Nghệ An: Chung cư “quá hạn sử dụng”, dân vẫn chật vật đi xin “bìa hồng”

03/07/2018 | 08:15:06

Chung cư D2, TP Vinh, Nghệ An được phân phối cho 60 hộ nguyên là cán bộ, công nhân ngành đường sắtChung cư D2, TP Vinh, Nghệ An được phân phối cho 60 hộ nguyên là cán bộ, công nhân ngành đường sắt

GD&TĐ – Sau hơn 35 năm sống ở chung cư D2 (TP Vinh, Nghệ An) theo diện được Tổng cục đường sắt phân phối cho cán bộ công nhân viên, đến nay, những hộ dân tại đây vẫn chưa có giấy chứng nhận sở hữu căn hộ.

Đem đơn đi hỏi Bộ, ngành liên quan thì được trả lời đã giao chung cư cho tỉnh Nghệ An quản lý. Quay về hỏi tỉnh, thì Sở Tài chính phúc đáp bằng một văn bản đề nghị Tổng Công ty đường sắt, BôGTVT sắp xếp lại phương án xử lý.

Nhà dột, nứt mà không thể sửa

“Hồi đó, những gia đình nào mà cả 2 vợ chồng cùng công tác trong ngành đường sắt, thâm niên 20 năm trở lên mới được cấp 1 căn hộ. Diện tích mỗi căn từ 36-45m2”, bà Trương Thị Bơ (69 tuổi, chủ căn hộ 213) cho biết.

Bà Bơ nguyên là cán bộ công nhân viên Công ty vận tải đường sắt 3 (thuộc Tổng cục Đường sắt, nay là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam). Năm 1982, Tổng cục đường sắt tiếp nhận chung cư D2 từ UBND tỉnh Nghệ Tĩnh (nay là tỉnh Nghệ An) với hình thức mua bằng nguồn quỹ phúc lợi tập thể và giao cho Công ty vận tải đường sắt 3 quản lý.

Các căn hộ này được phân phối cho cán bộ công nhân viên thuộc các xí nghiệp thành viên của công ty này. Ngoài bà Bơ, có 59 hộ khác đủ điều kiện được cấp căn hộ.

Sau khi nhận nhà, các hộ dân sinh sống ổn định, nộp thuế và các khoản đóng góp cho địa phương – là phường Lê Lợi, TP Vinh đầy đ.

Tuy nhiên, 36 năm trôi qua, chung cư D2 “đã quá hạn sử dụng”, xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt và cả sự an toàn của 60 hộ dân – hiện đã có đến 3 – 4 thế hệ cùng chung sống với hơn 200 nhân khẩu.

“Ngày xưa, tường xây bằng cát, vôi, giờ bắt đầu lở, nứt. Có nhà đã bị cả mảng trần rớt xuống, may lúc đó không có người ngồi phía dưới. Đường điện, nước cũng hư hỏng, xuống cấp, khó sửa chữa bởi liên quan đến cả hệ thống. Chuyện nhà dột, nước từ nhà vệ sinh tầng trên thấm xuống tầng dưới, hoặc tràn bể phốt mấy năm gần đây thường xuyên xảy ra.

Thế nhưng, hiện nếu chúng tôi muốn cải tạo, sửa chữa cũng không được phép bởi chưa có hộ dân nào có giấy nhận quyền sở hữu căn hộ”, ông Nguyễn Phúc Châu (chủ căn hộ 313) cho biết.

Vẫn “treo” việc xác định quyền sở hữu

Sau 36 năm, chung cư hiện đã xuống cấp trầm trọng 

Suốt 2 năm qua, cư dân chung cư D2 nhiều lần đem đơn đi gõ cửa từ trung ương xuống tỉnh, thành phố để được hướng dẫn giải quyết vấn đề sở hữu căn hộ mà họ đã sống hơn 35 năm qua.

Ông Nguyễn Phúc Châu cho hay: Sau khi gửi công văn đề nghị các Bộ, ngành liên quan tham mưu hướng giải quyết trên cơ sở kiểm tra, rà soát và xác định cơ sở nhà, đất chung cư D2, ngày 8/5/2017, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có văn bản số 07/ĐS-QLHT đề nghị UBND tỉnh Nghệ An tiếp nhận công trình này để quản lý theo quy định.

Ngày 25/7/2017, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản đồng ý tiếp nhận nhà chung cư D2. Tỉnh Nghệ An giao UBND TP Vinh chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hoàn thiện các thủ tục để trực tiếp tiếp nhận và quản lý.

Ngày 22/5/2018, Sở Tài chính Nghệ An đã có văn bản số 1369 về việc lập hồ sơ để chuyển giao nhà chung cư D2 về địa phương. Trong đó nêu rõ về cơ sở pháp lý thì nhà chung cư D2 vẫn thuộc quyền quản lý của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, là tài sản công thuộc quyền quản lý, sử dụng của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Theo Luật Đất đai và Luật nhà ở không có quy định về xử lý đối với trường hợp nhà đất thuộc đơn vị trung ương quản lý.

Do vậy, Sở Tài chính Nghệ An đề nghị Chi nhánh đường sắt Nghệ Tĩnh – Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lập báo cáo kê khai, đề xuất phương án sắp xếp, xử lý cơ sở nhà đất, đất gửi cơ quan quản lý cấp trên để báo cáo cơ quan có thẩm quyền lập phương án sắp xếp lại, xử lý theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP.

Tuy nhiên, các hộ dân cho rằng: Chúng tôi tiếp nhận nhà từ năm 1982, từ đó đến nay không có ai tranh chấp, vậy việc xác định chủ sở hữu chung cư D2 phải theo Luật đất đai năm 2013 mới đúng. Tổng công ty Đường sắt cũng đã đề nghị UBND tỉnh Nghệ An tạo điều kiện giải quyết các thủ tục pháp lý để đảm bảo quyền lợi về nhà ở cho các hộ dân là cựu cán bộ, công nhân viên của ngành. Có nghĩa là đã xác định nó không thuộc đối tượng của Quyết định số 09/2007/QĐ-TTG về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước. Vậy tại sao Sở Tài chính Nghệ An lại xác định chung cư này thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 167 tức là xác định đây là tài sản công.

“Chúng tôi cũng chỉ mong muốn các cơ quan chức năng sớm tháo gỡ vướng mắc, giải quyết thủ tụccấp giấy để được tái định cư tại nơi ở cũ. Đây là nhu cầu rất bức thiết vì thực sự các hộ dân sống ở đây đang có nguy cơ mất an toàn vì chung cư đã cũ nát quá rồi”, ông Nguyễn Phúc Châu, đại diện cho 60 hộ dân D2 nói.

Các hộ dân chung cư D2 cũng thắc mắc: Trên địa bàn TP Vinh còn có khu A, Khu B và Khu C chung cư Quang Trung trước đây cũng là tài sản nhà nước. Được phân nhà ở cho cán bộ, công nhân viên thuê trả tiền hàng năm và được Nhà nước quản lý, duy tu bảo dưỡng. Hiện nay, tất cả các hộ dân ở đó đã được mua lại căn hộ đang thuê theo Nghị định 61/1994/NĐ-CP và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở. Vậy tại sao chung cư D2 lại khó khăn, nhùng nhằng trong việc xác định quyền sở hữu căn hộ cho các hộ dân như vậy?
Theo Báo Giáo Dục Và Thời Đại

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top