Khủng hoảng năng lượng: Trả đũa trừng phạt, Nga dùng chiêu bài khí đốt, châu Âu ‘ngấm đòn’, chạy đua tìm ‘trái ngọt’ ở miền đất hứa

12/11/2022 | 12:15:29

Những đòn trừng phạt qua lại trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine gây ra cuộc khủng hoảng khí đốt khiến châu Âu gánh chịu ảnh hưởng nặng nề. Chiến dịch tìm kiếm những hợp đồng mới ở Bắc Phi có mang lại “trái ngọt” cho EU?

Nga-châu Âu, khí đốt. Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune tiếp Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne tại Dinh tổng thống ở Algiers, ngày 10/10. (Nguồn: AP)
Việc tìm kiếm một giải pháp thay thế cho dầu và khí đốt của Nga đã khiến các nước EU chuyển sự chú ý sang những thị trường và nhà cung cấp khác, điển hình là Algeria và Morocco ở Bắc Phi. Trong ảnh: Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune (phải) tiếp Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne tại Dinh tổng thống ở Algiers, Algeria, ngày 10/10. (Nguồn: AP)

Mối quan hệ của châu Âu với các quốc gia Bắc Phi như Morocco và Algeria ngày càng trở nên khăng khít trong bối cảnh Nga cắt nguồn cung khí đốt liên quan xung đột tại Ukraine.

Dưới tác động của xung đột, toàn cầu đang phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng hơn bao giờ hết. Và châu Âu đã “ngấm đòn” trong nhiều tháng.

Phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga đang chịu tổng cộng 8 gói trừng phạt của Mỹ và các nước Liên minh châu Âu (EU). Đáp lại, Moscow cắt giảm mạnh nguồn cung cấp khí đốt cho các quốc gia châu lục này.

Chạy đua tìm nhà cung thay thế Nga

Việc tìm kiếm một giải pháp thay thế cho dầu và khí đốt của Nga đã khiến các nước EU chuyển sự chú ý sang những thị trường và nhà cung cấp khác, điển hình là Algeria và Morocco ở Bắc Phi. Sự hợp tác kinh tế được thực hiện thông qua các nỗ lực ngoại giao.

Các quốc gia như Pháp và Italy đã nhanh chân “gõ cửa” các nhà sản xuất khí đốt lớn ở Algeria. Trong khi đó, Tây Ban Nha cũng tập trung vào Morocco với các mỏ năng lượng mới đang được phát triển.

Đặc biệt, để thay thế khí đốt Nga, Italy đã thành công khi mở rộng thị trường nguồn cung năng lượng của mình ở Angola, Ai Cập, Congo và Nigeria.

Trong khi đó, các nước Tây Âu và Vương quốc Anh cũng đã tìm thấy khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ. London cũng đã tìm đến Morocco để hợp tác sản xuất năng lượng tái tạo.

Gần đây, quốc gia Bắc Phi này đã ký thỏa thuận “đối tác xanh” với EU nhằm tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy các dự án chuyển đổi năng lượng và kích thích nền kinh tế xanh.

Tại lễ ký kết diễn ra ở thủ đô Rabat của Morocco, ngày 18/10, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans khẳng định, thỏa thuận, được ký giữa ông và Ngoại trưởng Morocco Nasser Bourita, là thỏa thuận đầu tiên thuộc loại này.

Theo đó, hai bên nhất trí tìm cách “thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang ngành công nghiệp khử cacbon thông qua đầu tư vào công nghệ xanh, sản xuất năng lượng tái tạo và sản xuất sạch trong công nghiệp” với sự tham gia của khu vực tư nhân.

Cần nhắc lại rằng EU đã đầu tư gần 700 triệu Euro vào thị trường năng lượng tái tạo ở Morocco trong những năm gần đây. Với “thỏa thuận xanh” này, EU đặt mục tiêu đảm bảo ngừng phát thải khí nhà kính vào năm 2050.

Thỏa thuận cũng dự kiến ​​huy động đầu tư và tăng cường liên hệ với các tổ chức tài chính và cơ quan hợp tác châu Âu. Theo cách này, Rabat đặt mục tiêu trở thành lựa chọn thay thế vững chắc cho các quốc gia châu Âu đang cố gắng rời xa nhiên liệu hóa thạch, tránh sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Những thập niên qua, sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng Nga luôn rất lớn. 50% khí đốt tự nhiên được sử dụng tại Đức đến từ Nga, con số này tại Italy là 40%.

Pháp nhập khẩu 25% khí đốt từ Nga và đã công bố nhiều biện pháp mở rộng các trạm tái cấp khí hóa.

Cũng cần ghi nhớ cam kết mạnh mẽ của Paris đối với năng lượng hạt nhân – một nguồn năng lượng từng bị Berlin loại bỏ. Do ảnh hưởng của các chính sách môi trường khác nhau, dẫn đến việc Đức ngày càng phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Moscow.

Theo Al-Arab, nhà kinh tế học Morocco Mohammed Nazif lưu ý rằng: “Các nước châu Âu biết lợi ích của họ và sẽ bảo vệ chúng, điều này khiến họ có xu hướng chuyển dịch sang châu Phi để tìm kiếm các giải pháp năng lượng thay thế”.

Đây là một phần trong chiến lược dài hạn được các nước EU thiết lập do cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài, vốn đã diễn ra từ tháng 2 năm nay.

Theo Báo Quốc Tế

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top