“Nhiều lãnh đạo tỉnh có doanh nghiệp sân sau”: Điểm nóng BĐS

11/05/2018 | 16:25:46

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, nhiều doanh nghiệp giàu lên từ kinh doanh bất động sản, mà kinh doanh bất động sản thì gắn liền với mối quan hệ.

Góp ý cho đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ mà Hội nghị Trung ương 7 đang thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng đã chỉ thẳng một thực tế: nhiều lãnh đạo tỉnh có cả doanh nghiệp sân sau đặt trụ sở ngay tại nhà mình, không nghĩ phát triển cho tỉnh mà chỉ nghĩ đi xin Trung ương, được dự án nào thì nghĩ cách tạo lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm, ủng hộ tùy tiện nhà thầu này, nhà thầu kia…

Trao đổi với Đất Việt, nhiều ý kiến đều chia sẻ với phát biểu của Bộ trưởng Bộ KHĐT về thực tế này.

TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết, ngay chữ “sân sau” đã có biểu hiện không lành mạnh. Đó là những doanh nghiệp đứng sau những người có chức có quyền để làm kinh tế gia đình, họ hàng, anh em…, hỗ trợ cho mặt trước của họ, nhằm kiếm lợi cá nhân.

Doanh nghiệp sân sau được ưu tiên một cách vô lối, bất hợp pháp về tiền vốn, vật tư, điều kiện làm ăn… dẫn tới sự không công bằng, cạnh tranh không lành mạnh, làm cho kinh doanh bị rối loạn, không theo luật phọa.

“Ở Việt Nam, các mối quan hệ thân hữu rất nặng nề, nhất là khi chúng ta đi sâu vào kinh tế thị trường, mặt trái của kinh tế thị trường xuất hiện. Nó thể hiện qua cơ chế xin-cho giữa khu vực nhà nước với khối tư nhân và chính những doanh nghiệp sân sau hay doanh nghiệp thân hữu tạo ra những bè nhóm, lợi ích riêng, tạo ra hẩu cánh.

Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến công tác cán bộ, chọn nhân tài. Người ta sẽ chỉ chọn hẩu cánh, chọn người không có trình độ hoặc người chia chác lợi ích với mình.

Điều đó vô cùng nguy hại và gây phức tạp trong việc sử dụng, bố trí cán bộ, nhất là khi người có doanh nghiệp sân sau lại nắm quyền hành, vị trí cao trong xã hội”, TS Cao Sĩ Kiêm phân tích.

Tình trạng một số doanh nghiệp có quan hệ thân hữu với các quan chức ngày càng phổ biến

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, cho đến nay chưa có con số thống kê chính xác về số doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp thân hữu. Nhưng một hiện tượng ông thấy rõ nhất hiện nay, đó là nhiều doanh nghiệp giàu lên không phải từ sản xuất kinh doanh hay có những sáng kiến, sản phẩm gì độc đáo mà giàu lên từ kinh doanh bất động sản, mà kinh doanh bất động sản thì gắn liền với mối quan hệ.

“Người ta vẫn nói doanh nghiệp bất động sản giàu từ mối quan hệ chứ không phải giàu nhờ tài năng. Khi một dự án được duyệt với ưu đãi nào đó, tự nhiên doanh nghiệp đó sẽ có một khoản lợi nhuận kếch xù. Khu đất nào tốt nhất, “thơm” nhất thì đều dành cho họ, thậm chí có trường hợp o ép người dân dẫn đến khiếu kiện thường xuyên, kéo dài.

Tình trạng này, thời gian qua dư luận vẫn râm ran chỗ này chỗ kia. Đó là thực trạng có thật.

Với Hội nghị Trung ương 7 lần này, tôi hy vọng tình trạng doanh nghiệp thân hữu sẽ được làm mạnh hơn, xử lý rốt ráo hơn bởi còn để tình trạng này thì môi trường kinh doanh sẽ bị méo mó, sai lệch và thiếu minh bạch. Doanh nghiệp sẽ chỉ tập trung xây dựng mối quan hệ hơn là tạo ra sản phẩm cho xã hội, như thế không có ích gì cho xã hội”, ông Phạm Ngọc Hưng phân tích.

Để xử lý tình trạng này, theo ông Phạm Ngọc Hưng, doanh nghiệp nhắm vào mối quan hệ thân hữu để làm giàu thì việc đầu tiên cũng phải xử lý mối quan hệ đó.

“Đó chủ yếu là mối quan hệ với các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt cơ quan quản lý đất đai. Chính vì thế, phải làm trong sạch những đơn vị này, minh bạch về giao đất, cấp đất, định giá đất…

Doanh nghiệp đương nhiên muốn kiếm lời cho mình, nhưng giả sử các cơ quan quản lý Nhà nước, những người quản lý đất đai nghiêm túc, đàng hoàng, trong sáng thì doanh nghiệp không lợi dụng được.

Vì lẽ đó, cần sự quyết tâm, cứng rắn từ những người đứng đầu cơ quan công quyền”, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM chỉ rõ.

Bổ sung thêm, TS Cao Sĩ Kiêm nhấn mạnh, tình trạng doanh nghiệp thân hữu không phải không xử lý được, chỉ là do không làm nghiêm, không phát hiện hoặc phát hiện nhưng không xử lý khiến tình trạng bè phái, cục bộ, thân quen lấn át, chèn ép.

Vì thế, muốn xử lý tình trạng trên, theo ông Kiêm, về luật lệ, cơ chế, phải làm công khai, minh bạch, tạo ra sự công bằng.

Phải kiểm tra, kiểm soát thường xuyên các cấp, các ngành, đơn vị để phát hiện những biểu hiện tiêu cực, đưa ra xã hội giám sát và để pháp luật xử lý ngay.

Phải nâng vai trò giám sát, bảo vệ quyền lợi của người dân và hoạt động của các đoàn thể, tạo sức mạnh tổng hợp.

“Quan hệ thân hữu biểu hiện trên nhiều lĩnh vực: từ cung cấp vật tư, nguyên liệu đến điều kiện cho nhà sản xuất, bố trí chọn lựa cán bộ.. Khi làm nghiêm những vấn đề này thì các hiện tượng trên sẽ bị ngăn chặn.

Bên cạnh yêu cầu người đứng đầu phải làm nghiêm thì kỷ cương, kỷ luật cũng phải được thực hiện nghiêm túc, cả một tập thể, xã hội tạo thành áp lực, kể cả khâu bố trí tổ chức, xây dựng luật lệ, điều hành quản lý, xử lý kỷ luật…, tất cả tiến hành đồng bộ thì sẽ hạn chế được tình trạng doanh nghiệp thân hữu”, nguyên Thống đốc NHNN bày tỏ.

Tác giả: Thành Luân

Nguồn tin: Báo Đất Việt

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top