Tín dụng đen – Đủ chiêu khủng bố công nhân ở các khu công nghiệp

12/09/2022 | 08:06:52

Nạn tín dụng đen lâu nay vẫn ‘bủa vây’ công nhân tại các khu công nghiệp. Các đối tượng đánh vào tâm lý cần tiền gấp, lâm cảnh túng quẫn…

Sau khi “khủng bố” điện thoại với công nhân lao động và lãnh đạo doanh nghiệp, nhóm người “tín dụng đen” còn đủ chiêu trò quấy rối đến gia đình, người thân… gây ra sự hoang mang lớn đối với nhiều công nhân trong các khu công nghiệp.

Dễ dàng vay nợ

Công an tỉnh Nghệ An cho biết, trong hơn 3 năm qua đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố điều tra 121 vụ, 227 bị can về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; xử lý vi phạm hành chính 21 vụ, 23 đối tượng. Bắt, khởi tố 5 vụ, 6 bị can về các hành vi có liên quan đến tín dụng đen như cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật.

Đầy rẫy những quảng cáo cho vay được treo ngay trước cổng một công ty thuộc Khu công nghiệp Bắc Vinh.

Phản ánh với Báo Công Thương, anh N.V.N – công nhân Khu công nghiệp Vsip (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) cho biết, gia đình anh liên tục bị làm phiền bởi những cuộc gọi, tin nhắn… của những người lạ. Không chỉ vậy, hình ảnh của người thân trong gia đình còn bị đăng lên mạng xã hội.

Trước đó, vào khoảng tháng 4.2022, do có việc đột xuất, không xoay được tiền nên anh N. có vay một tổ chức tín dụng 12 triệu đồng. “Chỉ cần xuất trình chứng minh nhân dân là được làm thủ tục cho vay, tiền bắn ngay về tài khoản. Số nợ 12 triệu đồng trả trong 12 tháng, mỗi tháng trả 1.480.000 đồng”, anh N. cho hay.

Như vậy, với khoản vay 12 triệu đồng, anh N. phải trả lãi lên tới gần 5 triệu đồng. “Lỡ vay rồi cũng phải gắng mà trả thôi chứ mấy người bạn của tôi vay 30 triệu, đã trả được một thời gian nhưng sau đó mất khả năng thanh toán thì bị gọi điện khủng bố, dọa báo công an, gọi lên cả công ty nữa. “, anh Nam thông tin.

Số tiền vay tuy không lớn nhưng anh N. và cả gia đình anh bị làm phiền, quấy rối… từ hàng trăm số điện thoại lạ trong vòng hơn 1 tháng. Anh N. vô cùng bức xúc với những hành vi này. Nếu không phát hiện sớm, rất có khả năng số tiền “lãi mẹ đẻ lãi con” không biết lên đến bao nhiêu tiền.

Còn anh L. công nhân một công ty thuộc Khu công nghiệp Bắc Vinh (thành phố Vinh, Nghệ An) còn khốn khổ hơn bởi khoản vay 5 triệu đồng đã trả hết từ năm ngoái nhưng không biết trục trặc ở khâu nào mà bên cho vay cứ khăng khăng là chưa thanh toán đủ và yêu cầu trả tiếp.

“Rất nhiều cuộc gọi điện đến, xưng là ở công ty được tổ chức tín dụng ủy quyền thu hồi nợ, yêu cầu phải thanh toán 7 triệu, tôi không đồng ý. Họ vào Facebook lấy ảnh vợ chồng tôi, ảnh con, bố mẹ ở quê ghép thành một tờ thông báo đòi nợ, bảo tôi cờ bạc, ma túy rồi quỵt nợ gửi đi khắp nơi, nếu không trả thì sẽ báo công an tội lừa đảo, gọi lên lãnh đạo công ty…” – anh L. bức xúc nói.

Thấy ảnh cả gia đình bị gửi đi khắp nơi, chị T.- vợ anh L. bị sốc nặng, hoảng, khóc ầm ĩ. Rồi điện thoại của hai vợ chồng bị khủng bố suốt ngày, đe dọa bằng những từ ngữ độc địa, khó nghe. Không đòi được 7 triệu, phía đòi nợ hạ xuống 5 triệu rồi 3 triệu. Cuối cùng, để êm xuôi mọi chuyện, gia đình anh chị trả cho họ 2 triệu. Thế nhưng, mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, một tháng trước đây, gia đình anh L. tiếp tục bị khủng bố đòi nợ. Lần này anh L. kiên quyết không trả, hẹn đến trụ sở công an để làm sự việc thì mọi chuyện mới tạm lắng xuống.

