Trỗi dậy bên cạnh Trung Quốc: Ấn Độ nói thẳng “Không đánh đổi chủ quyền lấy kinh tế”

07/08/2017 | 02:28:31
Trỗi dậy bên cạnh Trung Quốc: Ấn Độ nói thẳng "Không đánh đổi chủ quyền lấy kinh tế"
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái): “Kết nối, bản thân nó không thể phủ nhận hoặc làm suy giảm chủ quyền của các quốc gia khác”. Ảnh: Forbes

“TQ hãy thôi khoe khoang về thành tựu kinh tế. Tuy đấy là thực tế, nhưng đừng lấy đó làm cách để buộc thế giới phải quỳ dưới chân họ” – cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Kanwal Sibal.

LTS: Trên lộ trình hiện thực hóa tham vọng trở thành một cường quốc toàn cầu, Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp, cả kinh tế, ngoại giao và quân sự, nhằm kiềm chế Ấn Độ, không để nước láng giềng châu Á vươn lên cạnh tranh trực tiếp với vị thế của mình.

Bằng một loạt các chiến lược quy mô lớn như “Chuỗi ngọc trai”, “Vành đai và Con đường”, và đặc biệt với quan niệm “một núi thì không thể có hai hổ”, Bắc Kinh đã không ngừng gia tăng ảnh hưởng tại những khu vực xung quanh, hòng “khóa chặt” Ấn Độ trong tiểu lục địa Nam Á.

 Ấn Độ đã đối phó với chiến lược phong tỏa này của Trung Quốc ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua tuyến bài: “Ấn Độ đã “hóa giải” sự phong tỏa của Trung Quốc như thế nào? 

“Vành đai – Con đường” và tham vọng của Trung Quốc

Cuối năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố một trong những sáng kiến ngoại giao và kinh tế được cho là tham vọng nhất của Bắc Kinh: “Vành đai và Con đường” (BRI).

Sáng kiến này đặt mục tiêu kết nối Trung Quốc với châu Âu thông qua 2 mạng lưới cơ sở hạ tầng – giao thông khổng lồ, cả trên bộ và trên biển.

Trên đất liền, ông Tập kêu gọi xây dựng một vành đai kinh tế dọc theo Con đường Tơ lụa cổ, kết nối các khu vực kém phát triển của Trung Quốc với châu Âu qua Trung Á. Tuyến này được gọi là Vành đai kinh tế theo Con đường Tơ lụa xưa.

Tuyến thứ hai, theo kế hoạch của ông Tập, là xây dựng một con đường tơ lụa mới trên biển cho Thế kỷ 21, kết nối châu Âu, châu Phi, Trung Đông, khu vực Đông Nam Á năng động với các tỉnh phía Nam Trung Quốc qua một chuỗi các cảng biển và đường sắt.

Trỗi dậy bên cạnh Trung Quốc: Ấn Độ nói thẳng Không đánh đổi chủ quyền lấy kinh tế - Ảnh 1.

Bản đồ minh họa Sáng kiến “Vành đai và Con Đường” của Trung Quốc. Ảnh: Lowy Institute

Với 68 quốc gia liên quan, chiếm 2/3 diện tích đất liền thế giới, có tổng số dân 4,5 tỷ người và số vốn đầu tư ước tính lên tới 4.000 tỷ USD, BRI được quảng bá là một trong những kế hoạch phát triển lớn nhất lịch sử hiện đại. Nói như lời ông Tập, đó là “dự án thế kỷ”.

“Vành đai và Con đường” là sáng kiến rõ ràng nhất minh chứng cho quyết tâm của ông Tập – từ bỏ phương châm “giấu mình, chờ thời” và “quyết không đi đầu” – tư tưởng lãnh đạo nền tảng một thời của Đặng Tiểu Bình.

Rõ ràng, với BRI, ông Tập đang thể hiện tham vọng muốn đưa Trung Quốc chủ động vươn lên vị trí lãnh đạo toàn cầu.

Viễn cảnh “lấp lánh” không hấp dẫn Ấn Độ

Vì xem BRI là “đệ nhất dự án trong thiên hạ” với tầm nhìn đầy tham vọng nên Bắc Kinh đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho Diễn đàn “Vành đai và Con đường” diễn ra trong 2 ngày, từ 14-15 tháng 5 vừa qua.

Nhận rõ vị thế địa chiến lược quan trọng của Ấn Độ đối với các kế hoạch phát triển của BRI trong tương lai, Trung Quốc, qua cả kênh chính thức và không chính thức, đã liên tục “chào mời” New Delhi tham gia.

Nhằm thuyết phục New Delhi, Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Luo Zhaohui trong một bài phát biểu tại Viện Liên quân Ấn Độ (USI) ngày 5/5/2017 từng đưa ra đề xuất 4 điểm cải thiện quan hệ giữa hai nước:

“Thứ nhất, khởi động đàm phán về một Hiệp ước láng giềng tốt, hợp tác hữu nghị giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Thứ hai, nối lại đàm phán Hiệp định thương mại tự do Trung – Ấn. Thứ 3, phấn đấu đạt được kết quả sớm về vấn đề biên giới. Thứ tư, chủ động tìm hiểu tính khả thi của việc gắn sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc với Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ”.

Bên cạnh đó, các lợi ích kinh tế to lớn mà Ấn Độ có thể gặt hái được khi gia nhập sáng kiến hàng nghìn tỷ USD này của Trung Quốc cũng là điều không phải khó hình dung.

Với giao dịch thương mại song phương đạt 70,08 tỷ USD năm 2016, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Năm 2016 cũng chứng kiến một làn song đầu tư kỷ lục của Trung Quốc vào Ấn Độ, đạt gần 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, tất cả những viễn cảnh kinh tế “lấp lánh” này đều không thuyết phục được Ấn Độ tham gia Diễn đàn BRI. Vì sao vậy?

