“Vua chợ” bình thản bên sự lặng thinh của Sở Xây dựng Nghệ An

23/07/2019 | 15:43:38
Dù đã thực hiện theo đúng quy định tác nghiệp, được hướng dẫn viết nội dung cần trả lời bằng văn bản gửi để người phát ngôn nắm và chủ động cung cấp thông tin. Nhưng thay vì phối hợp, Sở Xây dựng Nghệ An dường như đang “đóng cửa” với báo chí.
Sở Xây dựng Nghệ An “ngại ngùng” gì mà im lặng với báo chí?
PL&DS nhận được phản ánh của tiểu thương chợ cũ thị trấn Tân Kỳ (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) về những tồn tại, bất cập tại khu chợ mới ở thị trấn này vừa đưa vào hoạt động giai đoạn 1 trong công tác đầu tư của nhà đầu tư, cũng như trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng.
Ngoài dự án tại khu chợ mới Tân Kỳ do Liên hiệp Hợp tác xã phát triển và Quản lý chợ Việt Nam là chủ đầu tư, hàng loạt dự án đầu tư xây dựng chợ của doanh nghiệp này do ông Dương Văn Chiến đại diện pháp luật đã và đang triển khai tại tỉnh Nghệ An cũng có những “điểm mờ” trong công tác đầu tư cần làm sáng tỏ.
Để nắm rõ toàn bộ về quy trình thực hiện đầu tư, các chính sách ưu đãi đầu tư cũng như thực tế Dự án triển khai đối với các dự án đầu tư, xây dựng, sở hữu, kinh doanh trung tâm thương mại kết hợp với chợ truyền thống tại thị xã Hoàng Mai, thị trấn Tân Kỳ, thị trấn Đô Lương và hàng loạt dự án chợ khác được triển khai trên địa bàn tỉnh Nghệ An do Liên hiệp Hợp tác xã phát triển và Quản lý chợ Việt Nam là chủ đầu tư, chúng tôi đã “gõ cửa” từng Sở, ban, ngành liên quan tại tỉnh Nghệ An trong việc tham mưu, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với những dự án trên. Nhưng quá trình xác minh đã vấp phải nhiều khó khăn.
Chủ đầu tư tự thay đổi bản vẽ thi công và biến tầng hầm thành điểm kinh doanh chợ nhưng Sở Xây dựng vẫn “vô tư” cho qua mà không xử lý theo đúng quy định luật hiện hành
Cụ thể, Sở Xây dựng có văn bản số 65/TĐ.SXD-HĐXD, ngày 5/3/2019 về việc chấp thuận một số nội dung điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công công trình thuộc Dự án đầu tư, xây dựng, sở hữu, kinh doanh chợ Tân Kỳ. Trong văn bản, ông Nguyễn Trường Giang – Phó giám đốc Sở Xây dựng ký, nêu rõ những nội dung điều chỉnh cụ thể:
“Điều chỉnh mặt bằng, mặt đứng kiến trúc góc phía Đông – Bắc công trình làm tăng thêm diện tích 15,8 m²/ 1 tầng; Điều chỉnh mặt bằng khối 40 ki ốt thảnh 42 ki ốt; Điều chỉnh mặt bằng công năng sử dụng của tầng hầm, chuyển 2 kho hàng trong tổng số 3 kho với diện tích 280 m² và 1946 m² diện tích bãi đỗ xe  thành khu bán hàng với tổng diện tích 2226 m²….
Lý do điều chỉnh là để phù hợp với phân kỳ đầu tư và nhu cầu sử dụng của chủ đầu tư. Hồ sơ điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công đối với dự án này đã thi công xong nhưng mới trình Sở xây dựng chấp thuận điều chỉnh bản vẽ thi công là vi phạm về quy định quản lý đầu tư xây dựng hiện hành. Tuy nhiên, xét thấy thực tế thi công cơ bản phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt, tiêu chuẩn xây dựng và quy chuẩn xây dựng hiện hành, không làm thay đổi lớn về thiết kế cơ sở đã được thẩm định nên Sở chấp thuận”.
