Trạm Giống chăn nuôi huyện Yên Thành (Nghệ An): Cấp giống kém chất lượng… dê chết không chịu bồi thường !

30/07/2019 | 11:05:54

Chỉ trong vòng 1 tháng, kể từ khi biên bản giao nhận con giống dê sinh sản cho các hộ dân tham gia Dự án giữa Trạm Giống chăn nuôi huyện Yên Thành và UBND xã Trung Thành được ký kết, thì đã có 10 con dê bị chết. Dù hợp đồng ký kết ghi rõ các điều khoản nhưng Trạm Giống chăn nuôi vẫn thoái thác không đền bù số dê chết, việc làm trên đã gây bức xúc cho người dân…..

Dê giống chết trong thời gian “bảo hành”

Thực hiện Quyết định số 45/QĐ-UBND ngày 5/9/2018 của UBND xã Trung Thành về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện mô hình từ nguồn hỗ trợ kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2018, mô hình nuôi dê sinh sản. Ngày 25/9/2018, UBND xã Trung Thành đã tiến hành ký hợp đồng cung ứng giống dê sinh sản số 20HĐ/KT với Trạm Giống chăn nuôi Yên Thành, do ông Trần Anh Tuấn là đại diện Trạm ký, với số lượng 48 con dê giống sinh sản, tổng trị giá 144 triệu đồng.

Để thực hiện dự án, UBND xã Trung Thành đã thông báo cho các hộ có nhu cầu tham gia viết đơn đăng ký. Sau khi có danh sách các hộ tham gia, xã đã tiến hành tổ chức tập huấn về cách thức nuôi dê, đồng thời tiến hành kiểm tra chuống trại của các hộ tham gia. 6 hộ dân tham gia đều có chuồng trại đúng quy định.

Biên bản bào giao dê giống của dự án được lập ngày 01/11/2018

Ngày 1/11/2018, tại xã Trung Thành toàn bộ 48 con dê sinh sản của dự án đã được bàn giao cho 6 hộ gia đinh tham gia, đồng thời việc giao nhận này được tiến hành lập biên bản, có đại diện các bên liên quan ký tên, đóng dấu.

Tuy nhiên, chỉ mấy ngày sau, những hộ gia đình tham gia dự án đã phải chịu cảnh dê chết dần từng con một.

Anh Cao Đại Nghĩa, ở xóm 3 xã Trung Thành, một trong những hộ dân tham gia dự án cho biết: Sau khi nhận dê về nuôi, ngày 15/11/2018, con dê đầu tiên bị chết; tới ngày 25/11/2018, chết thêm 3 con nữa, với triệu chứng ăn ít ,gầy dần rồi chết.

Ông Nguyễn Sỹ Hùng (ảnh trên) và ông Cao Đại Nghĩa là những hộ nuôi dê giống của dự án dê chết không được bồi thường theo hợp đồng

Cho đên thời điểm hiện tại toàn bộ 8 con dê dự án của gia đình anh Nghĩa đã chết hết. anh Nghĩa cho biết thêm: “Khi nhận, tôi thấy dê béo hơn. Nhưng sau đó về thì chúng ăn ít, bỏ ăn, gầy dần, đi lại xiêu vẹo, lông xù xì rồi chết dần, tôi không hiểu vì lý do gì?”

Là gia đình có dê dự án bị chết đầu tiên, ông Nguyễn Sỹ Hùng, ở xóm 1 xã Trung Thành cho biết: Ngày 10/11/2018, con dê giống đầu tiên của gia đình ông bị chết. Sau đó dê cứ chết dần. Hiện tại gia đình ông chỉ còn 4 con trong đó một con có dấu hiệu ốm yếu gần chết.

Không riêng gì hoàn cảnh của anh Nghĩa và ông Hùng, 4 hộ dân còn lại cũng lâm vào hoàn cảnh “dở khóc, dở cười” vì dê dự án.

