Ông Đinh La Thăng bị đề nghị kỷ luật: Nguyên Phó Ban Tổ chức TƯ lên tiếng

28/04/2017 | 14:49:46

Chia sẻ với VietNamNet về thông tin đề nghị kỷ luật ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM, nguyên Phó Ban Tổ chức TƯ Nguyễn Đình Hương nói “rất hoan nghênh kết luận của UB Kiểm tra TƯ”.

Trước đó, tôi đã gặp Chủ nhiệm UB Kiểm tra TƯ Trần Quốc Vượng, ông cho biết Ban Bí thư giao cho UB Kiểm tra TƯ 7 tháng liền mới làm được vụ này chứ không phải dễ”, ông Hương kể.

Nguyên Phó Ban Tổ chức TƯ cho biết ông biết đã cảnh báo ông Đinh La Thăng cách đây hơn 5 năm và tỏ ý không đồng tình với cách điều hành quản lý doanh nghiệp của ông Thăng.

Nguyên Phó Ban Tổ chức TƯ Nguyễn Đình Hương. Ảnh: Đoàn Bổng

“Mình làm dầu khí thì chỉ làm dầu khí thôi. Khi tôi cảnh báo, cậu ấy (ông Thăng -PV) thanh minh ‘sẽ trình bày phương án đa năng của cháu’. Tôi là tôi không đồng tình”, ông Hương nói.

Theo ông Hương, lỗi của ông Đinh La Thăng đã thể hiện rõ trong kết luận của UB Kiểm tra TƯ và có thể tóm gọn 3 lỗi lớn.

Một là làm thất thoát lớn tài sản của Đảng và Nhà nước.

Thứ 2, ông Đinh La Thăng vi phạm pháp luật, ký kết các hợp đồng không căn cứ vào các quy định của luật pháp mà thực hiện bừa bãi. Bây giờ hàng loạt dự án để đắp chiếu nằm đấy.

Thứ 3, ông Đinh La Thăng có quan hệ rất chặt với Trịnh Xuân Thanh, người đã trót lọt qua 5 cửa ải để trở thành Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang: cửa ải Dầu khí, cửa ải Ban Tổ chức TƯ, cửa Bộ Công thương, cửa Bộ Nội vụ, thứ 5 là cửa Hậu Giang.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng. Ảnh: Phạm Hải

Ông Đinh La Thăng còn liên quan đến ông Vũ Đức Thuận cũng là người ở Dầu khí, khi ông Thăng lên Bộ trưởng GTVT đã đưa Thuận lên làm chánh văn phòng. Khi ông Thăng vào làm Bí thư TP.HCM lại muốn đưa Thuận vào làm trợ lý nhưng Ban Bí thư không đồng ý. Hiện ông Thuận đã bị bắt giữ.

Đã có nhiều lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật

Lâu nay dư luận vẫn có suy nghĩ rằng luôn có 1 vùng cấm trong xử lý kỷ luật đối với các lãnh đạo cấp cao. Việc UB Kiểm tra TƯ đề nghị xử lý kỷ luật ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng có phải là vô tiền khoáng hậu?

Trong hơn 60 năm làm công tác tổ chức, tôi đã chứng kiến nhiều vụ. Từng có 3 ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật, trong đó 1 người bị khiển trách, 2 người bị cách chức.

Ủy viên TƯ Vũ Ngọc Hải, là Bộ trưởng khi làm đường dây 500 KV, ông có lỗi về việc ‘chấm mút’ mấy tấn gang thép và bị tù 3 năm.

Ông Mười Vân, Bí thư Đồng Nai, khi xảy ra vụ giám đốc Công an tỉnh lấy vàng của người dân vượt biên, ông Mười Vân bị đi tù 3 năm án treo và khai trừ khỏi Đảng.

Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc do liên quan đến dự án Thủy cung Thăng Long, Bộ Chính trị quyết định cho mất chức Phó Thủ tướng dù chưa gây ra mất mát gì.

Ông Lê Huy Ngọ trong vụ án Lã Thị Kim Oanh cũng mất chức Bộ trưởng.

