Nghệ An: Hạ tầng môi trường đang “chạy theo” tốc độ đô thị hoá

21/06/2023 | 12:02:52

Không gian đô thị liên tục được mở rộng, tỷ lệ bê tông hóa tăng nhanh, diện tích ao hồ, vùng trũng giảm…đang là “gánh nặng” cho hạ tầng kỹ thuật thoát nước của TP Vinh, Nghệ An.

Thực trạng này nếu không sớm được điều chỉnh, đầu tư xây dựng kịp thời thì nguy cơ tắc nghẽn dòng chảy, xử lý nước thải sinh hoạt, ô nhiễm môi trường…sẽ trở thành vấn đề nhức nhối cho đô thị TP Vinh trong tương lai gần.

Ám ảnh nguồn nước thải xả trực tiếp ra môi trường

Đến nay, người dân địa phương không thể quên sự cố về tình trạng nhà máy xử lý nước thải của TP Vinh đặt tại xã Hưng Hoà xả nguồn nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường vào hồi đầu năm 2023 vừa qua. Mặc dù, sau khi có phản ánh từ dư luận, cơ quan chức năng đã trực tiếp vào cuộc nhưng những gì đã xảy đã trở thành nỗi “ám ảnh” cho cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Vào thời điểm nói trên, mùi hối thối, màu nước đục ngầu…phát ra xung quanh nhà máy xử lý nước thải gần 400 tỷ đồng của TP Vinh, Nghệ An hiện đang vận hành khiến người dân hoang mang, lo lắng.

Nhà máy xử lý nước thải TP Vinh có tổng kinh phí xây dựng gần 400 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA do Ngân hàng tái thiết Đức (KfW) tài trợ, được khởi công vào tháng 2/2009.

Đây là công trình với nhiều hạng mục như: Hệ thống mương và giếng tách, hệ thống truyền tải, các trạm bơm và nhà máy xử lý nước thải với công suất thiết kế 25.100 m3/ngày đêm. Đến cuối năm 2012, Nhà máy hoàn thành và đi vào hoạt động vận hành để tiến hành xử lý nước thải của thành phố. Hiện, nhà máy này cũng đã được lắp hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát quá trình xử thải.

Nhà máy xử lý nước thải TP Vinh có tổng kinh phí xây dựng gần 400 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA do Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) tài trợ, khi đi vào hoạt động (năm 2012) đã được lắp hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát quá trình xử thải nhưng vào những ngày đầu tháng 02/2023 vẫn “sự cố” xả thải trực tiếp nguồn thải chưa được xử lý ra môi trường xung quanh gây hoang mang dư luận địa phương

Được biết, nhà máy xử lý nước thải tập trung Thành phố Vinh do Công ty CP Quản lý và phát triển hạ tầng đô thị Vinh quản lý, vận hành, bảo dưỡng theo hợp đồng số 01/2020/HĐTN ngày 9/6/2020 UBND Thành phố Vinh và Công ty CP quản lý và phát triển hạ tầng đô thị Vinh.

Sau khi vụ việc xảy ra, trả lời báo chí, Hoàng Hồng Khanh – Giám đốc Công ty CP Quản lý và phát triển hạ tầng đô thị Vinh nói rằng nguyên nhân do “Biến tần máy thổi khí số 5 tại Nhà máy xử lý nước thải tập trung thành phố Vinh gặp sự cố cháy nổ, nhảy attomat, không hoạt động được”.

Vào thời điểm nói trên, đại diện Công ty CP Quản lý và phát triển đô thị Vinh cũng xác nhận rằng, công suất xử lý theo thiết kế giai đoạn 1 của nhà máy xử lý nước thải tập trung thành phố Vinh chỉ là 25.100m3/ ngày đêm, tương ứng với giấy phép xả nước thải vào nguồn nước đã được Bộ TN&MT cấp theo Giấy phép số 3191/GP-BTNMT, ngày 14/12/2017. Tuy nhiên, trên thực tế nhà máy luôn quá tải nguồn đầu vào, thực tế lên đến khoảng 30.000m3, thậm chí là hơn.

Chính vì vậy, với sự cố về thiết bị kỹ thuật đang tồn tại ở nhà máy xử lý nước thải tập trung của TP Vinh, dư luận vẫn chưa thể yên tâm vì không ai dám chắc được vụ việc có thể tái diễn, xảy ra trong thời gian tới?

