Hà Tĩnh: Ăn ‘bánh vẽ’ của nhà đầu tư

14/06/2018 | 11:11:36

Dự án bò thịt, bò giống Bình Hà (trụ sở tại huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) từng được kỳ vọng là “đầu kéo” của ngành chăn nuôi công nghệ cao Hà Tĩnh, nhưng, sau gần 3 năm đi vào hoạt động, Dự án này bộc lộ nhiều bất cập, từ “đầu voi” nay thành “đuôi chuột”.

Ăn bánh vẽ của nhà đầu tư

Trang trại chăn nuôi của Bình Hà ở Kỳ Anh nay đã trống hoàn toàn.

Thuyết minh trên trời

Dự án bò Bình Hà được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1300/QĐ-UBND, ngày 15/4/2015 (bổ sung, điều chỉnh tại QĐ số 99/QĐ-UBND ngày 12/1/2016) với tổng mức đầu tư 4.582 tỷ đồng, tổng diện tích Dự án là 6.119,28 ha.

Dự án có quy mô 254.200 con/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 4.582 tỷ đồng. Đây là dự án chăn nuôi “khủng” chưa có tiền lệ ở Hà Tĩnh nhưng lại được đầu tư chóng vánh. Chủ đầu tư ban đầu là liên doanh giữa Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Công ty CP Khoáng sản và Năng lượng An Phú.

Tuy nhiên, chỉ 5 ngày trước khi có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư (10-4-2015), Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà (viết tắt là Cty Bình Hà) được thành lập đứng ra thực hiện cho Dự án này. 6 tháng sau (10-2015), Dự án chính thức đi vào hoạt động, trên địa bàn 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh, Cty Bình Hà đã xây dựng 65 chuồng trại, 2 khu nhà điều hành, hệ thống 19 kho chứa và các công trình phụ trợ khác, đồng thời tiến hành trồng cỏ trên diện tích gần 678 ha.

Đây là Dự án có thời gian đầu tư xây dựng hạ tầng, triển khai chăn nuôi nhanh kỷ lục. Theo thuyết minh, Dự án chăn nuôi bò thịt, bò giống của Bình Hà hứa hẹn sẽ tạo lực đẩy cho nền kinh tế Hà Tĩnh, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cụ thể là ngành chăn nuôi công nghệ cao, nguồn cung cho thị trường xuất khẩu và nội địa; hàng năm mang lại lợi nhuận bình quân từ 1.000-1.400 tỷ đồng, tạo việc làm cho 3.000 lao động địa phương ở Hà Tĩnh… Thế nhưng, sau gần 3 năm, với tiến độ như hiện tại, Hà Tĩnh đang được ăn “bánh vẽ” của nhà đầu tư.

Thực hiện “vô tiền khoáng hậu”

Thời kỳ hoàng kim nhất của Cty Bình Hà là đầu năm 2016 với hơn 24.000 con bò thịt thuộc giống Brahahman được nhập từ Úc về. Tuy nhiên, ngay lứa bò đầu tiên, Cty Bình Hà đã gặp sự cố, hơn 200 con bò dính dịch bệnh, hàng chục con bò chết phải tiêu hủy.

Thời điểm này, Cty Bình Hà chưa hoàn thiện các hạng mục bảo vệ môi trường, bò chết đem chôn không đúng quy trình, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên). Khi người dân phản ánh, cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đến kiểm tra và phát hiện hàng loạt hạng mục bảo vệ môi trường chưa được hoàn thiện, Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định phạt Cty Bình Hà 140 triệu đồng.

Ăn bánh vẽ của nhà đầu tư

Phần lớn diện tích đất được quy hoạch trồng cỏ nguyên liệu của Công ty đã bỏ hoang.

Xung quanh vấn đề giải phóng mặt bằng, hiện tại giữa Cty Bình Hà và hàng chục hộ dân ở xã Cẩm Quan, Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên) vẫn thường xuyên có xung đột do chưa thống nhất được phương án đền bù. Theo thống kê của huyện Cẩm Xuyên, giai đoạn 1 có 477 ha đất bị thu hồi với 90 hộ dân bị ảnh hưởng, tổng kinh phí đền bù là 31,6 tỷ đồng. Đến thời điểm này, còn hơn 30 hộ chưa đồng ý với phương án đền bù nên chưa nhận tiền.

Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan Trần Quang Trung cho biết: Cẩm Quan có hơn 200 ha đất sản xuất của người dân bị dự án thu hồi, mất tư liệu sản xuất, nên một số hộ thường xuyên lấn chiếm đất của Cty Bình Hà để sản xuất, giữa hai bên xảy ra tranh chấp, gây mất an ninh trật tự, rất nhiều lần xã vào cuộc xử lý nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Không chỉ rừng keo, tràm của người dân Cẩm Xuyên, Kỳ Anh bị thu hồi mà hàng nghìn ha đất trồng cao su của Cty Cao su Hà Tĩnh và rừng thông nhiều năm tuổi của Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cũng bị đốn hạ để phục vụ Dự án. Sau khi thu hồi, Cty Bình Hà chỉ lấy gần 700ha để trồng cỏ, còn lại cạo trọc rồi để hoang.

