Nghệ An: Dân bản bị ‘bao vây’ bởi thuốc diệt cỏ của công ty cao su

26/07/2018 | 16:34:52

“Chúng tôi được phép phun thuốc diệt cỏ cho cây cao su, còn việc ô nhiễm hay không thì hàng năm đã có các đoàn về kiểm tra…” Đó là câu trả lời vô trách nhiệm của vị giám đốc công ty với PV.

Bản Vều 4 đa phần những người dân tộc Thái, họ sinh sống giữa bao quanh bạt ngàn diệt tích cây cao su đang thì trưởng thành của Công ty cao su Anh Sơn thuộc Công ty CP Đầu tư Phát triển cao su Nghệ An.

Nhờ ít tốn công trong việc làm cỏ, ngăn chặn trâu bò phá hoại cây trồng nên những chai thuốc BVTV diệt cỏ được công nhân sử dụng rất nhiều.

Bây giờ, hiện hữu dưới bạt ngàn màu xanh của cây cao su ở khu vực Vều là lớp cỏ bị cháy khô do thuốc. Mùa này sang mùa khác, để cây cao su xanh tốt công nhân phun thuốc diệt cỏ với số lượng lớn một cách vô tội vạ, bất chấp độc hại.

Chai lọ thuốc diệt cỏ vứt chỏng chơ trên đường và tràn lan dưới khe suối.

Điều đáng lo ngại là phía dưới những rẫy cao su được tưới chất độc từ thuốc trừ cỏ là đồng ruộng, ao hồ, và nguồn nước, nơi người dân thường xuyên sử dụng nước để tắm giặt, sinh hoạt, thậm chí sử dụng để nấu ăn.

Không chỉ lạm dụng thuốc mà ý thức thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV đã qua sử dụng của công nhân rất kém, chưa được quan tâm dẫn đến thực trạng chai lọ tồn tại ở nương rẫy, sông suối, vì vậy khả năng ô nhiễm nguồn nước là rất cao.

Nguy cơ ô nhiễm càng hiện hữu khi thời tiết mưa lớn kéo theo sự dung hòa các chất độc hại ngấm vào đất, tràn vào ao hồ, sông suối.

Thuốc BVTV diệt cỏ này tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại đến đời sống của người dân xung quanh.

Bà Hà Thị Quyền( 67 tuổi) bức xúc cho biết: “Họ phun thuốc (công nhân chăm sóc cây cao su- PV) nhiều lắm chú à, chúng tôi ngửi mùi thuốc diệt cỏ nồng nặc quanh năm, chai lọ thì vứt chỏng chơ các khe suối, trên đường vào bản, vào ngõ nhà, lâu dần thuốc ngấm xuống ao hồ, các giếng sinh hoạt cuả bà con dân bản. Chúng tôi không dám dùng nước ngầm để sinh hoạt. Trong làng nhiều người bị bệnh ngoài da và cả ung thư, tôi nghi ngờ liên quan đến thuốc diệt cỏ này”.

Bà Lô Thị Mai (45 tuổi) dẫn chúng tôi đi một vòng xung quanh bản để thấy nhiều chai lọ nằm ngổn ngang các khe suối, ao trong làng và lo lắng “chúng tôi thì nhiều tuổi rồi, nhưng các cháu nhỏ sống chung với thuốc diệt cỏ thế này thì tội chúng quá”.

Bà Lô Thị Mai, cầm hai vỏ chai lọ thuốc diệt có dưới ao nhà mình.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Tráng, Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn được ông cho biết: “Xã đã nhiều lần nghe trưởng bản và bà con dân bản Vều 4 phản ánh chuyện ô nhiễm từ thuốc diệt cỏ của Công ty cao su, chúng tôi đã có ý kiến lên huyện và huyện đã có ý kiến với Sở Nông nghiệp”.

Để làm rõ thêm thông tin chúng tôi đã liên hệ làm việc với Phòng Tài nguyền và Môi trường huyện Anh Sơn.

Trao đổi với PV, ông Đặng Duy Đô, Trưởng phòng thông tin cho biết: “Vấn đề này cử tri đã phản ánh nhiều lần lên các cuộc họp hội đồng nhân xã và huyện. Chúng tôi đã có ý kiến xuống các cơ quan ban ngành cấp tỉnh lên kiểm tra và hướng xử lý”.

Tiếp tục làm rõ thông tin, PV đã có buổi làm việc với đại diện của Công ty cao su là ông Võ Hữu Linh, Giám đốc Công ty cao su Anh Sơn.

Trái ngược với mong muốn thì chúng tôi nhận được câu trả lời vô trách nhiệm của vị giám đốc: “Chúng tôi được phép phun thuốc diệt cỏ cho cây cao su, còn việc ô nhiễm hay không thì hàng năm đã có các đoàn về kiểm tra, đánh giá tác động môi trường của tỉnh; việc chai lọ vứt chỏng chơ ngoài lô cao su, các khe suối, ao hồ xung quanh nhà dân thì tôi sẽ cho anh em kiểm tra lại?!”.

Tác giả: Lê Thành

Nguồn tin: Báo Môi trường và Đô thị

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top