Hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai dự án đường bộ cao tốc

02/06/2023 | 10:08:32

Sáng 01/6, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai dự án đường bộ cao tốc. Đồng chí Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Lê Hồng Vinh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì.

Quang cảnh điểm cầu Nghệ An

Từ năm 2020 đến nay, đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng thêm 566 km đường cao tốc

Báo cáo tại hội nghị, Cục Trưởng Cục quản lý xây dựng Lê Quyết Tiến cho biết: Giai đoạn 2001 – 2010, cả nước chỉ đưa vào khai thác được 89 km đường cao tốc; giai đoạn 2011 – 2020, đã đưa vào khai thác thêm 1.074 km, nâng tổng số chiều dài đường bộ của nước ta đến hết năm 2020 lên 1.163 km.

Thực hiện các Nghị quyết đại hội Đảng về phát triển hạ tầng giao thông trong đó có đường bộ cao tốc, từ năm 2020 đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã dành nguồn lực lớn để đầu tư các đường cao tốc và đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng thêm 566 km (trong đó, có 166 km do các địa phương đầu tư hoặc là cơ quan chủ quản), nâng tổng số đường cao tốc của nước ta đến nay lên 1.729 km, như vậy chỉ trong 3 năm đã hoàn thành bằng 1/2 số km đường cao tốc triển khai trong 10 năm trước đây. Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, có 3.000 km đường cao tốc, trong 3 năm tới phải nỗ lực triển khai khoảng 1.300 km đường cao tốc.

Để đạt được mục tiêu đó, trong năm 2022, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư của 6 dự án đường cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.300 km, tổng vốn đầu tư gần 400.000 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 500 km giao cho các địa phương triển khai. Ngoài ra, Bộ GTVT và các địa phương cũng đã và đang hoàn thành các thủ tục để chuẩn bị khởi công xây dựng khoảng 700 km, trong đó các địa phương thực hiện khoảng 400 km; hiện đang thu xếp nguồn vốn để sau 2025 triển khai khoảng 900km, trong đó địa phương thực hiện khoảng 750km.

Từ thực tế triển khai dự án cao tốc trong hơn 20 năm vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Đó là, một số quy định của pháp luật còn bất cập; quy định về trình tự đầu tư còn kéo dài, nhiều thủ tục liên quan đến nhiều Bộ, ngành; thời gian từ khi đề xuất cho đến khi khởi công dự án kéo dài; một số hướng dẫn của các bộ, ngành còn chưa cụ thể, rõ ràng, dễ gây các cách hiểu khác nhau khi triển khai thực hiện. Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư chậm, còn nhiều tồn tại, vướng mắc chưa được xử lý kịp thời.

Các dự án công trình đường bộ thường trải dài, đi qua nhiều địa phương, qua nhiều vùng địa lý với các điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn phức tạp, nhu cầu vật liệu lớn, kỹ thuật xây dựng phức tạp…; bị tác động trực tiếp của thời tiết có xu hướng cực đoan, diễn biến bất thường gây khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Nhu cầu vật liệu xây dựng lớn, trong khi các mỏ vật liệu đang khai thác chỉ phục vụ cho nhu cầu thông thường tại địa phương. Khi các dự án giao thông triển khai đồng loạt gây khan hiếm về nguồn cung. Trong khi đó, thủ tục cấp phép mỏ mới còn phức tạp, kéo dài qua nhiều khâu, nhiều cấp, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Công tác phối kết hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án chưa kịp thời. Công tác tuyên truyền để người dân có sự đồng thuận, ủng hộ chủ trương đầu tư dự án, giải phóng mặt bằng còn hạn chế. Khả năng thu hút huy động vốn tư nhân tham gia đầu tư các dự án giao thông còn thấp, các ngân hàng còn thận trọng trong việc cho vay đầu tư giao thông. Năng lực quản lý điều hành của các chủ đầu tư chưa đồng đều, để đáp ứng yêu cầu khi triển khai các dự án lớn.

Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần được quan tâm từ sớm, ngay từ bước chuẩn bị dự án

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An

Tại hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Định, Hậu Giang, Phú Yên… tham luận về công tác lập dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật; công tác khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn và công tác điều tra mỏ vật liệu xây dựng; công tác chuyển đổi rừng, đất rừng; công tác lựa chọn nhà thầu; một số nội dung về an ninh trật tự trong quá trình triển khai; một số nội dung thường gặp trong quá trình kiểm toán đối với dự án theo hình thức chỉ định thầu…

Theo các địa phương, để triển khai có hiệu quả các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, cụ thể là các dự án đường bộ cao tốc, vành đai quy mô lớn, phức tạp liên quan đến nhiều chủ thể, nhiều ngành, lĩnh vực, vì vậy cần tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, tích cực của Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan Trung ương và địa phương nơi dự án đi qua trong quá trình triển khai dự án; xác định đây là nhiệm vụ chính trị chung vì mục tiêu tối thượng là thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng, Nhà nước. Cùng với đó là sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của cấp ủy các cấp tỉnh/Thành phố nơi dự án đi qua và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Công tác chuẩn bị dự án là khâu yếu, mất rất nhiều thời gian, cần phải được quan tâm rà soát chặt chẽ, kỹ lượng ngay từ đầu. Xây dựng Kế hoạch và Quy chế phối hợp triển khai dự án giữa các địa phương nơi có dự án đi qua để đảm bảo quá trình triển khai dự án đồng bộ, tổng thể cho toàn Dự án.

Đồng thời, ban hành Kế hoạch triển khai chi tiết thực hiện dự án; trong đó, đã cụ thể hóa các đầu việc từ bước chuẩn bị đầu tư dự án đến khi công trình đưa vào khai thác, sử dụng; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, đặc biệt quan tâm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Quản lý chặt chẽ, nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế; rà soát, kiện toàn nhân sự các đơn vị liên quan trực tiếp đến quá trình triển khai thực hiện dự án. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông; kịp thời khen thưởng, động viên khích lệ tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đồng thời, nhắc nhở các đơn vị còn chưa tập trung trong công tác phối hợp, thiếu trách nhiệm trong giải quyết công việc thuộc chức năng quản lý ngành, lĩnh vực phụ trách…

Kết luận hội nghị, đồng chí Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ đề nghị cần tăng cường phân công, phân cấp trên cơ sở giao các nhiệm vụ cụ thể, cần khắc phục ngay tư tưởng né tránh, đùn đẩy của một số cán bộ, công chức, viên chức trong triển khai thực hiện dự án. Khi có chủ trương đầu tư thì Chủ đầu tư phải phối hợp ngay với các địa phương để thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, các khu tái định cư. Tăng cường kiểm tra hiện trường, đôn đốc các Chủ đầu tư/Ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công… Tổ chức họp giao ban kiểm điểm tiến độ định kỳ và đột xuất; đồng thời nghiêm khắc phê bình, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu của các Chủ đầu tư/Ban quản lý dự án có dự án chậm tiến độ. Yêu cầu các Chủ đầu tư/Ban quản lý dự án, nhà thầu xây dựng tiến độ tổng thể, chi tiết, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tiến độ từng tuần/tháng; kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm…

Theo nghean.gov.vn

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top