Những chủ trương, chính sách giáo dục “đẽo cày giữa đường” ​ở Hà Tĩnh

28/07/2018 | 09:38:19

Cuộc thi khảo sát giáo viên THPT do Sở GD&ĐT Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) dự kiến tổ chức thi vào nửa đầu tháng 8/2018 đã phải hủy bỏ trước những ý kiến phản đối của dư luận do có nhiều bất cập có thể phát sinh nhiều tiêu cực có thể xảy ra.

Theo đó, nhiều ý kiến của dư luận cho rằng, qua sự việc này, dễ dàng thấy được sự “tiền hậu bất nhất” và tính chất duy y chí của đơn vị này khi đưa ra một số quyết sách ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực giáo dục của tỉnh nhà.

Cụ thể, vào tháng 10/2017, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh có công văn 1479/SGD&ĐT –THPT ngày 02/10/2017 về Thi khảo sát giáo viên THPT năm học 2017-2018.

Thời gian dự kiến thi vào nửa đầu tháng 8/2018. Nội dung thi sẽ gồm 2 phần. Phần một là về kiến thức chuyên môn thuộc bộ môn mà giáo viên đang trực tiếp giảng dạy. Phần hai là hiểu biết về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với giáo dục và đào tạo.

Văn bản của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh gửi Hiệu trưởng các trường THPT về việc dừng tổ chức cuộc thi khảo sát giáo viên.

Tuy nhiên, khi gần đến thời điểm tổ chức thì cuộc thi đã vấp phải sự phản đối của nhiều giáo viên nói riêng và dư luận nói chung.

Cuối cùng, ngày 23/7, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã phải ra công văn dừng tổ chức cuộc thi trong niềm vui của những người làm giáo dục Hà Tĩnh.

Một số giáo viên cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Sở tổ chức thi khảo sát giáo viên như thế này, mà trước đây các cuộc thi “chất lượng giáo viên” đã từng được tổ chức ở các cấp học, ngành học.

Lần này, nếu không bị dư luận lên tiếng phản đối, có lẽ Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã tiếp tục cho tổ chức thi, và kéo theo đó sẽ là nhiều hệ lụy tiêu cực sau đó có thể xảy ra.

Nhiều giáo viên cho rằng, những cuộc thi như vậy thực sự không cần thiết mà còn “làm khổ” giáo viên. Bình thường nghề đi dạy vốn đã chịu nhiều áp lực, “trên đe dưới búa”, việc tổ chức thi như vậy còn khiến giáo viên có những áp lực tâm lý nặng nề không đáng có.

Hơn nữa, các cuộc thi hiện nay nảy sinh rất nhiều tiêu cực từ lộ đề thi, chạy điểm, áp lực về việc bị dùng các kết quả này để thuyên chuyển…

“Riêng cuộc thi khảo sát giáo viên lần này nếu tiếp tục được tổ chức cũng sẽ gây lãng phí, tốn kém những khoản chi phí lớn để thực hiện mà hiệu quả đưa lại không giúp ích được gì nhiều cho việc dạy và học trong trường phổ thông.

Nếu như các vị lãnh đạo của Sở đặt mình vào hoàn cảnh và bản thân của các giáo viên, họ sẽ hiểu những cuộc “thi thầy” như thế này đã ảnh hưởng đến tâm lý giáo viên chúng tôi như thế nào”, một giáo viên chia sẻ.

Sở GD&ĐT Hà Tĩnh trong những năm gần đây cũng đã có không ít chủ trương, chính sách không hợp lý để lại hậu quả nặng nề cho giáo dục tỉnh nhà.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh Trần Trung Dũng trong một lần trao đổi với PV về chương trình Vnen.

Ví dụ rõ ràng nhất là việc thực hiện mô hình Trường học mới VNEN của tỉnh Hà Tĩnh. Đây là địa phương vốn không nằm trong Dự án GPE- VNEN, mà chỉ có 1/1447 trường trong cả nước thực hiện chương trình thử nghiệm này.

Tuy nhiên, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã vội vàng cho thực hiện ồ ạt. Để rồi, trong 5 năm thực hiện, dự án này đã vấp phải sự phản đối dữ dội của giáo viên, phụ huynh và học sinh… Trong quá trình thực hiện, đã có nhiều ý kiến phản hồi những bất cập của dự án này trong quá trình thực hiện, nhưng dường như Sở GD&ĐT Hà Tĩnh vẫn “bỏ ngoài tai”.

Cuối cùng, chỉ khi bị UBND tỉnh Hà Tĩnh vào cuộc thì đơn bị này mới buộc phải tạm dừng thực hiện, không cho phát triển đại trà.

Nếu như không “đốt cháy giai đoạn”, có lộ trình bền vững, biết cách lắng nghe ý kiến góp ý của những người trong cuộc thì có thể giáo dục phổ thông Hà Tĩnh đã không phải chịu nhiều hậu quả nặng nề khi Dự án thất bại.

Qua những vụ việc trên, lãnh đạo Sở GD&ĐT có lẽ cũng cần thẳng thắn nhìn nhận và rút ra bài học kinh nghiệm cho mình trong quá trình ban hành các chủ trương, chính sách. Để từ đó, không còn phải “đẽo cày giữa đường” như sự việc vừa qua.

Tác giả: Mai Nguyễn

Nguồn tin: Báo Infonet

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top