“Do đất rừng bị cạo trọc nên gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng rất lớn đến môi sinh, môi trường, mùa mưa lũ đến gây lũ ống, lũ quét, xói mòn đất, ô nhiễm nguồn nước của người dân” – ông Trung nhấn mạnh.

Sau một thời gian, cỏ trồng theo công nghệ tưới nhỏ giọt của Ixraen cũng bị chết. Thời điểm mới triển khai Dự án, rất nhiều người dân lo ngại về việc Cty Bình Hà lấy quá nhiều đất và có băn khoăn, kiến nghị nhưng không được cơ quan chức năng tiếp thu.

Hiện tại, trang trại hơn 580 ha của Cty Bình Hà ở huyện Kỳ Anh đã để hoang, không còn bóng dáng con bò nào ở đây. Còn tại Cẩm Xuyên, theo ông Trần Hùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, Cty đang nuôi 491 con bò thịt và ngày 8/6/2018 mới đây nhập về 300 con bò nái, tổng số bò Cty đang có là 791 con (tương đương 0,3% so với quy mô dự án).

“Qua theo dõi, tôi thấy để dự án phát triển và tiếp tục đầu tư như quy mô ban đầu đã phê duyệt là rất khó, họ chỉ có thể duy trì được một phần nào đó thôi” – ông Hùng nhận định.

Trong khi “lo bò” chưa xong thì giữa năm 2017, Cty này lại chuyển đổi hàng trăm diện tích trồng cỏ sang trồng chuối xuất khẩu?!. Mặc dù chưa thực hiện các quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích đầu tư, đánh giá tác động môi trường do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đến tháng 3/2018, tổng số diện tích trồng chuối do đơn vị này tự ý chuyển đổi lên đến 175 ha.

Nói về tính khả thi khi trồng chuối xuất khẩu, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh Lê Văn Trọng khẳng định: “Tôi có thể khẳng định là không thể thành công được vì chúng tôi đã trồng thử nghiệm nhiều rồi. Ở đây về mùa nắng chuối sẽ bị khô héo còn mùa mưa bị gió bão đánh gãy hết”.

Mặc dù những hoài nghi về hiệu quả của Dự án chăn nuôi này chưa vãn hồi nhưng mới đây, ngày 23/4/2018 Phó Tổng giám đốc Cty Bình Hà Trần Anh Quang lại có văn bản xin UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép điều chỉnh, bổ sung hơn 1.800 ha. Cty đề xuất xin đưa ra khỏi quy hoạch 730 ha (gồm Kỳ Anh hơn 199 ha, Cẩm Xuyên hơn 530 ha – diện tích này của các hộ dân chưa giải phóng mặt bằng được); đồng thời, đề nghị bổ sung vào Dự án hơn 430 ha (tập trung ở huyện Kỳ Anh).

Trước động thái này của doanh nghiệp, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan và chính quyền địa phương kiểm tra, soát xét, xử lý các nội dung thuộc thẩm quyền, tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

Dư luận cho rằng với diện tích đất đã bàn giao cho Cty Bình Hà (2.163,5 ha, trong đó tại huyện Cẩm Xuyên 1.578,6ha, huyện Kỳ Anh 584,9 ha) là quá lớn, Cty không sử dụng hết, thậm chí là để hoang hàng trăm ha, gây bức xúc cho người dân.

Vì thế, cơ quan chức năng Hà Tĩnh cần làm rõ Cty Bình Hà tiếp tục kiến nghị điều chỉnh như vậy nhằm mục đích gì? Kế hoạch triển khai Dự án của Cty như thế nào, có đáp ứng được mục tiêu đề ra hay không? Mặt khác, cần làm rõ vấn đề thu hồi vốn của doanh nghiệp, tránh gây thất thoát tài sản của Nhà nước.

Liên quan đến Dự án bò Bình Hà, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46), Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Đinh Văn Dũng – Nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà và Nguyễn Xuân Lương – Giám đốc Cty Tân Đại Việt (Lương được phép tại ngoại và bị cấm đi khỏi nơi cư trú) với tội danh Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Quá trình điều tra, CQĐT xác định Đinh Văn Dũng và Nguyễn Xuân Lương đã cấu kết nâng khống khối lượng, chiếm đoạt hơn 110 tỷ đồng khi thực hiện dự án chăn nuôi Bình Hà.

  Hạnh Nguyên

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top