Thu hồi đất rừng ở xã Thanh Sơn – Thanh Chương : O ÉP DÂN

26/05/2018 | 10:22:07
Dân bản tái định cư tại xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương không giấu nổi bức xúc khi đất trồng keo của họ được phát xẻ 10 năm nay bỗng dưng bị Ban quản lí rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện thu rồi cấp cho người khác.

Dân bản Đại Sơn bộc bạch nhiều bức xúc – Ảnh: Vũ Toàn

Xã Thanh Sơn có 16 bản tái định cư gồm 5.200 người dân là đồng bào các dân tộc Thái, Khơ Mú, Ơ Đu… di dời từ lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương năm 2006. Đến thời điểm này hầu hết các hộ dân chưa được cấp đủ diện tích đất sản xuất theo quy định. Riêng số đất đã được cấp là đất “da báo” (đủ dạng đất tốt, xấu, đèo dốc, khe suối), trong đó diện tích đất màu bên khe suối đã bị lũ lụt hàng năm cuốn trôi. Do thiếu đất canh tác nên từ năm 2006, nhiều hộ dân phát xẻ rừng tạp để trồng keo, trồng sắn kiếm thêm thu nhập thay vì phải đi làm thuê khắp nơi. Mãi tới năm 2017, BQLRPH huyện Thanh Chương không cho những hộ dân này trồng keo, trồng sắn và tìm mọi cách để thu hồi đất vì đây là đất rừng phòng hộ (điều mà người dân bây giờ mới biết). Để thu hồi số đất này, cán bộ BQLRPH còn tịch thu keo giống hoặc ép dân bản bán keo non nhưng mức hỗ trợ không được người dân thỏa thuận…

Đủ kiểu o ép
Chúng tôi làm việc với bà Lô Thị Pòm, trưởng bản Kim Hạnh, xã Thanh Sơn được khoảng 10 phút thì dân bản kéo đến chật nhà. Người cầm đơn, người bộc bạch bức xúc.
Ông Lay Văn Hải cho biết, tiêu chuẩn đất sản xuất được chia ở bản mới là 3.000m2/khẩu nhưng đến nay mới chỉ được 2.5000m2/khẩu. Năm 2006, ông phát xẻ cây tạp ở Khe Đắng được 2 ha để trồng sắn và 7.000 cây keo. Sau 5 năm (2011) ông bán keo được 18 triệu đồng. Năm 2017, ông thu hoạch đợt hai xong, chuẩn bị trồng keo tiếp thì ông Lê Văn Thượng (Trạm Trưởng quản lý, bảo vệ rừng Khe Trơn thuộc BQLRPH huyện Thanh Chương) đến nói “đây là đất rừng phòng hộ, không được làm, nếu làm là thu dao, thu cuốc”. Cũng năm 2017, trước khi thu đất, ông Thượng đã tịch thu 2.000 cây keo giống của ông Hải nhưng không bồi thường gì.
Năm 2012, ông Lương Văn Hạnh phát xẻ được 1,5 ha ở vùng Hòn Đá Dưng, trồng 3.000 cây keo. Sau 5 năm (2017), ông Hạnh “cắt” keo để bán nhưng ông Thượng giữ lại, không cho bán. Ông Thượng giao kèo, khi nào ông Hạnh kí vào bản cam kết trả đất thì mới được bán keo. Ngay sau đó ông Hạnh kí thì ông Thượng cho bán keo, thu hồi đất và chỉ trả ông Hạnh 2 triệu đồng tiền phát xẻ 1,5 ha.
Vợ chồng ông Lô Văn Lạn (chồng câm, vợ điếc) phát xẻ được 1 ha từ năm 2008. Năm 2013, ông Thượng đến thu đất nhưng không hỗ trợ gì.

Ông Lô Văn Lạn (bị câm) ở bản Kim Hạnh chỉ vùng đất của mình bị BQLRPH thu giao cho người khác trồng keo

Theo bà Pòm, bản Kim Hạnh có 98 hộ thì 40 hộ phát xẻ cây tạp để trồng keo. Nay đất trồng keo đã bị thu hồi. Bà cũng bức xúc như dân bản: “Người của BQLRPH thu đất của dân bản Kim Hạnh rồi trồng keo luôn hoặc cho người khác ngoài bản trồng. Vì sao không cấp đất cho dân tái định cư làm ăn để họ khỏi phải bỏ bản sang Lào làm thuê. Các hộ bị thu đất đều kêu lên xã, huyện nhưng chưa có ai giải quyết”.

