Toà án quân sự xét xử cựu Thượng tá Đinh Ngọc Hệ tức “Út trọc”

20/07/2018 | 21:37:06

Ông Đinh Ngọc Hệ (“Út Trọc” – nguyên phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn), bị quy buộc hai tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức”.

Phiên tòa xử ông Đinh Ngọc Hệ trong 4 ngày. Ảnh : Dân Trí
Phiên tòa xử ông Đinh Ngọc Hệ trong 4 ngày. Ảnh : Dân Trí

Bộ Công an khám xét nhà ông Vũ “nhôm” ở Đà Nẵng 

Bộ Quốc phòng đang điều tra vụ ‘Út trọc’

Mở rộng điều tra, khởi tố 4 bị can liên quan vụ ‘Út trọc’

Theo lịch xét xử, trong 4 ngày từ ngày 30/7 đến 1/8 tới, Toà án Quân sự Quân khu 7 sẽ xét xử Đinh Ngọc Hệ, Trần Văn Lâm – nguyên Tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn; Bùi Văn Tiệp – ngụ quận Tân Bình, TPHCM, Trần Xuân Sơn – nguyên Giám đốc chi nhánh tại Bình Dương, Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn cùng tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ông Đinh Ngọc Hệ còn bị xét xử thêm tội danh “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức”. Ông Phùng Danh Thắm (nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Thái Sơn) tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo buộc, Công ty cổ phần phát triển đầu tư (Cty CPPTĐT) Thái Sơn được thành lập theo đề xuất của ông Hệ theo mô hình Cty mẹ, con với Tổng công ty (TCT) Thái Sơn, vốn điều lệ 20 tỷ đồng.

Từ tháng 3/2013 đến khi bị bắt, ông Đinh Ngọc Hệ là người đại diện theo pháp luật và là Tổng giám đốc Cty CPPTĐT Thái Sơn.

Cuối năm 2012. Cty CPPTĐT Thái Sơn ký thuê đất của một đơn vị, rồi cho Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà (Cty Hải Hà) thuê lại kinh doanh xăng dầu.

Ông Hệ ký quyết định thành lập chi nhánh Cty CPPTĐT Thái Sơn tại Bình Dương, bổ nhiệm ông Trần Xuân Sơn làm giám đốc chi nhánh. Thực chất chi nhánh này là để xin cấp phép xây dựng, giấy phép kinh doanh xăng dầu giúp Cty Hải Hà.

Ngày 23/6/2014, Đội kiểm tra liên ngành của tỉnh Bình Dương lập biên bản vì có lượng xăng tồn kho không đạt tiêu chuẩn. Ông Hệ chỉ đạo ông Trần Văn Lâm làm văn bản giả mạo nhận hoạt động kinh doanh xăng dầu của cửa hàng chủ yếu phục vụ kinh tế ngành và hàng của đơn vị khác gửi lại, không phải xăng dầu đang kinh doanh, gửi cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương xin không bị xử phạt và đã được miễn xử phạt.

Từ năm 2011 đến 2016, ông Hệ đề nghị cho mua bằng vốn tự có và đăng ký sử dụng xe ô tô biển số quân sự, biển số xanh, trong đó có nhiều xe có giá trị lớn.

Khi được miễn nhiều tỷ đồng tiền thuế tước bạ và cho đăng ký xe, ông Hệ chỉ đạo Trần Văn Lâm ký các hợp đồng thế chấp các ô tô cho các tổ chức tín dụng để vay hoặc bảo lãnh vay tiền.

Ngoài ra, vào khoảng năm 2000, ông Hệ mua của một đối tượng không rõ lai lịch 1 bằng đại học. Trong quá trình công tác, ông Hệ đã nhiều lần sử dụng bằng giả này và các giấy tờ, tài liệu giả để khai hồ sơ cán bộ, đề nghị nâng lượng, bổ nhiệm…

Cơ quan chức năng cáo buộc, sai phạm từ sử dụng xe thế chấp, cho thuê, giao xe cho các đối tượng ngoài xã hội gây thất thu thuế tước bạ trên 3,1 tỷ đồng; Kinh doanh xăng dầu kém chất lượng, tránh bị xử phạt, gây thất thu ngân sách trên 1,4 tỷ đồng. Bằng đại học giả ‘giúp’ ông Hệ thăng tiến trong suốt sự nghiệp.

Theo Báo Tiền Phong

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top