Yên Thành – Nghệ An: Doanh nghiệp ngang nhiên múc đất đồi đem bán trái phép

09/05/2018 | 10:31:30

Tại xã Đức Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An), một doanh nghiệp nhiều ngày qua đã ngang nhiên dùng máy xúc và xe tải cỡ lớn để múc đất chở đi bán.

 

Người dân tại khu vực xóm 10, xã Đức Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) phản ánh những ngày qua, một doanh nghiệp trên địa bàn vô tư múc đất đồi đem bán.

Doanh nghiệp ngang nhiên đưa máy xúc cỡ lớn và xe tải vào xúc đất đem bán khiến những quả đồi ngày càng bị biến dạng.

Có mặt tại đây sáng ngày 8/5, phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường dễ dàng bắt gặp những xe tải cỡ lớn chở đất đồi chạy theo trục đường liên xã hướng ra đường quốc lộ 48A để đi đổ chân các công trình.

Theo dấu xe chở đất, con ngõ dẫn vào công trường khai thác đất “chui” bị cày xới nham nhở, in hằn sâu những vệt bánh xe. Tiến sâu vào trong, công trường khai thác đất dần lộ diện nằm khuất sâu sau một quả đồi khi phóng viên bắt gặp xe tải BKS 37C-202.69 đang lặc lè chở đầy đất đồi đi ra. Tại đây, một máy xúc cỡ lớn đang làm việc hết công suất để đưa đất lên xe tải. Cách đó không xa, một lều bạt được dựng lên để một người phụ nữ túc trực ghi biển số xe ra vào “ăn đất”.

Một lúc sau, những xe tải biển kiểm soát 37C-21299; 37C-190.91… lần lượt tiến vào khu vực này để “ăn đất”.

Một xe tải chở đầy đất đồi chuẩn bị ra khỏi công trường khai thác.

Theo nhiều người dân địa phương, thực trạng doanh nghiệp cho máy múc và xe tải vào đây lấy đất đồi đem bán đã xảy ra nhiều ngày qua khiến con ngõ nhỏ bị cày xới nham nhở. Những ngày này trời nam nắng, mỗi khi có xe tải chạy vào lấy đất đều bụi bay mù mịt khiến người dân rất bức xúc.

Khi đề cập đến thực trạng trên, ông Hà Huy Công, Chủ tịch UBND xã Đức Thành cho rằng: “Hôm qua xã đã cho lập biên bản và hiện tại đã dừng lại rồi chứ!?”

Tuy nhiên, khi phóng viên cho biết, vừa đi từ xóm 10 xã Đức Thành ra và ghi nhận tình trạng khai thác đất trái phép vẫn diễn ra bình thường, hiện tại các xe ô tô tải liên tục vào ra lấy đất chở ra khỏi địa bàn thì người đứng đầu chính quyền xã Đức Thành mới nói: “Để tôi kiểm tra lại và cho địa chính xuống xử lý”.

Con ngõ ở xóm 10, xã Đức Thành dẫn vào nơi khai thác đất “chui” bị cày nát vì xe tải chở đất.

Cuối buổi sáng cùng ngày, phóng viên gọi điện lại thì được ông Hà Huy Công, Chủ tịch UBND xã Đức Thành cho biết: “Tôi đã cho người kiểm tra và lập biên bản cho dừng hẳn rồi!”.

Trong khi đó, khi được hỏi về thực trạng khai thác đất đồi trái phép tại xóm 10, xã Đức Thành, ông Thái Hữu An, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Yên Thành thừa nhận chưa nắm được thông tin và sẽ cho kiểm tra lại rồi thông báo sau.

Được biết, thời gian gần đây, không riêng tại xóm 10 xã Đức Thành mà nhiều khu vực khác trên địa bàn xã này vẫn xảy ra tình trạng doanh nghiệp vô tư đem máy móc, phương tiện khai thác đất đồi chui đem bán gây thất thoát tài nguyên, hư hỏng đường sá, bụi bặm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng huyện Yên Thành cần phải xử lý mạnh tay để chấm dứt thực trạng này.

Điều 34 Nghị định 142/2013/NĐ-CP quy định:

1. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân mà không sử dụng để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó, cụ thể: a) Từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng khoáng sản sau khai thác để cho, tặng người khác; b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp đem bán khoáng sản sau khai thác cho tổ chức, cá nhân khác.

2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi không đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh nơi có khoáng sản khai thác đối với hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác được sử dụng cho xây dựng công trình đó.

3. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư nhưng sản phẩm khai thác không sử dụng để xây dựng công trình đó, cụ thể: a) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với trường hợp khoáng sản sau khai thác đem sử dụng cho dự án, công trình khác; b) Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp khoáng sản sau khai thác đem bán cho tổ chức, cá nhân khác.

Tác giả: Duy Ngợi

Nguồn tin: Báo Bảo vệ rừng và Môi trường

 

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top