8 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 182 vụ cháy, thiệt hại tài sản ước tính khoảng gần 27 tỷ đồng

10/10/2023 | 09:17:48

Thông tin này được UBND tỉnh cho biết tại Báo cáo số 742/BC-UBND về kết quả 8 tháng (số liệu từ ngày 03/01/2023 đến ngày 31/8/2023) thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh.

Trong 8 tháng qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 182 vụ cháy, không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 26,987 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2022, tổng số vụ cháy tăng 27 vụ (182/155), số người chết giảm 04 người, thiệt hại về tài sản tăng 21,787 tỷ đồng (26,987/5,2 tỷ đồng).

Lực lượng chức năng đã điều tra làm rõ nguyên nhân 167/182 vụ (chiếm 91,75%). Trong số 182 vụ cháy, có 99 vụ xảy ra tại thành phố, thị xã và có 83 vụ cháy xảy ra trên địa bàn nông thôn. Trong đó, vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản là vụ cháy 05 tàu cá neo đậu tại Cảng Lạch Quèn, xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, vào ngày 28/7/2023 gây thiệt hại về tài sản khoảng 20,9 tỷ đồng.

Về công tác cứu nạn, cứu hộ (CHCN): Lực lượng chức năng đã CHCN 41 vụ (chủ yếu là đuối nước, tai nạn giao thông) cứu được 10 người, tìm thấy 36 thi thể nạn nhân.

Công tác chỉ đạo PCCC và CHCN được thực hiện toàn diện, sâu sát

Triển khai thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác PCCC và CHCN, UBND tỉnh đã ban hành 18 văn bản chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện toàn diện các mặt công tác PCCC và CNCH trên địa bàn, trong đó có một số văn bản mang tính chiến lược, dài hạn, tạo nguồn lực phục vụ hiệu quả công tác PCCC và CNCH.

Nổi bật là UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 01/02/2023 quán triệt, triển khai thực hiện sâu rộng, toàn diện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị; trong đó cụ thể hóa các nhiệm vụ, trách nhiệm của từng Sở, ban, ngành, địa phương, đảm bảo phù hợp với đặc điểm tình hình từng địa bàn, lĩnh vực để tổ chức thực hiện. Qua đó, 100% các Sở, ban, ngành liên quan, 21/21 UBND cấp huyện, Công an cấp huyện; 460/460 UBND cấp xã, Công an cấp xã đã ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh ban hành hơn 50 văn bản chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao và hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định về PCCC và CNCH trên địa bàn toàn tỉnh.

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Công an tỉnh ký kết 08 Quy chế phối hợp với các Sở, ngành trong đảm bảo an ninh trật tự, an toàn PCCC và CNCH. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh Nghệ An quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trên địa bàn tỉnh Nghệ An trước ngày Luật phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 ngày 29/6/2001 có hiệu lực, trong đó lồng ghép quy định việc di dời các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trong khu dân cư không đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC. Hiện nay, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành tiếp tục rà soát, tăng cường công tác tuyền truyền, vận động tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Qua rà soát, hiện nay trên địa bàn không có cơ sở, công trình, phương tiện giao thông có tính chất đặc thù của địa phương cần phải xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về bảo đảm an toàn PCCC đối với các loại hình, đối tượng đặc thù chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo đảm an toàn PCCC.

Xây dựng nhiều mô hình PCCC hiệu quả

Thời gian qua, công tác PCCC và CNCH luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm, chú trọng, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và đạt được nhiều kết quả tích cực; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC được nâng cao. Lực lượng Công an các cấp đã làm tốt công tác nắm dự báo tình hình, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp đảm bảo an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn toàn tỉnh.

UBND tỉnh chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH đáp ứng yêu cầu tình hình mới” với nội dung phong phú, đa dạng, thu hút được sự quan tâm của các cấp, các ngành và đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng. Đặc biệt, trong các đợt cao điểm về PCCC như “Tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy, nổ”, “Ngày toàn dân PCCC”… công tác tuyên truyền về PCCC và CNCH được đẩy mạnh. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích tuyên truyền về PCCC và CNCH tại trụ sở cơ quan, trên các tuyến đường lớn, những nơi công cộng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh phong trào toàn dân PCCC trên địa bàn tỉnh; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCCC… Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 92 Đội PCCC chuyên ngành với 907 đội viên, 3.783 Đội dân phòng với hơn 44.000 đội viên, 6.513 Đội PCCC cơ sở với hơn 47.538 đội viên.

Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm về bảo đảm an toàn PCCC trên địa bàn, tập trung đối với 06 nhóm đối tượng trọng điểm về PCCC, gồm: Bệnh viện; Chợ; Trường học; Khu chung cư; Khu dân cư tập trung nhiều nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; Nhà máy, cơ sở sản xuất liên quan đến hóa chất, nguyên liệu, hàng hóa dễ cháy. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng các mô hình tổ liên gia an toàn PCCC, các điểm chữa cháy công cộng. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, nhân rộng 386 mô hình Khu dân cư an toàn PCCC; 16 mô hình Trường học an toàn PCCC; 06 mô hình khu di tích an toàn PCCC; 06 mô hình Rừng an toàn PCCC; 05 mô hình Chợ an toàn PCCC; 02 mô hình Bệnh viện an toàn PCCC; 01 mô hình cơ sở sản xuất an toàn PCCC; 01 mô hình Chung cư an toàn PCCC; 01 mô hình Khu công nghiệp an toàn PCCC; 01 mô hình “Tiếng kẻng phát thanh phòng gian, phòng cháy”.

Ngoài ra, đã tổ chức xây dựng và nhân rộng 971 mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC; 2.074 Điểm chữa cháy công cộng tại các ngõ, hẻm trong khu dân cư có chiều sâu từ 50m trở lên mà xe chữa cháy không thể tiếp cận khi có cháy, nổ… Các mô hình sau khi đi vào hoạt động đã cơ bản phát huy hiệu quả, kịp thời phát hiện ngăn chặn nhiều vụ cháy nổ khi mới xảy ra, không để phát sinh cháy lan, cháy lớn.

Mặt khác, UBND tỉnh đã chỉ đạo phát động mạnh mẽ phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” để tuyên truyền, vận động trước hết ở cán bộ, đảng viên công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trên địa bàn gương mẫu đi đầu thực hiện và lan tỏa đến toàn thể người dân trên địa bàn. Kết quả đến nay, đã có 260.850 hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có bình chữa cháy (đạt 31,4%).

Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng chức năng đã tuyên truyền, vận động 427/427 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh từ 02 tầng trở lên mở lối thoát nạn thứ 2 theo quy định (đạt 100%).

Kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư hoàn thành việc khắc phục những vi phạm trong PCCC

Công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC và cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế kỹ thuật về PCCC được thực hiện nghiêm theo quy định. Trong kỳ, đã thẩm duyệt thiết kế về PCCC và cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế kỹ thuật về PCCC cho 128 công trình; cấp Văn bản thẩm duyệt điều chỉnh thiết kế cho 70 công trình; kiến nghị chủ đầu tư và đơn vị thiết kế điều chỉnh thiết kế về PCCC cho 234 công trình…

Cơ quan chức năng cũng đã tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện việc khắc phục tồn tại về PCCC của chủ đầu tư đối với từng công trình, kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư hoàn thành việc khắc phục theo đúng quy định của pháp luật để được cấp có thẩm quyền chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC. Trong kỳ, cơ quan chức năng đã tổ chức 03 đợt kiểm tra liên ngành và 17 đợt kiểm tra chuyên đề; trong đó, đã tiến hành kiểm tra PCCC tại 15.995 lượt cơ sở, phát hiện 479 lỗi vi phạm, lập 373 biên bản vi phạm hành chính; xử phạt, nộp Ngân sách Nhà nước hơn 5 tỷ đồng.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả rất tích cực, song thực tế công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC tại một số địa bàn chưa được tiến hành thường xuyên, sâu rộng, đặc biệt các địa bàn thôn, xóm, bản vùng sâu, vùng xa miền núi, biên giới… nên một bộ phận người dân còn thiếu kỹ năng thoát hiểm và xử lý các sự cố cháy, nổ ngay từ ban đầu.

Việc xử lý đối với các cơ sở trên địa bàn không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực thi hành còn gặp một số khó khăn, nhất là đối với các cơ sở công lập, việc khắc phục đòi hỏi phải có nguồn kinh phí lớn từ ngân sách của nhà nước.

Mặc dù được kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền, chấn chỉnh thường xuyên, tuy nhiên, một số cơ sở chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC; một số cơ quan, đơn vị, lực lượng PCCC cơ sở chưa thực hiện nghiêm công tác tự kiểm tra bảo đảm PCCC và CNCH, chưa thường xuyên tập huấn nâng cao trình độ, năng lực trong xử lý các tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn, dẫn đến khi xảy ra cháy còn lúng túng, chưa chủ động trong triển khai các mặt công tác PCCC theo phương châm “04 tại chỗ”.

Theo nghean.gov.vn

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top