Những ki ốt là mặt đường như thế này có giá ngót lên tới tỷ đồng, nhiều gia đình không chỉ sử dụng kinh doanh mà còn có dấu hiệu làm luôn chỗ ở
Với văn bản chấp thuận trên, liệu Sở Xây dựng có “dễ dãi bất thường” với chủ đầu tư vì không áp dụng các quy định xử lý theo đúng quy định của pháp luật hiện hành được quy định chi tiết trong Nghị định 139 /2017/NĐ- CP đối với những hành vi vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Cụ thể trong việc chủ đầu tư tự điều chỉnh thiết kế thi công, hoàn thiện thi công rồi mới trình Sở xây dựng xin điều chỉnh nhưng vẫn được chấp thuận được phép điều chỉnh. Hơn nữa với văn bản này, khi chưa có ý kiến từ UBND tỉnh Nghệ An, việc chấp thuận của Sở xây dựng có vượt thẩm quyền hay không?
Điểm đáng lưu tâm nhất, với văn bản trên, diện tích 1496 m² từ tầng hầm đã biến thành điểm kinh doanh. Chính điều này đã thực sự gây nên nhiều tranh cãi, khiến tiểu thương chợ cũ Tân Kỳ bức xúc, vì quá nhiều bất cập, trong khi đó mỗi điểm kinh doanh dưới tầng hầm được chủ đầu tư đưa ra với mức giá nộp một lần từ 150 triệu đến trên 200 triệu/điểm kinh doanh/50 năm.
Để làm sáng tỏ những nội dung này, chúng tôi đã liên hệ với Chánh văn phòng Sở Xây dựng thì được hướng dẫn viết nội dung những thông tin cần trả lời. Nhưng nhiều tuần trôi qua, chúng tôi không nhận được sự hợp tác để cung cấp thông tin theo đúng quy định. Phải chăng việc lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An đang “đóng cửa” với cơ quan ngôn luận, đi ngược lại với Luật báo chí, với dư luận trước những vấn đề đáng quan tâm, đang gây “nóng” tại địa bàn tỉnh?
Dự án mới đang “có vấn đề” ở chợ cũ
Ở diễn biến khác, liên quan tới Dự án chợ cũ Tân Kỳ, mới đây, tiểu thương chợ này đã có buổi làm việc theo lịch tiếp công dân với chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Trong quá trình làm việc tiểu thương cho rằng UBND tỉnh cần phải xem xét, có sự hỗ trợ đúng cho người dân nếu xóa chợ cũ, di dời đi nơi khác để kinh doanh buôn bán, nhường đất cho Liên hiệp Hợp tác xã phát triển và Quản lý chợ Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án Trung tâm Tổ chức sự kiện và Dịch vụ thương mại. Đồng thời cần phải xem xét rõ những vấn đề dân đã kiến nghị trong đơn thư về giá cả, bất cập họp chợ dưới tầng hầm, bảo vệ hàng hóa…ghi nhận ý kiến của bà con tiểu thương, Chủ tịch  UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có chỉ đạo các đơn vị liên quan vào cuộc làm rõ.
UBND thị trấn Tân Kỳ thông báo nhiều lần, đòi nhiều lần đóng chợ cũ yêu cầu bà con phải chuyển qua chợ mới kinh doanh 
Đến nay, chủ đầu tư dự án Trung tâm Tổ chức sự kiện và Dịch vụ thương mại tổng hợp chưa trình các thủ tục liên quan tới đất đai về Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Nghệ An để được xem xét, thẩm định. Dự án này cũng đã được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 3/2018. Đến nay đã hơn 16 tháng trôi qua nhưng vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đất đai. Chung số phận với dự án này, dự án Trung tâm Thương mại và chợ truyền thống tại thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương, chủ đầu tư cũng chưa hoàn thiện các thủ tục về đất đai.
Trong khi ông Hoàng Quốc Việt – Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ ký văn bản số 894/UBND-KTHT ngày 19/6/2019 về nội dung trả lời kiến nghị của tiểu thương chợ thị trấn Tân Kỳ nêu rõ: Đối với dự án Trung tâm Tổ chức sự kiện và Dịch vụ thương mại tổng hợp, hiện nay huyện đã thành lập Ban chỉ đạo và tổ tư vấn  để hướng dẫn thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án. Thời gian tới huyện sẽ đôn đốc phối hợp với chủ đầu tư trực tiếp làm việc cung cấp các hồ sơ liên quan để chỉ đạo hướng dẫn chỉ đạo công tác đền bù GPMB theo đúng quy định.
