Cô giáo Lê Thị Dung có được tiếp tục làm giáo viên sau khi mãn hạn tù?

03/07/2023 | 07:33:17

Ngày 28/6, cô giáo Lê Thị Dung đã làm các thủ tục để rời Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An, được đoàn tụ với gia đình khi chấp hành xong án phạt tù. Vậy sau khi mãn hạn tù, cô giáo Lê Thị Dung có được tiếp tục làm giáo viên?

Cô giáo Lê Thị Dung (nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) đã được đoàn tụ với gia đình sau khi chấp hành xong án phạt tù. Ảnh: HĐ

Như Tạp chí Công dân và Khuyến học đã đưa tin, cô giáo Lê Thị Dung (nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) đã được mãn hạn tù sau 15 tháng chấp hành án phạt theo bản án phúc thẩm của Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An vào ngày 28/6.

Liên quan đến sự việc này, dư luận đặt câu hỏi: Theo Luật, khi chấp hành xong án phạt tù, cô giáo Lê Thị Dung có được tiếp tục làm việc tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên không?

Theo bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân huyện Hưng Nguyên, bà Lê Thị Dung trước khi bị bắt đang là công chức công tác tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Vì vậy, bà Lê Thị Dung thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Cán bộ, Công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan.

Cụ thể, theo khoản 3 điều 79 Luật Cán bộ, Công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; công chức lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm.

Áp dụng quy định trên, bà Lê Thị Dung bị tuyên phạt 15 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” theo quy định tại điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Mặt khác, tội danh này thuộc mục 1 (các tội phạm tham nhũng) tại chương XXIII (các tội phạm về chức vụ) của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo quy định tại khoản 2 điều 30 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18 tháng 9 năm 2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã quy định về quyết định kỷ luật công chức như sau: “Trường hợp công chức có hành vi vi phạm bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc”

Như vậy, sau khi chấp hành xong bản án thì cô giáo Lê Thị Dung đương nhiên bị buộc thôi việc và thôi giữ chức vụ là giám đốc trung tâm đã được bổ nhiệm tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên.

Cô giáo Lê Thị Dung có được tiếp tục hành nghề trong lĩnh vực giáo dục?

Theo điều 41 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội. Thời hạn cấm là từ 1-5 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An chỉ tuyên phạt bị cáo Lê Thị Dung 15 tháng tù, tính từ ngày bị bắt giam 28/3/2022 về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ngoài ra, không áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề trong một thời gian nhất định. Điều này đồng nghĩa bà Lê Thị Dung sẽ được tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực giáo dục sau khi mãn hạn tù.

Mặt khác, theo điểm b khoản 2, điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người bị kết án tù giam với khung hình phạt tối đa là 5 năm tù sẽ được xóa án tích nếu trong khoảng thời gian 2 năm từ khi chấp hành xong hình phạt chính, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới.

Như vậy, do bị tuyên án tù giam với thời hạn tù dưới 5 năm nên thời hạn để cô giáo Lê Thị Dung được xóa án tích sẽ là 2 năm kể từ ngày chấp hành xong án phạt tù.

Ngoài ra, khoản 2, điều 36 Luật Cán bộ, Công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định người đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích sẽ không được đăng ký dự tuyển công chức.

Vậy nên, trong thời gian này, theo quy định của Luật Cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), cựu Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên sẽ không được phép đăng ký dự tuyển công chức.

Từ những phân tích trên, sau khi mãn hạn tù, cô giáo Lê Thị Dung hoàn toàn được tiếp tục hoạt động trở lại trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, do thời hạn được xóa án tích là 2 năm kể từ ngày chấp hành xong án phạt tù nên trong khoảng thời gian này, cô giáo Lê Thị Dung sẽ không đủ điều kiện đăng ký dự tuyển công chức theo quy định của pháp luật. Thay vào đó, cô giáo Lê Thị Dung chỉ có thể hoạt động tại các cơ sở giáo dục tư nhân, tự kinh doanh giáo dục hoặc ký hợp đồng thời vụ với các cơ sở giáo dục công lập.

Sau khi hết thời hạn 2 năm, nếu được xóa án tích, cô giáo Lê Thị Dung sẽ được phép thi tuyển để trở lại biên chế của ngành giáo dục.

Trước đó, trong các ngày 7, 10, 11, 17 và 24/4, Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên xét xử sơ thẩm công khai vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với bị cáo Lê Thị Dung (51 tuổi), nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Hưng Nguyên truy tố bà Lê Thị Dung tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điểm b, khoản 2, điều 356 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt từ 5 đến 10 năm tù.Sau thời gian xét xử, Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên tuyên phạt bị cáo Lê Thị Dung 5 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày tạm giữ, tạm giam.Đến ngày 13/6, tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An nhận định tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Lê Thị Dung mức án 5 năm tù là quá nghiêm khắc, do số tiền bị cáo hưởng lợi (gần 45 triệu đồng) là không lớn. Bên cạnh đó, nhân thân bị cáo Lê Thị Dung tốt, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ.Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Lê Thị Dung 15 tháng tù, tính từ ngày bị bắt giam 28/3/2022 về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”.

Theo Lam Linh/congdankhuyenhoc.vn

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top