Trộm bị chủ nhà đâm: Không được chủ động tấn công trộm

23/07/2018 | 11:44:15

Trước trường hợp trộm chống cự lại và bị chủ nhà đâm, luật sư cho rằng chủ nhà chỉ có quyền phòng vệ, không được chủ động tấn công.

Vụ việc trộm bị chủ nhà đâm tử vong xảy ra vào trưa 17/7 ở xã  Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội khiến nhiều người tranh cãi bởi hành vi của chủ nhà trong trường hợp này mức độ phạm tội thế nào?

Theo như thông tin đưa ban đầu, tên trộm tử vong là Nguyễn Thanh T (38 tuổi, trú tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).  Chủ nhà đâm trộm tử vong là Khổng Tiến Cường (38 tuổi, trú tại xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội).

Chiều 19/7, trao đổi với PV, Luật sư Đỗ Hải Bình cho biết: “Trường hợp này tùy thuộc vào cách đâm và tư thế đâm của chủ nhà để xem xét tội danh của chủ nhà.

Ví dụ, tùy thuộc trộm có cầm vũ  khí không, khả năng đe dọa tính mạng chủ nhà trong tình huống đó thế nào… Nếu tên trộm thất thủ nhưng chủ nhà cố đâm thì chủ nhà dễ bị xem xét tội cố ý gây thương tích hay tội giết người. Nếu tên trộm có hung khí chống trả lại chủ nhà thì theo nguyên tắc để đảm bảo an toàn, chủ nhà sẽ chống cự lại.

Một trường hợp khác, nếu tên trộm khi bỏ chạy có lấy đá ném lại hay tấn công lại khiến chủ nhà tấn công thì trường hợp này là thuộc trường hợp vượt quá phòng vệ chính đáng hay giết người trong tình trạng bị kích động mạnh”.

Đồng quan điểm với luật sư Bình, luật sư Phạm Hoài Nam nói: “Trong vụ việc này còn tùy vào trường hợp và mức độ hành vi. Từ trước đến này có nhiều vụ án tương tự và dư luận đã lên tiếng.

Nếu chủ nhà dùng dao tấn công để gây thiệt hại về người thì chủ nhà đã vượt quá hành vi phòng vệ chính đáng, tùy vào chủ đích và diễn biến của hành vi thì cơ quan sẽ xem xét xử lý tội gây thương tích hoặc tội giết người.

Hơn nữa tội danh của chủ nhà còn phụ thuộc vào tương quan lực lượng hai bên. Nếu trộm vào chỉ có hành vi ăn trộm không có vũ khí và không tấn công chủ nhà, trong khi đó chủ nhà dùng dao gây thương tích gây nên án mạng thì có thể xem xét chủ nhà hai tội danh trên.

Trong trường hợp trộm quay lại tấn công không gây thương tích mà chủ nhà gây thương tích thì chủ nhà phạm tội vượt quá phòng vệ chính đáng.

Chủ nhà chỉ được xem xét phòng vệ chính đáng khi đối tượng sử dụng hung khí nguy hiểm. Theo đó chủ nhà không được dùng hung khí để tấn công trước mà chỉ dùng để phòng thôi. Nếu chủ động tấn công là phạm tội”.

Theo luật sư Nam, trong công tác phòng chống tội phạm còn nhiều điều tranh cãi khi đối phó với tội phạm như nào cho đúng và để thực hiện điều này là rất khó. Ranh giới trong việc bắt tội phạm và tấn công để trấn áp tội phạm là rất mong manh.

“Chẳng lẽ khi phát hiện trộm vào nhà để cho chúng lấy gì thì lấy hay thậm chí tấn công mình…thực tế có rất nhiều vụ án như thế.

Nó như gióng lên một hồi chuông cảnh báo về góc độ pháp luật của mình có những quy định chưa rõ ràng về giới hạn phạm vi được phép xử lý. Ở một số nước chỉ cần người khác tấn công mình thì mình có quyền phòng vệ.

Vì vậy cần có sự điều chỉnh và hành lang pháp lý quy định rõ ràng hơn khi người dân phòng vệ, ranh giới giữa phòng vệ và bắt tội phạm thế nào để đảm bảo được quyền lợi của họ” – Luật sư Nam nêu quan điểm.

Chia sẻ về một số biện pháp khi chủ nhà gặp phải trộm, luật sư nói: “Nếu rơi vào tình huống đó thì tôi nghĩ một mình mình không nên bắt trộm mà hô hoán những người xung quanh. Tuyệt đối hạn chế sử dụng dao, hung khí đánh vì những hung khí này dễ gây thương tích và chết người.

Chủ nhà có thể sử dụng hình thức khác để trấn áp tội phạm như khúc cây chẳng hạn, đè trộm ra để bắt giữ hoặc gọi người khác đến trợ giúp”.

 

Theo Báo Đất Việt

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top