Tại bản Kim Chương khi chúng tôi đang hỏi chuyện ông Lô Hà Tĩnh (hội trưởng Hội Cựu chiến binh của bản) thì người dân từ các khu 61, 62, 63 lần lượt đến. Ông Lương Văn Nguyên cho biết có 2 ha keo đang mùa thu hoạch nhưng ba cán bộ BQLRPH gồm ông Tuệ, ông Thanh, ông Quyết đến không cho “cắt” keo. “Họ bảo nếu nạp tiền thì sẽ cho hạ keo. Dân bản thấy vô lí nên không chịu. Hiện vụ việc đang dừng lại”, ông Nguyên nói.
Ông Lương Văn Hải giãi bày: “Gia đình tôi phát cây tạp trồng keo từ năm 2010 vì sao BQLRPH không cho biết đó là đất rừng phòng hộ và ngăn cản. Mãi đến năm 2017 khi thấy dân bản làm ăn được thì đến thu đất. 1 ha keo hai năm tuổi của tôi họ chỉ trả tiền giống keo là 1,6 triệu đồng trong khi giá thị trường của keo hai năm tuổi là 10 triệu đồng/ha. Keo 3-4 năm tuổi họ chỉ trả 5 triệu đồng/ha trong khi giá thị trường là 18 triệu đồng/ha.
Bản Đại Sơn có diện tích đất bị thu hồi lớn nhất trong 16 bản của xã Thanh Sơn (149 ha). Quá trình thu hồi đất ở đây đã xảy ra những o ép bất thường. Ông Vi Quang Tường, Bí thư Chi bộ bản cho biết: “Nếu hộ nào có keo dưới hai năm tuổi thì bắt buộc phải trả. Thu rồi họ giao đất và keo cho người khác không thuộc bản này. Thậm chí ông Quyết là cán bộ Trạm quản lí, bảo vệ rừng Khe Lý thuộc bản Kim Chương cũng được giao đất ở đây”.
Còn ông Vi Văn May nêu một dẫn chứng hi hữu: “Gia đình tôi có 2 ha keo một năm tuổi nhưng cán bộ BQLRPH đến bắt tôi kí vào bản cam kết trả đất. Hôm đó tôi đang chở vợ đi bệnh viện thì họ đến nhà ép con tôi mới 13 tuổi kí thay”.
Nhóm lợi ích là ai?
Thêm một lí do khiến dân bản bức xúc là BQLRPH thu đất của họ nhưng lại giao cho cán bộ của BQLRPH và một số cán bộ xã.
Tại bản Đại Sơn, BQLRPH thu đất xong thì giao ngay cho cho cán bộ của BQLRPH với hỗ trợ thấp thua với giá thị trường nên người dân không chấp thuận. Ngoài ra, ông Vi Đình Tân, Chủ tịch HĐND xã Thanh Sơn được giao 1,8 ha. Chi ủy của bản gồm bí thư, trưởng bản, phó bản kiêm công an và một chi ủy viên khác cũng được giao mỗi người hơn một ha.
Tại bản Kim Hạnh, số đất thu lại cũng được chia cho cán bộ của BQLRPH. Ngoài ra sẽ giao cho ông Lê Đình Hùng, cán bộ địa chính xã Thanh Sơn 3 ha.

Toàn cảnh cuộc họp khẩn do UBND huyện Thanh Chương tổ chức

Trao đổi những bức xúc của dân bản với ông Lê Phùng Thiều, Trưởng BQLRPH Thanh Chương, chúng tôi nêu câu hỏi: Vì sao dân bản phát xẻ cây tạp để trồng keo đã 10 năm nhưng mãi đến năm 2017 BQLRPH mới thu hồi đất. Ông Thiều phân trần: “Tôi về đây năm 2014, khi đó ranh giới rừng sản xuất và rừng phòng hộ chưa rõ ràng và không biết dân đã lấn chiếm đất rừng phòng hộ”.

Chúng tôi nêu tiếp câu hỏi, vì sao BQLRPH lại thu đất do dân phát xẻ rồi giao cho cán bộ BQLRPH và một số cán bộ xã? Ông Thiều lí giải: “Hiện có 402 ha thuộc diện thu hồi, trong đó 164 ha đã thu hồi. BQLRPH đã giao 35 ha cho bản Đại Sơn (mỗi hộ chỉ được 0,5 ha). 129 ha còn lại giao cho 23 cán bộ hợp đồng của BQLRPH theo Quyết định 44 của Thủ tướng Chính phủ, bình quân một người 5,5 ha (trước đó, 16 người khác của BQLRPH đã được giao 165 ha, riêng ông Thượng 28,5 ha, bình quân một người 10 ha). Theo ông Thiều, lí do giao cho 23 cán bộ hợp đồng là do họ không có bất kì một khoản thu nào. Nếu không giao cho thì họ không bảo vệ được rừng”. Chúng tôi dẫn điểm C Điều 4 Quyết định 44 này với nội dung “ưu tiên đối với người là đồng bào dân tộc thiểu số và người dân sinh sống tại địa bàn…” để trao đổi với ông Thiều rằng, chính dân bản bị thu hồi đất là đối tượng được ưu tiên giao đất chứ không phải người của BQLRPH và một số cán bộ xã. Ông Thiều nói: “Việc giao đất cho chủ tịch HĐND xã là do xã giới thiệu. Còn về thông tin trưởng ban địa chính được giao 3 ha thì chúng tôi chưa cấp sổ lâm bạ. Chúng tôi sẽ kiểm tra và loại bỏ. Riêng việc cán bộ BQLRPH dùng đủ cách để o ép dân bản trả lại đất và việc hỗ trợ của người được cấp đất không được người bị thu hồi đất chấp thuận thì chúng tôi sẽ xem xét lại”.
Cuộc họp khẩn
Khi chúng tôi vừa ở bản ra thì chiều cùng ngày UBND huyện Thanh Chương tổ chức cuộc họp khẩn tại UBND xã Thanh Sơn. Tại đây, sau khi nghe lãnh đạo xã yêu cầu giải quyết bức xúc của dân bản và BQLRPH giải trình về việc thu hồi đất, ông Lê Đình Thanh – Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương nêu quan điểm của huyện như sau: “Dân bản là người dân tộc thiểu số tái định cư phải được quan tâm, ưu tiên hàng đầu trong việc giao đất rừng phòng hộ. Kinh nghiệm trồng keo hơn 10 năm nay là một lợi thế để họ trồng và bảo vệ rừng tốt nhất. Riêng việc hai cán bộ xã cũng được giao đất bây giờ tôi mới biết. Huyện sẽ có công văn chỉ đạo việc BQLRPH thu hồi đất do dân phát xẻ thì giao lại cho dân, ngoài ra không giao cho ai khác”.
Tác Giả : Vũ Toàn /  Nguồn : Báo Lao Động Nghệ An

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top