Ấn Độ không đánh đổi chủ quyền lấy kinh tế 

Cội nguồn của vấn đề, xét về sâu xa là lịch sử đối đầu giữa hai nước láng giềng châu Á, nhưng trực diện nhất chính là Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) – trục giao thông trọng yếu trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của ông Tập.

CPEC là một chuỗi các dự án phát triển năng lượng và cơ sở hạ tầng trị giá khoảng 46 tỷ USD kết nối tỉnh Tân Cương của Trung Quốc với cảng nước sâu Gwadar phía Tây Nam Pakistan.

Thế nhưng, hành lang kinh tế này lại chạy qua địa phận Gilgit-Baltistan thuộc vùng Jammu và Kashmir do Pakistan chiếm đóng (POK) từ năm 1947 mà Ấn Độ luôn tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.

Trỗi dậy bên cạnh Trung Quốc: Ấn Độ nói thẳng Không đánh đổi chủ quyền lấy kinh tế - Ảnh 2.

Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC): nguyên nhân trực tiếp khiến Ấn Độ từ chối gia nhập “Vành đai và Con đường”. Ảnh: Indian Defence Review

Do vậy, với Ấn Độ, tham dự BRI là điều không thể vì Delhi tin rằng như thế sẽ làm suy yếu các tuyên bố chủ quyền của chính mình với vùng Gilgit-Baltistan và POK.

Tham dự đồng nghĩa với việc chấp nhận quan điểm của Trung Quốc và Pakistan với vùng Gilgit-Baltistan/ POK, coi đó là lãnh thổ phía Bắc của Pakistan. Quan trọng hơn, nó sẽ đi ngược lại các phản đối của Ấn Độ, ít nhất cũng từ năm 1963, đối với các hợp tác Trung Quốc – Pakistan ở POK.

Giải thích cho quyết định không tham gia BRI, thông cáo chính thức của Bộ ngoại giao Ấn Độ ngày 13/5/2017 viết:

“Chúng tôi có niềm tin chắc chắn rằng, các sáng kiến kết nối phải dựa trên các thông lệ quốc tế được thừa nhận rộng rãi, quản trị tốt, theo pháp quyền, cởi mở, minh bạch và bình đẳng…Các dự án kết nối phải được thực thi trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.

Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar cũng đã từng diễn giải quan điểm này tại Đối thoại Raisina 2017:

“Trung Quốc vốn rất nhạy cảm với các vấn đề liên quan tới chủ quyền của mình. CPEC đi qua một vùng lãnh thổ bất hợp pháp, một khu vực mà chúng tôi gọi là Kashmir do Pakistan chiếm đóng. Các vị có thể hình dung được phản ứng của Ấn Độ như thế nào khi một dự án như vậy được khởi động mà chúng tôi không hề được tham vấn”.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi còn nhấn mạnh thêm quan điểm này khi đề cập tới BRI: “Kết nối, bản thân nó không thể phủ nhận hoặc làm suy giảm chủ quyền của các quốc gia khác”.

Hoan nghênh quyết định không tham dự Diễn đàn BRI của Ấn Độ, cựu Bộ trưởng ngoại giao Kanwal Sibal cho rằng, Ấn Độ không cần lo lắng về việc mất mát kinh tế:

“Trung Quốc cần thị trường Ấn Độ hơn là Ấn Độ cần đầu tư của Trung Quốc. Trung Quốc hãy thôi khoe khoang về thành tựu kinh tế đi. Tuy đấy là thực tế, nhưng đừng lấy đó làm cách để buộc thế giới phải quỳ phục dưới chân họ”.

Ngoài vấn đề chủ quyền, còn có các quan ngại về chiến lược rộng lớn hơn. Delhi lo lắng Trung Quốc sẽ sử dụng tiềm lực tài chính và kỹ thuật xây dựng cơ sở hạ tầng của mình để hủy hoại vùng biên giới của Ấn Độ.

Nhà phân tích chính sách ngoại giao Brahma Chellaney gọi dự án BRI của Trung Quốc là “ngoại giao bẫy nợ”. Ông cho rằng, sáng kiến BRI sẽ đưa các quốc gia đối tác rơi vào nợ nần, qua đó gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Trỗi dậy bên cạnh Trung Quốc: Ấn Độ nói thẳng Không đánh đổi chủ quyền lấy kinh tế - Ảnh 3.

Sân bay hiện đại nhưng vắng khách Mattala Rajapaksa tại Sri Lanka được xây bằng vốn của Trung Quốc. Ảnh: Wikipedia Commons

Đã có nhiều ví dụ sinh động minh chứng cho nhận xét trên. Điển hình như tại Sri Lanka, Trung Quốc giúp xây dựng một cảng biển lớn và một sân bay gần Hambantota nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế. Khi các khoản nợ ngày càng gia tăng chính là thời cơ để Trung Quốc giành nhiều sự kiểm soát hơn với các vị trí trọng yếu ở quốc đảo này.

Những quan ngại của Ấn Độ về BRI không phải không có căn cứ. Khi Trung Quốc trở nên giàu có hơn về kinh tế, lớn mạnh hơn về chính trị, thì càng có ít dấu hiệu cho thấy nước này đối xử với Ấn Độ theo mức độ tôn trọng mà Delhi đáng được hưởng.

Chính vì vậy, trong tuyên bố chính thức, Chính phủ Ấn Độ khẳng định: “Không một quốc gia nào có thể chấp nhận một dự án phớt lờ những mối lo ngại về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước mình”.

Theo Thời Đại

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top