Nghệ An: Ẩn hoạ từ hàng trăm “xác” lò gạch ngói thủ công rình rập người dân

13/09/2020 | 10:57:48

Cuối năm 2017, “thủ phủ” gạch ngói một số xã ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đã bị khai tử nhưng “xác” những chiếc lò gạch ngói vẫn chưa được dỡ bỏ.

Toàn cảnh “thủ phủ” lò gạch đã bị khai tử nhưng chưa được tháo dỡ.

Cách đây khoảng 5 năm “thủ phủ” gạch ngói Cừa thủ công tại xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) rất nhộn nhịp. Hàng sản xuất ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu.

Đoạn đường đất đỏ trước cổng hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh và dịch vụ làng nghề Cừa luôn mù mịt khói bụi bởi những chiếc xe tải vào “ăn hàng” rồi chở đi tiêu thụ ở những địa phương lân cận. Chỉ trừ những ngày mưa bão lớn hoặc lũ lụt, những lò gạch ngói thủ công nơi đây may ra mới tắt lửa.

Những cột khói lò gạch cao hàng chục mét trơ trọi giữa cánh đồng.

Sau chủ trương đóng cửa vĩnh viễn các lò gạch ngói thủ công trước 31/12/2017, cả khu vực Đồng Nẩy và vùng Thắm, xã Nghĩa Hoàn từng là “đại bản doanh” của gạch ngói thủ công trở nên hoang tàn, lạnh lẽo. “Xác” hàng trăm lò gạch, ngói thủ công chưa được dỡ bỏ đang dần trở thành phế tích đáng sợ.

Theo lãnh đạo xã Nghĩa Hoàn cho biết, địa phương có 141 lò gạch ngói thủ công đã dừng hoạt động nhưng vẫn chưa được tháo dỡ. Theo ông Nguyễn Đình Hưng – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hoàn cho biết: “Đúng là sau khi dừng hoạt động nhưng lò gạch ngói chưa được dỡ bỏ, trải qua thời gian nhìn rất hoang tàn và phản cảm. Việc chưa dỡ bỏ cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến người dân”.

“Hiện tại, khu vực sản xuất gạch ngói Cừa tại Nghĩa Hoàn có diện tích hơn 30ha. Trước đây, là đất công ích, từ khi thành lập HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ làng nghề Cừa thì chuyển thành đất kinh doanh. Hơn 30ha bỏ hoang đã gần 3 năm cũng rất lãng phí”, ông Hưng cho biết thêm.

Khoảng 30ha đất đang bỏ hoang vô cùng lãng phí.

“Các chủ lò đã đầu tư hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng, nay phải dỡ bỏ, họ đề nghị được hỗ trợ mỗi lò 50 triệu đồng nhưng địa phương lấy đâu ra. Mới đây có một doanh nghiệp xin vào san lấp mặt bằng và đầu tư tại khu vực HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ làng nghề Cừa, thấy dân đề nghị hỗ trợ nên đã không đầu tư nữa. Cuối quý 3, chúng tôi sẽ mời các chủ lò lên để triển khai công tác tháo dỡ. Nếu hết năm 2020 mà chủ lò không tháo thì chúng tôi sẽ tiến hành cưỡng chế”, ông Nguyễn Đình Hưng – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hoàn phân tích khó khăn mà xã đang gặp phải.

Khu vực lò gạch rộng lớn trở thành nơi chăn thả trâu bò.

Hiện trên địa bàn huyện Tân Kỳ không riêng gì tại xã Nghĩa Hoàn mà các địa phương khác như: Nghĩa Thái, Tân Long, Nghĩa Dũng, Kỳ Sơn… cũng đang tồn tại một số vỏ lò gạch thủ công chưa dỡ bỏ gây mất an toàn.

Ngay khu vực chân lèn Rỏi, sát quốc lộ 48E thuộc địa phận xã Kỳ Sơn, người đi đường “rùng mình” trước hình ảnh những cột khói cao hàng chục mét của lò gạch cũ chưa được tháo dỡ.

Ông Nguyễn Văn Thọ – Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn thông tin: “Chúng tôi có khoảng 10 lò gạch ngói thủ công đã dừng hoạt động trước 31/12/2017. Khi cam kết dừng hoạt động thì đã yêu cầu chủ lò tháo dỡ nhưng họ không làm. Hiện tại còn 1 số vỏ lò chưa được tháo dỡ rất mất an toàn”.

Những lò gạch xơ xác, tiêu điều qua một thời gian khá dài.

Khi chúng tôi đề cập đến việc nếu xảy ra sự cố đáng tiếc, ai là người chịu trách nhiệm, thì ông Thọ đã im lặng. Ông Thọ cũng cho biết sẽ thuê đơn vị tháo dỡ trong thời gian sớm, nhưng trước mắt là cắm biển cảnh báo mất an toàn.

Qua thống kê, trên địa bàn huyện Tân Kỳ có 172 lò gạch ngói, trong đó có 151 lò thủ công, 18 lò chuyển đổi theo công nghệ xử lý khí thải, 3 lò thủ công kiểu đứng liên tục. Hiện tất cả đã dừng hoạt động theo quy định nhưng hầu hết chưa tiến hành tháo dỡ vỏ lò.

Chính quyền địa phương đang loay hoay tìm cách tháo dỡ.

Ông Nguyễn Văn Hoa – Phó chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho rằng: “Khi huyện chỉ đạo dừng hoạt động các lò gạch ngói thủ công là phá ngay vỏ lò nhưng một số người dân bức xúc (nhất là ở HTX ngói Cừa xã Nghĩa Hoàn) nên chưa phá dỡ được. Đối với vỏ lò ngói thấp nên đỡ hơn, riêng vỏ lò gạch với cột khói cao hàng chục mét thì rất nguy hiểm. Chúng tôi sẽ xử lý ngay để đảm bảo an toàn”.

Một số chỗ trong khu vực trở thành nơi tập kết gạch, ngói.

Trước những vấn đề này, chính quyền sở tại đang “loay hoay” tìm biện pháp để tháo dỡ những lò gạch ngói thủ công này để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân.

Báo Dân trí tiếp tục thông tin này đến bạn đọc.

Tác giả: Nguyễn Tú – Nguyễn Duy

Nguồn tin: Báo Dân trí

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top