Hiệu trưởng thừa nhận đánh 4 trẻ: Lâm vào lối mòn

06/12/2020 | 10:47:51

Trường tư thục KidChamps Kindergarten thành lập chưa đầy 2 ngày thì xảy ra việc hiệu trưởng đánh 4 trẻ dẫn đến bị thu hồi giấy phép hoạt động.

Ngày 5/12/2020, ông Nguyễn Trọng Đạo – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc (TP Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết, đơn vị đã làm việc với bà Nguyễn Thị Hồ Bách Ý – Hiệu trưởng trường mầm non tư thục KidChamps Kindergarten liên quan đến clip thể hiện một nhóm 4 trẻ tại trường này bị đánh xuất hiện trên mạng xã hội.

Đoạn clip này cho thấy, khi giáo viên phát hiện một vài bé đang vẽ lên tường, người phụ nữ này vô cùng tức giận đã lao đến, đánh túi bụi vào tay các em học sinh.

Không dừng lại ở đó, người này còn tiếp tục kéo 2 bé một cách thô bạo vào nơi góc khuất camera. Sau đó, người này tiếp tục chỉ tay quát tháo, giậm chân khiến các bé trong lớp vô cùng hoảng sợ.

Tại buổi làm việc với cơ quan chức năng, bà Ý thừa nhận là người trong đoạn clip tham gia đánh 4 trẻ.

Nói về hành động của mình, bà Ý thừa nhận: “Tôi thấy mình sai, không đúng. Là tư cách của giáo viên thì không được vậy, mà tư cách của một con người cũng không được đánh trẻ con”.

Bà Ý cho biết lúc xảy ra sự việc, trong lớp có khoảng 8 trẻ, trong đó có cả 2 con gái của bà. Lúc đó bà không kiềm chế được nóng giận sau truy ra con mình “xé hộp bút chì màu”, “bẻ bút chì màu”.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Châu Anh – Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP. Nha Trang cho hay: “Nhóm trẻ này mới thành lập. UBND xã Vĩnh Ngọc ra quyết định cấp phép cách đây 1-2 ngày, nhưng sáng nay, họ đã thu hồi quyết định cấp phép luôn rồi”.

Theo chuyên gia giáo dục Huỳnh Tiến Minh – Học viện Quản lý giáo dục thì việc trẻ bị bạo hành sẽ khiến thể chất của trẻ bị tổn thương, nguy hại. Tiếp đó, nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần, hành vi và cách ứng xử của trẻ trong tương lai.

Điển hình, khi bị bạo hành, trẻ sẽ thay đổi tính cách, đang hiền lành bỗng trở nên hung dữ, lì lợm, cũng có trẻ mang tính cách nhút nhát, không muốn tiếp xúc với người khác.

Ngoài ra, có những đứa trẻ bị ảnh hưởng tâm lý đến mức ảo giác, bị khủng hoảng tâm thần và gây ra tự kỉ. Những tổn thương này có thể hồi phục, hoặc cũng có thể sẽ đi theo các em mãi mãi nếu như gia đình không có biện pháp điều trị.

“Những tổn thương của trẻ bị bạo hành là rất lớn, không ai có thể biết được tổn thương đó bao giờ lành hẳn hay nó sẽ làm thay đổi tính cách một đứa trẻ. Bạo hành trong môi trường nào cũng phải lên án mạnh mẽ và kiên quyết xử lý mạnh tay chứ đừng nói môi trường giáo dục mầm non. Tôi cho rằng việc cho thôi việc là chưa đủ.

Ngoài việc áp dụng các biện pháp răn đe, chúng ta cũng đừng mãi lâm vào lối mòn “mất bò mới lo làm chuồng”, học sinh bị bạo hành mới kỷ luật cô giáo.

Hệ thống sư phạm cần tuyên truyền tốt hơn bộ quy tắc ứng xử học đường và nói không với bạo hành giáo dục, giáo viên mầm non cần được đào tạo bài bản hơn, kiên quyết không nhận người trông trẻ chưa qua đào tạo. Có như vậy trường học mới thực sự là môi trường giáo dục tốt nhất cho trẻ”, chuyên gia giáo dục Huỳnh Tiến Minh cho hay.

Còn theo TS Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, hiện nay nhu cầu gửi con vào trường mầm non của người dân rất lớn trong khi các trường công lập chưa đáp ứng đủ chỗ học. Giáo viên mầm non được đào tạo bài bản chưa đầy đủ, nơi thừa nơi thiếu.

Vẫn còn tình trạng lơ là trong quản lý dẫn đến các cơ sở tư nhân tự mở lớp mầm non khá nhiều trong khi không có sự thanh, kiểm tra thường xuyên.

“Việc đào tạo tại chỗ cho giáo viên mầm non cũng không được thực hiện. Bên cạnh đó, việc xử lý người có hành vi bạo hành trẻ em rất cảm tính. Khi một sự việc được đưa lên mạng, dư luận biết và bức xúc thì xử lý rất nhanh và nghiêm túc, nhưng có những vụ không được nhiều người biết thì bỏ qua cho nhau.

Về lâu dài giáo viên mầm non phải tiến tới trình độ đại học, còn trước mắt các cơ sở trông giữ trẻ mầm non cần phải tuân thủ mọi quy định hiện hành, nói không với bạo hành”, TS Khuất Thu Hồng cho hay.

Theo Báo Đất Việt

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top