Gần đây là Vũ Huy Hoàng, lỗi lớn nhất là đưa Trịnh Xuân Thanh từ Dầu khí lên làm Chánh văn phòng Bộ Công thương rồi ký quyết định cho vào Hậu Giang. Ông Hoàng đã bị kỷ luật.

Nhưng không ít ý kiến cho rằng, ông Đinh La Thăng là người “có ăn có làm”. Nhất là từ khi làm Bí thư Thành ủy TP.HCM đến nay, ông Thăng đã có nhiều phát ngôn và hành động khá ấn tượng, được lòng dân. Khi làm Bộ trưởng GTVT ông cũng có nhiều hành động mà xưa nay ít ai dám làm như việc “trảm tướng” ở một số cơ quan do ông quản lý. Vậy theo ông việc luận công – tội đối với ông Thăng như thế nào là hợp tình hợp lý?

Tôi cho rằng chỉ trừ anh phản bội Tổ quốc, còn con người ta bao giờ cũng có ưu có khuyết, đã là cán bộ bao giờ cũng có ưu có khuyết.

Nói đến Đinh La Thăng không phải không có ưu điểm. Con người võ biền, táo bạo, mạnh dạn, quyết đoán nhưng mà cũng là con người làm nhiều việc sai lầm lớn.

Ngay như ông Trần Xuân Bách là một người giỏi lắm chứ. Ông mới chỉ đưa ra thuyết đa nguyên, không phải đa đảng, mà đã bị cách chức.

Với ông Đinh La Thăng giữa công và tội thì tội nhiều hơn công chứ không phải công nhiều hơn tội.

Bài học lớn cho Đảng về công tác cán bộ

Đã từng có trường hợp UB Kiểm tra TƯ đã đề nghị xử lý kỷ luật 1 ủy viên Bộ Chính trị nhưng khi ra TƯ tình thế lại đảo ngược. Nhiều ý kiến cho rằng có khả năng lịch sử lặp lại?

Tôi cho là nếu ủy viên TƯ là ủy viên TƯ thật, một lòng vì Đảng vì dân, vì sự nghiệp của cách mạng thì sẽ không có chuyện đó.

Cũng như Trịnh Xuân Thanh lọt được qua 5 cửa ải: cửa ải thứ nhất là cửa ải dầu khí, thứ 2 là cửa Ban Tổ chức TƯ, thứ 3 là cửa Bộ Công thương, thứ 4 là Bộ Nội vụ phong anh hùng, thứ 5 là cửa Hậu Giang.

Vì sao có người như Trịnh Xuân Thanh không trúng Đảng ủy mà trúng tỉnh ủy, trúng QH, thật là kỳ lạ. Cuộc “chạy” này tốn tiền lắm, không phải tiền polymer mà là tiền đô.

Tôi cũng đã nói với đồng chí Tổng bí thư không nên nhẹ trên, nặng dưới như lâu nay có câu “đánh từ vai đánh xuống”.

Trường hợp của ủy viên Bộ Chính trị lần trước là vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng lần này khó đảo ngược được tình thế khi mà UB Kiểm tra đã công bố công khai kết luận như vậy.

Trước vụ việc của ông Đinh La Thăng bị đề nghị xử lý kỷ luật như vậy, theo ông, công tác nhân sự cấp cao của Đảng trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng đến như thế nào?

Đây là một bài học rất lớn cho Đảng ta về công tác cán bộ. Câu hỏi này khiến tôi lại quan tâm đến đại hội 13. Tôi sẽ đặt vấn đề đại hội 13 ai sẽ làm Tổng bí thư, ai sẽ làm Thủ tướng.

Nếu Tổng bí thư mà không chuẩn, không sáng thì đất nước sẽ gặp khó khăn. Nếu Thủ tướng mà không giỏi thì đất nước sẽ lụi bại, tụt hậu.

Tôi thấm thía lắm rồi. Lịch sử từ Đại hội 3 đến giờ cho thấy được vai trò của Tổng Bí thư, Thủ tướng quan trọng như thế nào.

Tác giả bài viết: Thu Hằng

Nguồn tin:

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top