều hạng mục quan trọng vẫn chưa được thi công thì biết đến bao giờ mới có chỗ an toàn cho tàu thuyền neo đậu”.

Do đó, tàu thuyền của ngư dân phải di chuyển đến các địa bàn khác để trú ẩn lánh nạn. Bên cạnh đó, luồng lạch ngày càng bị đất cát bồi lắng quá cao khiến tàu thuyền ra vào gặp nhiều khó khăn.

“Thời gian qua, ngư dân chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên để dự án sớm được triển khai xây dựng tuyến bờ kè chắn sóng và nạo vét đất cát ở bên trong âu tàu neo đậu, nhưng đến nay mọi thứ vẫn “dẫm chân tại chỗ”. Vì thế cứ đến mùa mưa bão lại thấp thỏm lo lắng không biết tàu thuyền có bị bão đánh hỏng hay dạt trôi về đâu nữa” – ông Nguyễn Công chia sẻ.

Phá vỡ cầu cũ Hòa Lộc để tàu, thuyền chạy bão

Ông Lê Văn Luyện, Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà cho biết: Hiện nay xã Kỳ Hà có 342 tàu thuyền, trong đó tàu đánh bắt công suất 90CV có trên 50 chiếc đang rất cần một nơi tránh trú bão an toàn. Đến mùa mưa bão, do dự án xây dựng dở dang nhiều năm, ngư dân trên địa bàn chưa thể vào đây tránh trú bão mà phải di chuyển tàu thuyền đến địa bàn khác tránh, trú.

Tàu nằm trên triền đê sau bão số 10 năm 2017

Được biết, bão số 10 năm 2017 đã làm rất nhiều tàu, thuyền của ngư dân ở thị xã Kỳ Anh bị sóng biển đánh bật, trôi dạt vào bờ và mắc cạn trên những cánh đồng, triền đê. Không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà sau khi bão tan, người dân phải loay hoay tìm mọi cách đưa thuyền từ ruộng xuống biển để ra khơi trở lại hoặc đưa về xưởng sửa chữa đối với những chiếc tàu thuyền bị sóng đánh hư hỏng không thể ra khơi, lại còn khiến ngư dân tốn thêm chi phí.

Bên cạnh đó, vào mùa mưa bão, tàu thuyền của ngư dân được chính quyền kêu gọi vào các con sông lớn như sông Trí, sông Quyền, sông Vịnh để trú ẩn. Tuy nhiên, một số cây cầu mới được xây dựng bắc qua các con sông này nên vào mùa mưa bão, các tàu lớn không thể di chuyển vào sâu trong đất liền. Để ứng phó kịp thời với diễn biến của cơn bão số 10 năm ngoái, ngay trước thời điểm bão đổ bộ vào đất liền, các lực lượng chức năng ở thị xã Kỳ Anh buộc phải phá vỡ cầu Hòa Lộc để ngư dân đưa tàu thuyền chạy trú bão về phía thượng nguồn sông Vinh.

Nhiều tàu gỗ của ngư dân bị đánh tả tơi nơi trú bão

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết: “Quá trình thi công dự án Khu neo đậu tránh trú bão Cửa khẩu kéo dài chưa hoàn thành là do nguồn đầu tư quá lớn nên phải chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 đã hoàn thành được một số hạng mục như: xây dựng hoàn thành bờ kè, nạo vét luồng tàu từ khu neo đậu đến cửa biển với tổng mức đầu tư hơn 96 tỷ đồng. Giai đoạn 2 tiếp tục thi công những hạng mục còn lại đã được duyệt với mức đầu tư gần 80 tỷ. Mặc dù giai đoạn 2 của dự án đã được phê duyệt nhưng do khó khăn về nguồn vốn nên tạm thời chúng tôi vẫn chưa biết đến khi nào mới hoàn thành các hạng mục còn lại”.

Đối với bà con ngư dân Hà Tĩnh, con thuyền là kế sinh nhai, là tương lai của cả gia đình. Thế nhưng, giờ đây nguồn sống đó của ngư dân luôn ở trong trạng thái trăn trở, lo âu khi mùa mưa bão tới. Vì vậy, việc hoàn thành dự án Khu neo, đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa khẩu Kỳ Hà là việc làm hết sức bức thiết, nhằm tránh thiệt hại cho ngư dân.

Tác giả: Trần Phong

Nguồn tin: Báo Nhà báo & Công luận

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top