6 hộ dân tham gia dự án, mỗi hộ được cấp 8 con dê sinh sản, nhưng chỉ trong tháng 11/2018 (đang nằm trong 30 ngày “bảo hành” của dự án) thì đã có tới 10 con bị chết.

Tính đến thời điểm hiện tại, theo số liệu của UBND xã Trung Thành thì đã có tới 33 con dê sinh sản của dự án xây dựng mô hình phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2108 của xã đã bị chết

“Chỉ hỗ trợ chứ không bồi thường(!?)”

Đó là phát biểu của ông Trần Anh Tuấn, Trạm trưởng Trạm Giống chăn nuôi huyện Yên Thành – đơn vị cung ứng giống dê sinh sản cho xã Trung Thành- khi được hỏi về vấn đề bồi thường cho các hộ dân có dê bị chết trong tháng 11/2018, theo hợp đồng đã ký giữa UBND xã Trung Thành và đơn vị này.

Biên bản kiểm tra dê bị ốm, chết trong thời gian bảo hành theo hợp đồng và sau khi hết thời gian bảo hành

Ông Nguyễn Sỹ Hùng cho biết: Từ khi dê của ông chết trong thời gian “bảo hành” cho tới nay ông vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. Ông yêu cầu đơn vị cung ứng dê dự án phải bồi thường cho gia đình ông.

Anh Cao Đại Nghĩa cũng cho biết: 4 con dê của anh bị chết trong thời gian “bảo hành” cho tới nay gia đình anh vẫn chưa nhận được bất cứ một số tiền bồi thường nào. “Tôi nghĩ, trách nhiệm này thuộc về đơn vị cung ứng dê giống”, anh Nghĩa khẳng định.

Theo Hợp đồng số 20/HĐ/KT ký ngày 25/9/2018 giữa Trạm Giống chăn nuôi huyện Yên Thành và UBND xã Trung Thành về việc cung ứng giống dê sinh sản thì Trạm Giống chăn nuôi huyện Yên thành có trách nhiệm cung ứng 48 con dê sinh sản cho các hộ dân tham gia dự án. Tại mục 2.3 điều 2 của hợp đồng ghi rõ: từ ngày giao nhận con giống đến sau 30 ngày, nếu con giống bị chết do bệnh thì bên B (Trạm Giống chăn nuôi huyện Yên Thành) phải bồi thường đủ con giống bị chết cho bên A (UBND xã Trung Thành).

Tại mục 5.2 điều 5 của hợp đồng này cũng ghi rõ ràng: Thời gian bảo hành: 30 ngày kể từ ngày bàn giao con giống, nếu dê bị ốm chết thi bên B phải có trách nhiệm điều trị hoặc đền bù lại con đã chết cho bên A.

Thế nhưng, khi chúng tôi làm việc với ông Trần Anh Tuấn, Trạm trưởng Trạm Giống chăn nuôi huyện Yên Thành (đơn vị cung ứng dê dự án) thì ông Tuấn khăng khăng: Trạm làm đúng quy trình. Ông tuấn còn bao biện, khi bàn giao xong thì trời mưa rét, có thể dê chưa thích nghi với môi trường mới… và thực tế dê không phải chết nhiều như người dân phản ánh.

Về “bảo hành” theo Hợp đồng đã ký, ông Tuấn cho biết: Trạm chỉ chịu trách nhiệm nếu con dê bị bệnh tụ huyết trùng và lở mồm long móng. “Vì dê chết không nằm trong danh mục bảo hành nên Trạm chỉ hỗ trợ tiềm tiêm, tiền thuốc điều trị chứ không bồi thường theo Hợp đồng”, ông Tuấn khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Dương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Thành cho biết: Chúng tôi sẽ kiểm tra lại, nếu đúng dê chết trong thời gian bảo hành thì huyện sẽ yêu cầu Trạm Giống chăn nuôi phải bồi thường cho người dân.

Đánh giá về dự án này, ông Dương cho rằng, dự án không có hiệu quả.

 

Tác giả: Phạm Thắng

Nguồn tin: ngaymoionline.vn

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top