Nghệ An: Tiềm ẩn tai nạn giao thông từ việc biến lòng, lề đường thành nơi phơi lúa

20/05/2021 | 15:55:11

“Đến hẹn lại lên” mỗi khi vào mùa thu hoạch, nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An lại diễn ra tình trạng người dân lấn chiếm lòng lề đường để phơi lúa. Việc này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Theo ghi nhận của P/V, trên tuyến Quốc lộ 46 đoạn qua các huyện của Nghệ An như: huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương… nhiều hộ dân sống ven đường sau khi thu hoạch lúa đã tự lấn chiếm lòng, lề đường để phơi. Nhiều đoạn, việc phơi lúa, rơm rạ kéo đoạn dài đã gây rất nhiều khó khăn cho các phương tiện giao thông đang lưu thông trên đường.

Không chỉ tự ý chiếm dụng lòng đường, lề đường để phơi thóc, một số hộ dân còn đặt các vật cản như: gạch, đá, khúc cây… để ngăn các phương tiện cán qua nông sản. Nguy hiểm hơn, nhiều hộ dân còn bó lúa thành cục rồi đem ra lề đường để cho xe cán qua đỡ phải đem về nhà tuốt.

Có thể thấy, việc phơi lúa, rơm rạ không những gây mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông mà còn là “thủ phạm” khiến nhiều ô tô của người dân bị cháy do rơm quấn vào.

Nhiều hộ dân bó lúa thành cục rồi đem ra lề đường để cho xe cán qua đỡ phải đem về nhà tuốt trên Quốc lộ 46

Theo lý giải của một số hộ dân thì việc sử dụng lòng lề đường làm sân phơi lúa, rơm rạ là do không có chỗ phơi hoặc chỗ phơi hẹp, sợ trời mưa phơi không kịp nắng nên chuyển ra lề đường phơi cho nhanh…

Được biết, tình trạng này không chỉ diễn ra ở Quốc lộ 46 qua các huyện trên mà còn diễn ra ở nhiều tuyến Tỉnh lộ, Huyện lộ ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Chính quyền các địa phương cần có biện pháp quyết liệt để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Người tham gia giao thông gặp tai nạn khi người dân phơi thóc trên lề đường Quốc lộ 46 (ảnh: CA huyện Thanh Chương)

Trước đó, Công an huyện Thanh Chương cũng đã ra thông báo đề nghị người dân cần nêu cao ý thức, tôn trọng pháp luật, không chiếm dụng lòng, lề đường phơi, đốt rơm rạ, phơi thóc lúa, để máy tuốt gây cản trở giao thông để bảo vệ an toàn cho chính mình và những người xung quanh.

Phơi rơm rạ cũng là “thủ phạm” gây ra nhiều vụ cháy ôtô do bị quấn vào gầm xe (ảnh: CA huyện Thanh Chương)

Theo quy định tại Ðiểm b, Khoản 1, Ðiều 12, Nghị định số 100/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ, hành vi “Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ” sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức vi phạm.

Trường hợp làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng sẽ bị xử lý theo Điều 261 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội cản trở giao thông đường bộ.

Theo Lê Việt/antt.nguoiduatin.vn

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top