Nghệ An: Người dân khốn khổ vì nhà máy xi măng nghìn tỷ

12/07/2018 | 16:21:37

Hàng trăm hộ dân nằm quanh khu vực nhà máy xi măng Sông Lam liên tục phản ánh về tình trạng ô nhiễm MT nghiêm trọng xuất phát từ nhà máy xi măng.

Nhân dân bức xúc vì ô nhiễm

Dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng sông Lam do Tập đoàn The Vissai làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 10.500 tỷ đồng được hi vọng là một trong những cú hích cho sự phát triển kinh tế của tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, khói bụi và tiếng ồn từ nhà máy đang mang lại nhiều hệ lụy xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân thuộc xã xã Bài Sơn, huyện Đô Lương và xã Minh Thành huyện Yên Thành (Nghệ An).

Tòa soạn Khỏe 365 nhận được phản ánh của bà con nhân dân ở xã Bài Sơn, huyện Đô Lương và xã Minh Thành huyện Yên Thành (Nghệ An) về việc nhà máy liên tục xả khói bụi và phát ra tiếng ồn khiến cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng nhà máy và các cơ quan chức năng chưa có biện pháp khắc phục.

Video ghi lại cảnh nhà máy xả thải ra môi trường

Từ phản ánh của người dân, phóng viên đã trực tiếp xuống hiện trường gặp người dân để xác minh thông tin. Dẫn chúng tôi đi xung quanh nhà máy, chỉ lên ống khói cao gần 100 mét bà Lê Thị Nguyệt (xóm Đô Sơn, xã Bài Sơn, huyện Đô Lương) cho biết: “Từ khi nhà máy xi măng hoạt động, cuộc sống của gia đình tôi bị đảo lộn hoàn toàn. Tiếng ồn do trạm nghiền và xe đổ nguyên liệu vào nhà máy hành hạ tôi cả ngày lẫn đêm. Tôi bị đau đầu nên hầu như đêm nào cũng không thể ngủ yên giấc”.

Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Thị Toàn (Xóm Đô Sơn, xã Bài Sơn, huyện Đô Lương) bức xúc: “Gia đình tôi đang khốn khổ từng ngày vì tiếng ồn và bụi từ nhà máy xi măng này. Nhà tôi không lúc nào thiếu bụi, muốn yên phải lấy khan lau chiếu cho sạch mới có thể ngủ được. Còn ở đây lâu thì cả gia đình tôi bị viêm phổi mất. Đêm về tiếng ồn phát ra từ nhà máy khiến chúng tôi không thể ngủ được, kêu chính quyền cũng chẳng ăn thua gì”.

Bà Hường tại Xóm 4 xã Minh Thành huyện Yên Thành cho biết thêm: “Nhà máy lợi dụng lúc đêm tối, xả bụi bay mù mịt một góc trời, kéo dài từ 23 đến 3h sáng, mỗi tuần 2 đến 3 lần. Khói bụi lúc đục ngầu, khi thì trắng xóa khiến chúng tôi lo ngại cho sức khỏe của mình”.

Tìm hiểu thêm, PV được biết không chỉ gây ảnh hưởng môi trường ở nhà máy, con đường chở đá từ mỏ đến nhà máy cũng đang bị ô nhiễm do khói bụi rất nặng nề. Mặc dù đây là con đường vào mỏ riêng của nhà máy nhưng lại giáp với hàng chục hecta đất nông nghiệp của các hộ dân. Theo quan sát của phóng viên, xe chở nguyên liệu không được bịt kín và quét dọn thường xuyên khiến bụi bay mù mịt, rất nhiều bụi nhỏ bay tứ tung xuống ruộng lúa của người dân và nhà cửa.

Khói bụi từ nhà máy mù mịt một góc trời

Dân không tin kết quả quan trắc môi trường….

Ngày 08/05, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Nghệ An đã có buổi làm việc tại nhà máy xi măng Sông Lam theo phản ánh của người dân. Kết quả làm việc cho thấy, hầu hết các chỉ số về ô nhiễm môi trường đo được tại buổi làm việc đều an toàn. Tuy nhiên, các hộ dân xung quanh nhà máy đều phản đối kết quả buổi kiểm tra. Theo họ, buổi kiểm tra không đúng quy trình, đoàn kiểm tra thông báo cho nhà máy biết trước nên đã có sự chuẩn bị. Vì vậy, kết quả kiểm tra không khách quan, chính xác.

Bà Loan (xóm Đô Sơn, xã Bài Sơn, huyện Đô Lương) cho biết: Nhà máy được thông báo có đoàn kiểm tra về trước cả tuần nên từ 2 ngày trước khi kiểm tra, nhà máy đã không còn xả bụi, đường đi vào mỏ và xung quanh nhà máy đã được các công nhân dọn dẹp, phun tưới.

“Khi họ chuẩn bị đo mẫu bụi và tiếng ồn thì trạm nghiền dừng hoạt động, xe dừng đi lấy đá thì lấy đâu ra khói bụi với tiếng ồn chứ. Nếu họ bất ngờ xuống mà không thông báo cho nhà máy thì kết quả đã khác rồi”, bà Loan bức xúc.

Xe chở nguyên liệu không được bịt kín và quét dọn thường xuyên khiến bụi bay mù mịt

Đi không được, ở không xong?!

Do lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe của mình, hàng chục hộ dân của xóm Đô Sơn đã làm đơn yêu cầu được di dời ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, mong muốn được di dời của các hộ dân vẫn đang giậm chân tại chỗ.

Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường mà phóng viên có được, hoạt động của nhà máy xi măng Sông Lam do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, chỉ có 32 hộ dân chịu tác động của dự án do nằm trong phạm vi bán vi bán kính an toàn cách khu vực lò nung 900 mét, cách hàng rào công trình 600 mét. Trên thực tế, theo thống kê của Ủy ban nhân dân huyện Đô Lương, có tới 158 hộ dân bị ảnh hưởng của tác động môi trường bởi hoạt động của nhà máy.

Trong khi các hộ dân đang mòn mỏi đợi quyết định di dời của các cơ quan chức năng thì Sở Tài nguyên môi trường tình Nghệ An chỉ mới có công văn xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và môi trường để có phương án di dời các hộ dân này. Ngoài ra, gần 20 hộ dân đang nằm trong quyết định di dời để phục vụ cho giai đoạn 2 của nhà máy cũng lâm vào hoàn cảnh dở khóc dở cười khi không biết bao giờ mới đi được trong khi đã nghe thông báo cách đây 3 năm.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Quang – Chủ tịch UBND xã Bài Sơn cho biết, liên quan đến những phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn do nhà máy xi măng mang lại, xã đã báo cáo lên cấp trên và Sở tài nguyên môi trường đã về làm việc. Về việc tái định cư, hiện nay tỉnh đang đề xuất lên Bộ Tài nguyên và môi trường để có phương án cụ thể.

Phóng viên đã liên lạc với Ủy ban nhân dân huyện Đô Lương và ban giám đốc nhà máy xi măng Sông để tìm hiểu thêm thông tin nhưng đều bị từ chối với đủ lý do khác nhau.

Tác giả: Đằng Phong

Nguồn tin: khoe365.net.vn

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top