Kỳ án cha mất đất vì dùng tên con: Cần làm rõ thông tin từ người làm chứng

14/06/2022 | 08:46:40

Liên quan vụ kỳ án cha mất đất vì dùng tên con khi kê khai cấp bìa đất, xuất hiện nhiều nội dung bất thường trong các lời khai của một số nhân chứng đứng về phía người con đi kiện dành đất cha.

Giao khoán đất vườn cho người chưa lập gia đình?

Ngày 13.6, bà Nguyễn Thị Tuyển, 58 tuổi, trú TP Vinh cho biết đã viết đơn tố cáo một số người làm chứng trong vụ án tranh chấp đất đai giữa anh trai và bố của bà.

Vụ việc này đã được báo Lao Động phản ánh qua bài: Nghệ An: Kỳ án cha mất đất vì dùng tên con.

Tòa phúc thẩm đã dựa vào lời khai của một số nhân chứng cho rằng có sự việc vào năm 1983, HTX Nghi Đức cấp đất cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Diên (con) và vợ là Nguyễn Thị Bảo. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Trung, trú xóm Xuân Hoa, xã Nghi Đức, TP Vinh cung cấp cho tòa án thông tin sau: “Thửa đất 450 hiện nay đang tranh chấp trước đây là của HTX Nghi Đức quản lý. Đến năm 1974 tôi nhận một phần diện tích (không nhớ cụ thể diện tích) tại thửa đất đó để sử dụng vào sản xuất”.

Theo ông Trung, đến năm 1983, vợ chồng ông Diên, bà Bảo xin HTX cấp đất làm nhà, ông Trung đã đồng ý trả và được ông Nguyễn Văn Ba – trưởng ban quản lý ruộng đất HTX Nghi Đức thu hồi và cấp cho vợ chồng ông Diên, bà Bảo.

Ông Nguyễn Văn Ba cũng xác nhận có nội dung vào năm 1983 đã cấp đất cho vợ chồng ông Diên, bà Bảo tại thửa đất nói trên. Các nội dung làm chứng của ông Trung, ông Ba đều không có tài liệu chứng minh.

Hồ sơ địa chính năm 1996 còn lưu giữ thể hiện thửa đất số 450 diện tích 661m2 có chủ sử dụng là ông Nguyễn Văn Diên sinh năm 1930, trùng với năm sinh ông Thọ. Ảnh: QĐ

Hợp tác xã không giao khoán trên đất vườn

Tuy nhiên, nhiều nhân chứng khác như bà Nguyễn Thị Hòa, sinh năm 1936, bà Nguyễn Thị Nam, sinh năm 1939 trú cùng xã Nghi Đức đã phản bác các nội dung làm chứng của ông Trung và ông Ba. Theo giấy xác nhận của hai người này, thì mảnh đất số 450 nói trên là của ông Phúc để lại cho vợ chồng ông Thọ, bà Nhỏ, đã sử dụng từ nhiều năm trước thời điểm 1983. Mặt khác, mảnh đất số 450 là đất vườn, trong khi HTX Nghi Đức chỉ khoán trên đất ruộng lúa chứ chưa bao giờ khoán sản phẩm trên đất vườn.

Bà Nguyễn Thị Hòa đề nghị được đối chất với ông Trung để làm rõ sự thật.

Bà Nguyễn Thị Tuyển cho biết thêm, ông Nguyễn Văn Trung sinh năm 1956, đến năm 1974 ông Trung mới 18 tuổi, chưa lập gia đình, nên không thể có chuyện HTX giao khoán đất cho người chưa lập gia đình nhận khoán.

Bên cạnh đó, có rất nhiều nhân chứng là người cao tuổi sống ở địa phương xác nhận mảnh đất số 450 nói trên là đất của bố mẹ ông Thọ để lại từ đời trước, trong đó có vợ chồng ông Phạm Xuân Tùy – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.

Mặt khác, vào thời điểm năm 1996, UBND huyện Nghi Lộc đồng thời cấp 2 sổ đỏ đều ghi tên ông Nguyễn Văn Diên, được phía bị đơn giải thích là tên ông Nguyễn Thọ, nhưng sử dụng tên con theo phong tục. Trong sổ địa chính cũng ghi tên vợ ông Diên là bà Diên, chứ không phải là bà Bảo, tên vợ ông Diên (con). Địa chỉ của người được cấp sổ đỏ là xã Nghi Đức, nơi cư trú của ông Thọ, chứ không phải là nơi cư trú của ông Diên (TP Vinh).

Tuy nhiên tòa phúc thẩm cho rằng không có căn cứ xác định đó là đất của bố mẹ ông Nguyễn Thọ để lại, mà dựa vào các lời khai có lợi cho nguyên đơn và hồ sơ kĩ thuật năm 2009 để nhận định thửa đất 450 được cấp cho vợ chồng ông Diên – bà Bảo vào năm 1983.

Theo luật sư Thái Bình Dương (Nghệ An), việc giải quyết vụ án phải dựa vào các chứng cứ, tài liệu xác thực, nếu có mâu thuẫn giữa lời khai của những người làm chứng thì cơ quan tố tụng cần tiến hành đối chất để làm rõ; trường hợp người làm chứng cố ý khai báo gian dối, cung cấp thông tin biết rõ là sai sự thật cho tòa án thì có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 382 Bộ Luật hình sự 2015.

Theo Quang Đại/Báo Lao động

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top