Hạ tầng kỹ thuật “lép vế” tốc độ đô thị hoá

Hiện nay, nhà máy xử lý nước thải Vinh tại xã Hưng Hòa đã đi vào hoạt động ổng định và hoạt động hết công suất 25000 m3/ngày, đêm và xử lý cho toàn bộ 25/26 đơn vị hành chính của TP Vinh. Trong khi đó, vào tháng 8/2022, Nghệ An thống nhất phương án mở rộng địa giới hành chính TP Vinh.

Với phương án sát nhập, mở rộng địa giới hành chính đô thị trực thuộc tỉnh Nghệ An, toàn bộ thị xã Cửa Lò cùng với 6 xã Nghi Thạch, Nghi Xuân, Nghi Phong, Phúc Thọ, Nghi Thái và Khánh Hợp (huyện Nghi Lộc) sẽ sáp nhập về TP Vinh quản lý. Nghĩa là, sau khi điều chỉnh có 166,24 km2 diện tích tự nhiên, dân số 575.718 người; có 36 đơn vị hành chính cấp xã gồm 27 phường. Hiện tỉnh Nghệ An cũng đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình được Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Còn hiện tại, khi nhìn xa hơn ở các đô thị vệ tinh, chúng tôi được biết hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn có hệ thống thu gom và xử lý nước thải của Thị xã Cửa Lò cũng đã hoàn thiện giai đoạn I và đang làm các thủ tục bàn giao cho chính quyền quản lý. Nhà máy xử lý nước thải Thái Hòa cũng đã đi vào hoạt động chính thức và đang vận hành với công suất 1200 m3/ngày, đêm.

Dự án xử lý nước thải tập trung tại thị xã Cửa Lò đã hoàn thiện giai đoạn I từ nhiều năm nay nhưng hiện vẫn đang ở trạng thái đang hoàn thiện thủ tục để bàn giao cho chính quyền để vận hành, xử lý

Ngoài ra, dự án hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu TP Vinh, tỉnh Nghệ An có tổng mức đầu tư dự kiến 195 triệu USD (khoảng 4.485 tỷ đồng) của nhà tài trợ là Ngân hàng Thế giới. Hiện nay dự án đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý thực hiện dự án. Đây cũng là tiền để cho mục tiêu tiếp theo của chuyên đề thu gom xử lý nước thải nhanh hoàn thành mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, có một thực tế trong thời gian qua có thể dễ nhận thấy đó là tốc độ đô thị hóa nhanh hơn tốc độ đầu tư hạ tầng thoát nước, các vùng trũng chứa nước tự nhiên bị suy giảm dẫn đến việc tiêu thoát nước hoàn toàn phụ thuộc vào các tuyến mương xây dựng mới.

Không gian đô thị liên tục được mở rộng kèm theo sự hình thành của các khu đô thị mới phát sinh, tỷ lệ bê tông hóa tăng nhanh, diện tích ao hồ, vùng trũng giảm. Hệ thống cống thoát nước tại các đô thị là cống chung thu gom cả nước mưa và nước thải nhưng chưa được xử lý.

Chưa kể, một số công trình đầu mối như trạm bơm, âu chứa, cửa phai không còn đáp ứng được với thực tế. Các công trình thoát nước trong đô thị đầu tư cùng với đường có tiết diện nhỏ do không tính toán đủ tiết diện thoát nước dẫn đến gây tắc nghẽn và ngập úng cục bộ. Nhiều điểm giao cắt của các công trình hạ tầng ngầm với hệ thống thoát nước dẫn đến tình trạng giảm tiết diện của hệ thống thoát nước và gây ách tắc cục bộ…

Đặc biệt, tình trạng ước thải được xử lý qua bể tự hoại trước khi xả vào hệ thống cống chung, giếng tách nên ô nhiễm không khi do mùi chất thải gây ra khi hệ thống gom có khả năng ngăn mùi kém. Mặt khác, hệ thống nước thải đã qua bể tự hoại sẽ loại bỏ bớt vi sinh dẫn đến hiệu quả xử lý của công trình xử lý chưa cao.

Đáng quan tâm, vốn đầu tư cho hệ thống thu gom và xử lý nước thải thường lớn nhưng khả năng tự tạo ra nguồn lực để vận hành hệ thống đang là bài toán cần có lời giải thuyết phục nếu như không nói đến việc cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng sắp tới khi TP Vinh được phép “ôm trọn” đô thị biển Cửa Lò và một số xã của huyện Nghi Lộc, Nghệ An.

Theo Ngọc Thái/diendandoanhnghiep.vn

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top