Hà Tĩnh: Kỳ lạ những ngôi nhà “mọc” trên mương thoát nước

25/07/2018 | 15:00:03

Trong thời gian vừa qua, một số hộ dân tại thôn Hiệu Châu và Bắc Châu, xã Kỳ Châu (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã xây dựng các công trình nhà ở, xưởng sản xuất ngoài diện tích được cấp phép.

Đặc biệt các công trình này lại nằm ngay trên mương thoát nước của khu dân cư.

Ngang nhiên xây dựng trên mương thoát nước khu dân cư

Xưởng tôn thép của ông Trần Văn Bắc được xây đè lên kênh thoát nước, đã hoạt động trong một thời gian dài.

Khu dân cư ở thôn Bắc Châu và thôn Hiệu Châu, xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh được quy hoạch từ năm 2008 với hai tuyến nhà ở hướng ra hai trục đường khác nhau. Giữa hai tuyến nhà ở này là hệ thống mương thoát nước cho toàn bộ khu dân cư được quy hoạch này.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, trong quá trình làm nhà ở, một số hộ dân đã xây dựng nhà ở, xưởng sản xuất chồng lấn lên mương thoát nước.

Cụ thể, ông Trần Văn Bắc tại thôn Hiệu Châu có Giấy phép xây dựng số 29/GP-XD của UBND huyện Kỳ Anh cấp cho ông Bắc vào ngày 23 tháng 6 năm 2017. Giấy phép này ghi rõ công trình xây dựng là nhà ở một tầng trên tổng diện tích là 600m2 trên các thửa đất 45, 47, 49.

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, “nhà ở một tầng” của ông Bắc được dùng làm xưởng cán tôn và bán sắt thép khá lớn, có biển quảng cáo mang tên công ty TNHH xuất nhập khẩu Kỳ Anh chuyên về các loại tôn thép. Điều đáng nói, xưởng gia công này lại được xây dựng đè ngang lên hoàn toàn trên mương thoát nước của khu dân cư.

Công trình nhà ở hai tầng của ông Trần Xuân Hiếu đang được xây dựng với kết cấu vững chắc đè ngang trên kênh thoát nước của khu dân cư.

Ngay bên cạnh đó là công trình nhà ở hai tầng của ông Trần Xuân Hiếu được UBND huyện Kỳ Anh cấp phép xây dựng vào 6 tháng 7 năm 2017 tại thôn Bắc Châu, xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh.Công trình nàyđược xây dựng khá hoành tráng với các dầm bê tông chịu lực lớn cũng được chủ ngôi nhà này đổ bắc ngang ngay trên kênh thoát nước.

“Vùng đất này vốn được quy hoạch bán đấu giá đất nhà ở cho dân theo từng lô với diện tích là 200m2. Những các hộ này đã mua đất gần nhau rồi xây dựng và chiếm luôn kênh thoát nước sinh hoạt kiến người dân bức xúc”, một người dân sống gần khu vực xây dựng hai công trình trên cho biết.

Nhiều người dân cũng lo lắng, với cách xây dựng đè ngang lên trên kênh thoát nước của các hộ dân như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến công năng sử dụng của tuyến kênh. Ngoài ra nó còn phá vỡ quy hoạch ban đầu khu dân cư, tạo ra một tiền lệ xấu cho việc vi phạm xây dựng lấn chiếm các công trình công cộng ở khu vực này.

Các công trình đã dược UBND huyện Kỳ Anh cấp giấy phép xây dựng

“Huyện tạo điều kiện để phát triển kinh tế”

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Lương Thịnh, Chủ tịch UBND xã Kỳ Châu cho rằng việc xây dựng của các hộ dân như vậy hoàn toàn không đúng. “Đây là những mảnh đất họ đã đấu giá được nằm liền kề nhau, khi xây dựng công trình phía trên kênh thì phía dưới kênh nước vẫn chảy được. Hơn nữa đây là nương nước sinh hoạt nên tuyến kênh vẫn hoạt dộng tốt, không có ứ động hay tắc nghẽn dòng chảy”, ông Thịnh nói.

Theo Infonet

Ông Trương Thanh Long, trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Kỳ Anh cho rằng việc cấp phép của UBND huyện Kỳ Anh hoàn toàn đúng quy trình cấp phép công trình xây dựng. “Chúng tôi chỉ cấp phép xây dựng trên diện tích theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cá nhân, nếu xây dựng ngoài như vậy là sai phạm, UBND cấp xã phải kiểm tra, xử lý vi phạm đó”, ông Long nói.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh lại cho rằng: Huyện đã biết sự việc các hộ dân xây dựng, tuy nhiên, các công trình này nằm trên các thửa đất đấu giá làm đất ở liền kề nhau. Khi xây dựng công trình qua kênh thoát nước, các cá nhân đã gia cố thành mương nên chính quyền tạo điều kiện nhằm phát triển kinh tế của gia đình và địa phương.

Điều 10, Nghị định số 102/2014/NĐ-CP, ngày 10 tháng 11 năm 2014của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai nêu rõ:

Điều 10. Lấn, chiếm đất

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.

4. Hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;

b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.

 

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top