Đến thời điểm này các tiểu thương tại chợ cũ cho biết chưa được kiểm tra, xem xét, đánh giá mức độ thiệt hại cũng như kiểm đếm tài sản trên đất nếu di dời khỏi chợ cũ cũng như chưa nhận được bất kỳ một thông báo cụ thể, chính thức bằng văn bản từ cơ quan chính quyền sở tại về việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng yêu cầu di dời…theo đúng quy định.
Chợ Tân Kỳ được xây dựng ngay cạnh đường lớn vào nội thị và UBND huyện Tân Kỳ, dù chưa đông người vào chợ để buôn bán nhưng đã có những vụ tai nạn giao thông trước cổng chợ 
Thế nhưng, ngày 12/7 vừa qua UBND thị trấn Tân Kỳ đã lần thứ hai phát đi thông báo về việc đóng cửa chợ cũ vào ngày 23/7 với lý do: Căn cứ vào hiện trạng chợ hiện nay không bảo đảm về PCCC; Vệ sinh môi trường; An ninh trật tự…chợ mới đã xây dựng khang trang, sạch đẹp bảo đảm các điều kiện để các hộ tiểu thương tham gia kinh doanh.
Ai đứng sau “Vua chợ”?
Ngoài dự án chợ mới Tân Kỳ, Liên hiệp Hợp tác xã phát triển và Quản lý chợ Việt Nam còn là chủ đầu tư dự án chợ Hải An Hoàng Mai. Dự án này được khởi công năm 2018, nhưng ngay từ ban đầu, bất chấp quy định của pháp luật, dù chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý theo đúng quy định nhưng chủ đầu tư cũng đã tự ý san lấp mặt bằng, tổ chức thi công.
Ngay từ ngày khởi công, dự án chợ Hải An Hoàng Mai đã có nhiều dấu hiệu vi phạm như đổ thải, không bảo đảm an toàn lao động….
Theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, hiện nay trong quá trình triển khai, dự án có hàng loạt dấu hiệu vi phạm trong quá trình thi công như không thực hiện đúng quy định về an toàn lao động, an toàn thi công công trình, không xử lý các chất thải xây dựng đúng quy định. Cụ thể, theo thông tư Số: 04-LĐ/TT về trang bị bảo hộ lao động cho công nhân làm việc trên các công trường xây dựng quy định rõ:
“1.Tất cả công nhân công trường làm những công việc cần được trang bị bảo hộ lao động đều được cung cấp dụng cụ cần thiết, không phân biệt hình thức trả lương và thời gian sử dụng.
2.Công trường có trách nhiệm cung cấp trang bị bảo hộ lao động và bảo đảm cho công nhân có đủ dụng cụ cần thiết trong khi khi làm việc.
3.Công nhân khi làm việc bắt buộc phải mang những dụng cụ phòng hộ đã quy định và chỉ được sử dụng những dụng cụ đó trong khi làm việc.”
Thế nhưng, không hiểu chủ đầu tư “làm ngơ” và nhà thầu có nắm rõ quy định không hay quá coi thường tính mạng của người lao động. Chẳng may xảy ra sự cố lao động, hậu quả sẽ như thế nào?
Nói đến Liên hiệp Hợp tác xã phát triển và Quản lý chợ Việt Nam có lẽ giới đầu tư kinh doanh, xây dựng, bất động sản chẳng còn lạ lẫm gì. Họ gọi đó là “vua chợ”. Họ không chỉ “ngưỡng mộ” về những chính sách, ưu đãi mà nhà đầu tư này luôn được “hưởng” tới mức “khủng khiếp” trong mỗi dự án chợ.
Riêng tại Nghệ An, Liên hiệp Hợp tác xã phát triển và Quản lý chợ Việt Nam đã được chấp thuận 4 dự án đầu tư thuộc diện những dự án nằm trong diện ưu đãi đầu tư, được giảm tiền thuê đất, không phải thông qua đấu giá đất. Những dự án này đều tọa lạc tại những khu đất “vàng”, đắc địa. Mà về mặt quy hoạch chợ có lẽ cần phải xem xét vì vấn đề an toàn giao thông…
.

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top