Người lao động cần tỉnh táo

Không cần thủ tục rườm rà, không tài sản thế chấp, công nhân có thể vay từ vài triệu đến cả chục triệu đồng từ các tổ chức tín dụng đen nhưng rồi phải gánh lãi, chuốc bao nhiêu rắc rối.

Thực tế tại các khu công nghiệp ở Nghệ An cho thấy “tín dụng đen” như con bạch tuộc, chúng tung vòi ra nhiều nơi với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Qua nắm thông tin sơ bộ, “tín dụng đen” có mặt tại nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Vsip, khu công nghiệp Bắc Vinh…

Theo kinh nghiệm của lãnh đạo nhiều công đoàn cơ sở ở các Khu công nghiệp tại Nghệ An, những gì thấy được chỉ là phần nổi của tảng băng. Bởi công nhân lao động có thu nhập khá thấp nên khi gặp sự cố như, con ốm, vợ đau, tiền con đến kỳ học… họ rất cần có tiền để xoay sở. Nhưng các đối tượng này không dễ tiếp cận từ vốn vay của ngân hàng nên buộc lòng họ đến với “tín dụng đen”.

Quảng cáo cho vay không thế chấp, không giữ giấy tờ gốc, chỉ cần chứng minh nhân dân hoặc hộ khẩu dán chằng chịt ngoài khác KCN trên địa bàn tỉnh Nghệ An.


“Công nhân họ thường âm thầm giao dịch với các tổ chức này, chỉ đến khi mọi chuyện vỡ lở, bị ép đến “bước đường cùng” mới lên tiếng kêu cứu thì mọi chuyện đã quá muộn” – Chủ tịch công đoàn cơ sở một doanh nghiệp may mặc có vài ngàn công nhân lao động ở khu công nghiệp Bắc Vinh cho biết.

Để hạn chế tình trạng người lao động sa vào cạm bẫy tín dụng đen. Nhiều chuyên gia đã đưa ra các khuyên cáo như, công nhân cần hiểu biết về những nguy cơ, hiểm họa từ tín dụng đen. Bên cạnh đó người lao động cần điều chỉnh mức chi tiêu tương xứng với mức thu nhập.

Khi rơi vào tình thế buộc phải vay trên các ứng dụng, mỗi người cần phải kiểm tra thật kỹ ứng dụng cho vay có uy tín hay không? Hãy tìm đến tổ chức, doanh nghiệp cho vay có uy tín. Đặc biệt, người lao động cần hết sức lưu ý nếu lãi sất vay cao hơn 20%/năm theo lãi suất ngân hàng thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, trên thực tế tại hầu hết các khu vực đông công nhân thuê trọ ở các khu công nghiệp trên địa bàn Nghệ An, không khó bắt gặp những tờ rơi quảng cáo về các dịch vụ cho vay trả góp, cho vay nhanh… không cần thế chấp tài sản, không cần thẩm định, giải ngân nhanh, miễn phí làm hỗ sơ. Thậm chí, người vay có thể vay số tiền lên tới 100 triệu đồng với thủ tục được quảng cáo là đơn giản, nhanh gọn.

Số liệu từ Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An cho thấy nhu cầu vay vốn trong công nhân là rất lớn. Hiện có hơn 3.500 công nhân thuộc công đoàn các doanh nghiệp tại 16 huyện, thành, thị ở Nghệ An có nhu cầu vay vốn. Tuy nhiên, việc tiếp cận các nguồn vốn vay đối với công nhân lao động gặp nhiều khó khăn.

Cũng tại khảo sát này, tại 16 huyện của tỉnh Nghệ An có đến 3.547 công nhân lao động tại công đoàn các doanh nghiệp đang có các khoản vay. Trong đó, 2.771 người vay vốn tại ngân hàng, 199 người vay tại các tổ chức tín dụng đen, 577 người vay tại các tổ chức khác.

Việc triển khai gói hỗ trợ tín dụng 20.000 tỷ đồng của Chính phủ vừa qua có ý nghĩa rất lớn đối với công nhân lao động. Người lao động mong muốn sớm có thông tin cụ thể về số tiền được vay tối đa, tối thiểu, ưu đãi lãi suất, thời gian vay, hình thức trả lãi, trả gốc, đối tượng được vay, mục đích vay…

Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hậu quả của tín dụng đen, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An đang tăng cường tuyên truyền về gói tín dụng 20.000 tỷ của Chính phủ đến công nhân lao động – ông Nguyễn Chí Công – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An cho hay.

Có thể với quy mô từ nguồn vốn này, chưa thể giúp được nhiều công nhân lao động, nhưng cách làm chủ động, đầy tinh thần trách nhiệm và lòng nhân ái này sẽ gợi mở cho nhiều cách làm hay, thiết thực để trợ giúp người lao động trụ vững trước cơn lốc của “tín dụng đen”.

Theo Hoàng Trinh/Báo Công thương

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top