Tài liệu “Tuyệt đối bí mật” của Bác được công bố ra sao?

02/09/2019 | 23:52:27
Tài liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu
Vì không muốn nhiều người biết việc làm của người “sắp đi xa”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết dòng chữ “Tuyệt đối bí mật” trên bản tài liệu này.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết từ năm 1965 đến 1969, Bác đề trên bản tài liệu là “Tuyệt đối bí mật”. Theo ông Vũ Kỳ – người thư ký chứng kiến quá trình viết Di chúc của Bác – việc để hàng chữ “Tuyệt đối bí mật” vì Bác không muốn nhiều người biết việc làm của một người “sắp đi xa”, ngại dẫn đến những suy nghĩ không có lợi.

Công bố Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Di chúc gồm ba trang do chính Người đánh máy, ở cuối đề ngày 15/5/1965. Bản Di chúc hoàn chỉnh, có chữ ký của ông Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng hồi bấy giờ. Năm 1968, Bác bổ sung một số đoạn, gồm 6 trang viết tay. Ngày 10/5/1969, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc gồm một trang viết tay.

Toàn văn gốc tài liệu “Tuyệt đối bí mật” hay còn gọi Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Ngay chiều 3/9/1969, Bộ Chính trị triệu tập Hội nghị bất thường Ban chấp hành Trung ương Đảng để bàn và quyết định việc tổ chức lễ Quốc tang, đồng thời quyết định công bố Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 9/9/1969, bản Di chúc được Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng công bố tại lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng trường Ba Đình. NXB Sự thật được Bộ Chính trị giao xuất bản Di chúc của Người thành sách với số lượng lớn, trình bày trang trọng, in bằng công nghệ hiện đại nhất thời kỳ đó.
Kỷ niệm 20 năm công bố Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo Nhân dân số ra ngày 1/9/1989 có nhiều bài viết về chủ đề này như: Xã luận “Kiên trì mục tiêu xã hội chủ nghĩa, tiếp bước con đường mà Bác Hồ đã lựa chọn”, “Một văn kiện có giá trị lịch sử to lớn”…
Trong đó, báo đăng tải thông báo của Bộ Chính trị về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, do Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ký. Cụ thể, bản Di chúc công bố tại Lễ truy điệu dựa trên bản Bác viết năm 1965, một số đoạn được bổ sung hoặc thay thế bằng những đoạn tương ứng Bác viết năm 1968 và năm 1969.

Cơ cấu của bản Di chúc đã được công bố như sau:

Đoạn mở đầu, lấy nguyên văn toàn bộ đoạn mở đầu Bác viết năm 1969, thay cho đoạn mở đầu Bác viết năm 1965. Bút tích của Bác về đoạn này được chụp lại và công bố đầy đủ năm 1969.
Phần giữa, từ đoạn nói về Đảng đến hết đoạn nói về phong trào cộng sản thế giới là nguyên văn bản Bác viết năm 1965.
Đoạn “Về việc riêng”, năm 1965 Bác dặn dò việc tang và viết về hỏa táng, dặn để một phần tro xương cho miền Nam; năm 1968 Bác viết lại đoạn này dặn để tro vào ba hộp sành, cho Bắc, Trung, Nam mỗi miền một hộp.
Ngoài ra, Bác còn viết bổ sung một đoạn nói về cuộc đời mình như sau: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay, dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Đoạn cuối, từ chữ “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu…” cho đến hết là nguyên văn đoạn Bác viết năm 1965. Trong hai lần viết thêm và sửa, Bác không chỉnh lại đoạn này.
Trong bản Di chúc đã công bố năm 1969, các đoạn đều lấy nguyên văn bản gốc, chỉ có một câu có sửa lại. Bản năm 1965 Bác viết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài mấy năm nữa”, còn bản công bố sửa lại là: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài”.
Về chi tiết này, trong cuốn Xây dựng đất nước phồn vinh theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, PGS. TS. Bùi Đình Phong cho rằng cụm từ “mấy năm nữa” mà Bác viết ở thời điểm tháng 5/1965 là điều “kỳ lạ biết bao. “Ngoài Hồ Chí Minh, không ai có được bản lĩnh và dự báo thiên tài đến như vậy”, ông viết.
Ngọn đuốc soi đường cho dân tộc

Thông báo của Bộ Chính trị năm 1989 cũng giải thích việc chọn bản Di chúc Bác viết năm 1965 để công bố chính thức là đúng đắn, vì đây là bản duy nhất được viết hoàn chỉnh, có chữ ký của bác và có chữ ký chứng kiến của Bí thư Lê Duẩn.

Trang nhất báo Nhân dân đăng thông báo năm 1989 về việc công bố Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Việc lấy đoạn mở đầu năm 1969 thay cho mở đầu năm 1965 là hợp lý vì nội dung bản 1969 phong phú hơn.
Trong thông báo của Bộ Chính trị về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1989 cũng giải thích khi Bác mất, cuộc kháng chiến còn đang diễn ra rất khó khăn, ác liệt, vì vậy Bộ Chính trị đã quyết định sửa lại mấy chữ trong câu “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa” thành “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài”.
Về việc riêng, bổ sung thêm phần Bác viết năm 1968 vào bản 1965 là rất cần thiết, để phản ánh được cuộc đời đẹp đẽ, trong sáng, vì dân vì nước của Bác.
Trong bản thông báo có viết: “Sở dĩ trước đây chưa công bố đoạn Bác viết về yêu cầu hỏa táng là vì thể theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa III thấy cần thiết phải giữ gìn lâu dài thi hài của Bác để sau này đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam, bạn bè quốc tế có điều kiện tới viếng Bác, thể hiện tình cảm sâu đậm đối với Bác. Chính vì lẽ đó mà chúng ta đã xin phép Bác về điểm này được làm khác với lời Bác dặn”.
Hai bản sách Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh do NXB Trẻ phát hành.
Hiện nay, toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố rộng rãi qua nhiều ấn bản trang trọng. Nửa thế kỷ trôi qua, những lời căn dặn của Người vẫn còn vẹn nguyên giá trị.
.

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top