Vụ chợ mọc trái phép trên đất Mẹ Việt Nam anh hùng ở Hà Tĩnh: UBND tỉnh chỉ đạo nhưng xã thờ ơ?

02/07/2018 | 19:54:51

Mặc dù, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có chỉ đạo kiểm tra, xử lý chợ cóc “mọc lên” không phép trên mảnh đất của bà mẹ Việt Nam anh hùng. Thế nhưng đến nay UBND xã Cẩm Lĩnh vẫn chưa vào cuộc phá dỡ ngôi chợ xấu xí này.

Hà Tĩnh là một tỉnh nghèo có điểm xuất phát thấp, nhưng những năm gần đây tỉnh này đã vượt lên trở thành điểm sáng trong công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) của cả nước. Để trở thành điểm sáng đó, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã cùng nhau ra sức nỗ lực xây dựng.

Cán bộ, công chức huyện Cẩm Xuyên cùng người dân xã Cẩm Duệ ra sức nổ lực xây dựng nông thôn mới. (ảnh Báo Hà Tĩnh)

Với sự quyết tâm, chủ trương sáng suốt, đúng đắn của Đảng bộ tỉnh Hà Tinh nên tỉnh này đã đạt được những kết quả khá tích cực. Và những kết quả đó chính là một tấm gương sáng để nhiều đơn vị, tổ chức, tỉnh thành trên cả nước về miền đất này tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Trong khi Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung, đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Thì trên địa bàn xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) lại để tồn tại một cái chợ ‘cóc’ mọc lên không phép với hình ảnh xấu xí, bẩn thủi, hôi hám, để làm xấu đi bộ mặt NTM của tỉnh này.

Phải chăng, đây là sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của những cán bộ, lãnh đạo UBND xã Cẩm Lĩnh. Sự tồn tại của chợ cóc này không chỉ làm xấu đi bộ mặt của tỉnh nhà. Mà còn phá hỏng bao nhiêu công sức của Đảng bộ và nhân dân nơi đây dày công xây dựng một hình ảnh miền quê đẹp, đáng sống.

Ở một diễn biến khác, mà Thương hiệu & Pháp luật từng đăng tải thông tin phản ánh của ông Phạm Đình Chuyn (89 tuổi, ở thôn 1, Cẩm Lĩnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) về việc: “chính quyền bất lực trước việc chợ cóc mọc trái phép trên mảnh đất của mẹ ông để lại”.

Chợ cóc không phép được dựng lên bằng những cọc gỗ đơn giản và làm nơi để bò trú ẩn.

Hình ảnh rác bẩn thỉu, hôi hám là nỗi ám ảnh tại ngôi chợ cóc này.

Được biết, mẹ ông Chuyn là bà Nguyễn Thị Khoăng (nay đã mất) được Chủ tịch nước Truy tăng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào năm 2015. Ông Chuyn cho hay: “Năm 1970, cha mẹ tôi được chính quyền địa phương cấp cho một mảnh đất tại thôn 1 (nay được gọi là xóm chợ Cây Bàng) với diện tích trên 300m2. Mảnh đất được mẹ tôi trồng cây lâu năm (cây xi lau) và không hề có tranh chấp”.

Tuy nhiên, vào năm 2000, mảnh đất được thôn mượn để làm nơi giao thương hàng hóa. Cho đến năm 2015 khi có nhu cầu sử dụng mảnh đất, gia đình ông đi gõ cửa cơ quan chức năng để lấy lại. Thế nhưng, đã đã 4 năm trôi qua, gia đình ông không nhận được câu trả lời thỏa đáng, ông Chuyn nói.

Điều đáng nói, trong qua trình chợ cóc hoạt động, gia đình ông Chuyn còn xây dựng tường rào kiên cố xung quanh mảnh đất nhưng không hề có sự can thiệp của cơ quan chức năng

Tìm hiểu của PV Thương hiệu & Pháp luật được biết: “ngày 24/12/2014 UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định số 4112/QĐ-UBND về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 do ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký”.

Quyết định này cũng nêu rõ, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên có 24 chợ, gồm 1 chợ hạng I và 23 chợ hạng III với tổng diện tích đất chiếm 143,978m2. Còn ở tại xã Cẩm Lĩnh có duy nhất chợ Thá và không hề có chợ Cây Bàng như một vài lời đồn đoán.

Quyết định của UBND tỉnh nêu rõ, tại địa bàn xã Cẩm Lĩnh chỉ có mỗi chợ Thá, chứ không hề có chợ Cây Bàng.

Ngoài ra, ông Trần Đình Lam – Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh từng trả lời với báo chí rằng: “Chợ cây Bàng là chợ cóc tự phát, không có văn bản nào của cơ quan chức năng thẩm quyền về quy hoạch chợ ở đây”.

Có thể nói rằng, việc chợ cóc mọc lên không có phép, không có quy hoạch thì đã rõ rằng. Ấy vậy mà không hiểu tại sao UBND xã Cẩm Lĩnh vẫn chưa vào cuộc xử lý một cách triệt để. Liệu rằng, UBND xã Cẩm Lĩnh có thờ ơ, tiếp tay cho sai phạm ngang nhiên tồn tại? Ngoài ra, sự việc này từng đã có chỉ đạo kiểm tra, xử lý của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Để rõ hơn, PV đã liên hệ với ông Trần Xuân Hựu – Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Lĩnh cho biết: “xã đã có kế hoạch di dời. Việc xử lý chợ để tôi bàn với đồng chí Lam – Chủ tịch UBND, rồi sẽ trả lời báo chí sau”. Tuy nhiên, đã qua nhiều ngày nhưng PV vẫn chưa nhận được phản hồi cũng phương án di dời chợ từ vị này.

Thiết nghĩ rằng, đã đến lúc UBND huyện Cẩm Xuyên, Ban chỉ đạo NTM huyện Cẩm Xuyên cần có những biện pháp xử lý chợ cóc này để làm đẹp bộ mặt của huyện nhà, cũng như bộ mặt của tỉnh Hà Tĩnh.

Thương hiệu & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Tác giả: UY VŨ

Nguồn tin: thuonghieuvaphapluat.vn

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top