Nghệ An: Hàng loạt sai phạm “chấn động” tại BQL Quảng Trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ

15/08/2018 | 15:05:25
Nghệ An: Hàng loạt sai phạm “chấn động” tại BQL Quảng Trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ

Người dân đến vui chơi tại Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ

Sau hơn gần 4 tháng, mới đây UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kết luận Thanh tra dài gần 20 trang giấy nêu ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại BQL Quảng Trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ.
Theo đó, từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2018, Phương Nam Plus đã khởi đăng loạt bài về các sai phạm nghiêm trọng tại BQL Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ (số 2 Vương Thúc Mậu, phường Trường Thi, TP Vinh, Nghệ An). Trong đó có các sai phạm về công tác quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý sử dụng đất công, công tác cán bộ, xây dựng cơ bản… Sau khi báo đăng tải, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định thành lập đoàn Thanh tra, thanh tra toàn diện tại BQL Quảng trường.
Đến nay Đoàn đã có Kết luận thanh tra số 489/KL-UBND với nội dung: BQL Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ (gọi tắt là BQL Quảng trường) được thành lập theo Quyết định số 1288/QĐ.UB-TC ngày 10/4/2003 của UBND tỉnh Nghệ An. Đây là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc Sở Văn hóa – Thể thao; có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng. BQL Quảng trường có chức năng, nhiệm vụ: Trực tiếp tổ chức và phục vụ các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội; đón tiếp, phục vụ nhân dân trong tỉnh, khách trong và ngoài nước tham quan; chăm sóc, bảo vệ, trùng tu, duy tu công trình, tổ chức các hoạt động dịch vụ tăng nguồn thu cho đơn vị theo đúng quy định của nhà nước. BQL Quảng trường được tổ chức các hoạt động dịch vụ thu tiền như: Bán hàng lưu niệm, hoa tươi, văn hóa phẩm, dịch vụ điện thoại, giữ xe ô tô, xe máy, xe đạp.
Kết luận Thanh tra số 489 chỉ ra các tồn tại và sai phạm trong quản lý các nguồn thu như: Ngoài các dịch vụ được tổ chức thực hiện theo Quyết định số 4721/QĐ-UBND ngày 10/12/2004 của UBND tỉnh, đơn vị còn hợp đồng tổ chức thêm các hoạt động khác nhằm tăng nguồn thu như: Cho thuê địa điểm bán cây cảnh, cá cảnh; tổ chức các trò chơi: xe điện trẻ em, xúc hạt…
Kết luận thanh tra số 489/KL-UBND 
Thời kỳ ông Hồ Công Nghĩa làm quyền Trưởng BQL Quảng trường cũng như các lãnh đạo trước đó có nhiều sai phạm nghiêm trọng.
Năm 2015, BQL Quảng trường thu tiền một số dịch vụ nhưng không nộp vào kho bạc nhà nước theo quy định mà để lại quỹ đơn vị để sử dụng (từ tháng 12/2015 đã được khắc phục…).
Thu tiền thanh lý ô tô: Năm 2016 đơn vị thanh lý ô tô với số tiền là 49.962.500 đồng nhưng BQL Quảng trường lại hoạch toán vào nguồn thu của đơn vị mà không nộp vào ngân sách khi chưa được cơ quan tài chính cấp trên cho phép là không đúng quy định tại Điều 31 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 3/6/2009 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.
Thu tiền đèn dầu tại phòng thờ Bác Hồ (tương tự tiền công đức): Tổng số tiền thu được trong 3 năm là: 162.168.000 đồng; số tiền còn dư đến thời điểm 31/12/2017 là 48.578.000 đồng.
Theo Quyết định của UBND tỉnh Nghệ An thì Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ là công trình lịch sử – văn hóa, không phải là di tích hay danh thắng, do vậy không được đặt hòm công đức. Mặt khác, Quy chế chi tiêu nội bộ và quản lý tài sản công của đơn vị đã quy định: 6 tháng mở két tiền đèn dầu tại phòng thờ Bác Hồ một lần. Tuy nhiên, thực tế thì việc mở két không tuân theo thời gian trên; và khi mở két không mời đại diện của cơ quan tài chính cấp trên giám sát.
Thu tiền dâng hoa của các đoàn khách: Đơn vị không mở sổ theo dõi các đoàn đến dâng hoa; phiếu đăng ký dâng hoa không ghi số thứ tự hoặc số thứ tự ghi không liên tục, nhân viên nghiệp vụ chậm nộp tiền kinh phí dâng hoa của khách vào quỹ của đơn vị…
Cho thuê đất công trái quy định của nhà nước
Thu tiền điện dịch vụ: Tính đến ngày 31/12/2017, số dư của nguồn thu tiền điện của các cá nhân hoạt động dịch vụ tại Quảng trường từ các năm trước là: 128.431.500 đồng. BQL Quảng trường không hạch toán số tiền này vào doanh thu, khi lập dự toán không đưa khoản thu này vào nguồn thu của đơn vị; hiện nay không xác định được đối tượng trả.
Việc giao khoán các hoạt động dịch vụ ở Quảng trường: Thực hiện theo hình thức ký kết hợp đồng kinh tế trực tiếp hàng năm. Tuy nhiên trước lúc ký hợp đồng, BQL Quảng trường không thông báo, niêm yết công khai, chào hàng mà tự ấn định mức giá giao khoán.

Về căn cứ ký kết hợp đồng giao khoán trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô: hợp đồng của năm 2017, 2018 căn cứ Quyết định số 61/2014/QĐ-UBND ngày 18/9/2014 của UBND tỉnh Nghệ An là không phù hợp; do kể từ ngày 1/1/2017 Quyết định số 61/2014 nếu trên đã được thay thế bởi Quyết định số 80/2016/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 của UBND tỉnh Nghệ An. Đồng thời, nội dung trong các hợp đồng không có điều khoản về việc quản lý, sử dụng các tài sản có liên quan”.

Còn tiếp…

Nguồn: Triều Dương (phuongnamplus.vn)

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top