Xả nước màu đen ra sông, dân nghi chất thải nguy hại, công ty phân trần do sự cố

16/03/2023 | 09:47:54

Dòng nước màu đen từ bên trong nhà máy đường được xả thẳng xuống sông Lam, nhưng công ty vẫn khẳng định là tro mía, không phải chất nguy hại.

“Sự cố” lặp đi lặp lại?

Ngày 13/3, ông Bùi Công An, trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị đang phối hợp với Sở TN&MT kiểm tra tình trạng Công ty Cổ phần mía đường Sông Lam (đóng ở xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn) gây ô nhiễm môi trường.

Đường ống nước thải đường kính chừng 60cm được thiết kế chảy thẳng ra sông.

Theo phản ánh của người dân, giữa tháng 2/2023 vừa qua, công ty này xả nước thải màu đen từ ống thoát thải của nhà máy ra sông Lam. Dòng nước thải chảy với áp lực lớn, kèm theo mùi hôi thối nồng nặc. Đặc biệt, dưới dòng sông, xuất hiện nhiều váng dầu loang lổ, nhiều màu sắc. Khu vực xả thải trực tiếp của nhà máy này chỉ cách nơi ở của các hộ dân sinh sống khoảng vài chục mét.

Đây không phải là lần đầu xuất hiện tình trạng này. Rất nhiều lần trước đó, người dân địa phương cũng phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường của Công ty Cổ phần mía đường Sông Lam mỗi khi vào mùa vụ thu hoạch mía. Nghĩa là, vào những tháng cuối năm trước, đầu năm sau, khi vụ ép mía đường bắt đầu, người dân lại sống trong cảnh nơm nớp lo sợ sẽ tiếp tục bị “tra tấn” bởi nguy cơ ô nhiễm môi trường từ nhà máy này.

“Cứ vào vụ sản xuất mía đường, nhà máy lại xả thải ra sông Lam làm nước sông chuyển thành hai màu rõ rệt. Sau đó, nước thải màu đen nhanh chóng bị nguồn nước sông cuốn trôi về hướng hạ du. Chúng tôi rất lo lắng cho nguồn nước sông Lam sẽ bị ô nhiễm nghiêm trọng”, ông T.V.N., người dân xã Đỉnh Sơn cho biết.

Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Lương Toàn, Phó giám đốc Công ty Cổ phần mía đường Sông Lam xác nhận vụ việc, nhưng phủ nhận dòng nước màu đen đó là chất thải nguy hại. “Thời điểm đó có máy bơm tuần hoàn bị cháy nên tro mía từ bể thứ 3 chảy ra môi trường. Ngay khi phát hiện, chúng tôi đã dừng vận hành và mua máy mới để thay thế”, ông Toàn giải thích.

Bằng mắt thường có thể thấy nước thải màu đen chảy ra từ đường ống. Ảnh Người dân cung cấp.

Điều đáng nói, vào giữa tháng 3/2022, Công ty Cổ phần mía đường Sông Lam cũng đã xả nước thải màu đen từ ống thoát thải của nhà máy. Sở TN&MT Nghệ An vào cuộc kiểm tra và xác định nguyên nhân là do sự cố vỡ bể chứa bùn tro của nhà máy.

Sở TN&MT Nghệ An yêu cầu Công ty Cổ phần mía đường Sông Lam khắc phục ngay các giải pháp quản lý chất thải như nạo vét hệ thống bể chứa tro, khơi thông cống rãnh; Thực hiện nghiêm túc các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. Đồng thời, Sở TN&MT cũng đã tiến hành lập biên bản xử lý hành chính đối với đơn vị này theo khoản 5, điều 20 Nghị định 155.

Khu vực sông gần nhà máy bị ô nhiễm, không hề có bóng dáng của tôm, cá.

Dân “kêu trời” do bị tra tấn mùi phân bón

Công ty Cổ phần mía đường sông Lam còn tận dụng bã mía để sản xuất phân bón, tập kết bên trong bờ rào. Vị trí này cách nhà dân vài chục mét. Vì vậy, không chỉ người dân xóm Đỉnh Thắng, xã Đỉnh Sơn bị “tra tấn” bởi mùi thối từ việc sản xuất phân bón mà vào thời điểm có gió mùa, mùi thối này còn theo gió bay đến một số xóm lân cận.

Có một số lần, chất thải từ quá trình sản xuất được tập kết phía sau khuôn viên nhà máy của công ty nhưng không có mái che, nên khi trời mưa nước sẽ trôi dạt ra môi trường xung quanh và tràn trực tiếp xuống sông.

Theo quan sát, phía bên trong bờ rào, ngay vị trí xuất phát đường ống xả thải, hàng nghìn m3 phân bón được Công ty Cổ phần mía đường sông Lam ủ, tập kết lộ thiên, không hề có biện pháp che chắn. Càng tiến lại gần, mùi thối càng nồng nặc.

Người dân còn phản ánh mùi hôi thối của phân bón trong khuôn viên nhà máy bốc ra.

Về việc này, ông Cao Phi Nhật, Phó Chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn cho biết, đơn vị có nhận được phản ánh về việc mùi hôi thối bốc ra từ công ty. “Người dân chỉ phản ánh một hai lần, thời điểm đó công ty dùng xe chở phân bón đi nơi khác nên dẫn đến việc bốc mùi. Chúng tôi cũng đã nhắc nhở công ty có biện pháp khắc phục”, ông Nhật nói.

Được biết, Công ty Cổ phần mía đường Sông Lam tiền thân là doanh nghiệp quốc doanh 100% vốn Nhà nước. Đến năm 2005, đơn vị này chuyển thành công ty cổ phần, hiện nay do ông Đặng Mạnh Hùng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, đơn vị này đã nhiều lần bị các đoàn kiểm tra chỉ ra nhiều vi phạm về môi trường, như: Công tác vệ sinh công nghiệp chưa tuân thủ quy định, chất thải rắn phát sinh từ quá trình sản xuất không được thu gom, xử lý triệt để, bã bùn chưa có bãi tập kết…

Theo Nguyễn Anh Ngọc/nguoiduatin.vn

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top