Lối đi nào cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ở Nghệ An?

21/02/2024 | 08:09:09

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn nữa ở phía trước trong năm 2024…

Bối cảnh trên đã đặt ra yêu cầu cấp bách cho chính quyền tỉnh Nghệ An trong việc thực thi các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, nhất là đối với những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Tuy nhiên, mong chờ chính sách hỗ trợ là một chuyện, trước hết chính bản thân mỗi doanh nghiệp cần phải “tự lực, tự cường”, cố gắng thích nghi với thời cuộc mới có thể vươn mình phát triển bền vững.

Kiệt quệ vì “sức chiến đấu” yếu…

Theo số liệu điều tra doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An cách đây 5 năm trước, vào thời điểm 2019, toàn tỉnh có 10.180 doanh nghiệp đăng ký hoạt động; trong đó, số lượng doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm đến hơn 95%.

Đến nay, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước cùng sự sát sao của cấp ủy chính quyền địa phương với các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đã có bước tiến lớn khi tăng nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng, đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố của cả nước theo “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2023” mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố.

Tuy nhiên, đánh giá về tình hình hoạt động doanh nghiệp lúc bấy giờ, các chuyên gia cho rằng, quy mô doanh nghiệp Nghệ An vẫn còn có sự hạn chế nhất định, số lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm phần đông, vốn ít, công nghệ lạc hậu, thiếu lao động kỹ thuật, trình độ quản lý chưa cao, hiệu quả thấp và đặc biệt là chưa có nhiều thương hiệu mạnh đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực, trong nước và quốc tế.

Không những vậy, doanh nghiệp còn vấp phải sự khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, đất đai, khoa học công nghệ, quản trị, nguồn nhân lực… Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn thiếu thực tế, chưa phát huy được hiệu quả nhất định.

Là lực lượng chiếm phần đông trong cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Nghệ An, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ có vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương

Chưa kể, cộng đồng doanh nghiệp ở Nghệ An nói chung, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nói riêng vừa trải qua một năm hết sức gian nan, đầy chông gai và trắc trở bởi sự suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu thụ sụt giảm.

Thực trạng đó đã khiến cho việc sản xuất, kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp rơi vào tình cảnh trầm lắng, ảm đạm. Hàng nghìn doanh nghiệp đã phải rời bỏ cuộc chơi khi không thể trụ vững trên thương trường đầy khốc liệt; trong đó, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với số vốn ít ỏi, khả năng cạnh tranh thấp, tư duy quản lý, tầm nhìn hạn chế…

Bà Phan Thị Quỳnh Anh, giám đốc một công ty hoạt động trên lĩnh vực giáo dục kỹ năng sống trên địa bàn TP Vinh, tỉnh Nghệ An chia sẻ: Năm qua, nền kinh tế gặp khó khăn chung đã kéo theo việc thắt chặt chi tiêu của người dân trên địa bàn. Trong khi đó, khu vực này lại có sự góp mặt của hàng loạt trung tâm lớn khác khiến cho công ty chúng tôi không thể cạnh tranh, thu hút được nhiều học sinh đăng ký như trước đây.

“Việc thiếu kinh phí để duy trì các cơ sở dạy học, trả lương cho nhân viên đã dẫn đến hệ lụy tất yếu là công ty chúng tôi phải chấp nhận tạm ngừng hoạt động, tìm hướng đi mới”, bà Anh nói.

Dẫn chứng vừa nêu trên chỉ là một trong số hàng nghìn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An phải đăng ký tạm ngừng hoạt động trong năm 2023 vừa qua. Báo cáo của ngành thống kê tỉnh này đã cho thấy rõ điều đó khi nêu ra số liệu cụ thể, đó là có 1.468 doanh nghiệp phải đăng ký tạm ngừng hoạt động, đặc biệt có hơn 250 doanh nghiệp đã giải thể, tăng 41,81% và 401 doanh nghiệp thông báo giải thể, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2022.

Làm gì để vượt khó?

Có thể thấy, năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp ở Nghệ An, nhất là đối với những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đã trải qua một năm hết sức gian nan, cố gắng xoay xở để tồn tại. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, ở góc nhìn khác lạc quan hơn, vẫn ghi nhận nhiều nét nổi trội của nhiều doanh nghiệp có mức tăng trưởng dương nhờ tầm nhìn tốt, chiến lược dài hạn, linh hoạt thích nghi với bối cảnh khó khăn hiện nay.

Đơn cử như Công ty TNHH Mami Farm chuyên về sản xuất, kinh doanh dòng sản phẩm bột ngũ cốc dinh dưỡng từ nguyên liệu tự nhiên; với doanh thu mỗi tháng trung bình từ 5 – 6 tỷ đồng trong năm 2023. Đây là một công ty nhỏ, xuất phát điểm với số vốn ít ỏi và mới bước vào thị trường chưa lâu, thế nhưng nhờ chiến lược kinh doanh tốt, tạo độ tin cậy cao đối với khách hàng đã đưa đơn vị này vững vàng “sống khỏe” trong giai đoạn này.

Theo lời của vị CEO Nguyễn Thị Thu Hằng chia sẻ: Mô hình kinh doanh của Mami Farm dựa vào kênh thương mại điện tử, các trang mạng xã hội là chính bởi chúng tôi nhận ra rằng, xu hướng của khách hàng hiện nay đa phần là mua online hết.

“Hiện nay, trên hệ thống phân phối của chúng tôi có trên 500 thành viên, cộng tác viên, trải rộng từ Bắc vào Nam. Mỗi tháng, công ty xuất khoảng hơn 20.000 sản phẩm với giá trị trung bình mỗi hộp là 320.000 đồng”, bà Hằng cho biết.

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ vẫn đứng vững trên thương trường và có mức tăng trưởng dương nhờ linh hoạt trong hành động cùng tư duy chiến lược tốt

Ví dụ nêu trên để cho chúng ta thấy rõ, vấn đề tất yếu để vượt qua khó khăn đó là sự chủ động thích ứng với thời cuộc cùng tư duy chiến lược, tầm nhìn tốt của chính bản thân mỗi doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến, đó là những chính sách hỗ trợ cần thiết, kịp thời đến từ nhà nước, các cấp ngành, chính quyền địa phương. Hiện nay, một số chính sách giảm, giãn, miễn thuế hay các khoản phí phải nộp có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cho doanh nghiệp giảm bớt được nhiều chi phí kinh doanh, giảm căng thẳng dòng tiền và đặc biệt là giúp kích cầu tiêu dùng, phát triển sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, sau khi tiến hành một khảo sát nhỏ trên địa bàn, PV Diễn đàn Doanh nghiệp nhận thấy rằng, điều mà doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cần nhất lúc này, đó chính là sự đồng hành, hỗ trợ của bộ máy chính quyền ở các mặt thủ tục hành chính cùng những chi phí không tên mà doanh nghiệp phải đối mặt?!

Được biết, trong Nghị quyết thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 của tỉnh Nghệ An ban hành cũng đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; trong đó nêu rõ: Cần phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp…

Theo diendandoanhnghiep.vn

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top