Viết tiếp mạch nguồn phồn thịnh của sông Vinh

16/08/2023 | 08:34:46

Trên dòng sông Vinh có một “làng chài” nhỏ với tuổi đời hàng chục năm, cư dân xóm chài này đều là những người ở các tỉnh khác quây tụ về đây, cuộc sống no đói bao năm qua phó thác vào dòng sông Vinh. Nay, trước những thông tin về dự án sắp được triển khai trên dòng sông này, nhiều gia đình đã “nhổ neo”, chèo nốc rời sông Vinh để tiếp tục cuộc sống mới…

Sắp tới, khi dự án sông Vinh được triển khai, mong rằng cuộc sống những ngư dân của làng chài trên sông Vinh sẽ cũng đổi thay…

Mạch nguồn sông Vinh

Có chiều dài gần 6km, sông Vinh, xa xưa từng được biết đến là một dòng sông sầm uất về đi lại, thương mại. Theo sử sách còn lưu, sông Vinh hay còn gọi Cồn Mộc, Mỏ Hạc, sông Cửa Tiền, là đoạn cuối cùng của Kênh Nhà Lê được khởi đào từ năm 983 (thời Tiền Lê 981-1009).

Theo suốt chiều dài lịch sử, sông Vinh đã góp phần đáng kể vào việc hình thành các khu vực dân cư đông đúc và trù phú nối từ sông Cấm, qua sông Gai đến các xã, phường như: Hưng Thịnh, Cửa Nam, Vinh Tân, Trung Đô trước khi qua Bến Thủy và đổ ra sông Lam. Là con đường huyết mạch về giao thông, thủy lợi trong thời bình cũng như thời chiến, thúc đẩy sự phát triển về kinh tế, xã hội của những địa phương con sông chảy qua, và cả riêng TP Vinh.

Không chỉ có chức năng lớn về thủy lợi, cung cấp nước cho hệ thống kênh hào bảo vệ quanh thành, sông Vinh xưa còn là kênh giao thông tấp nập, phục vụ cho việc đi lại, giao thương của người dân. Nhờ sông Vinh, chợ Vinh thời Gia Long đã trở thành trung tâm buôn bán sầm uất bậc nhất khu vực.

Trải qua những thăng trầm, biến cố lịch sử, sông Vinh dần mai một đi sự trù phú vốn có. Đến mãi sau này, sông Vinh đơn thuần chỉ như một dòng sông sinh thái, kênh tiêu thoát nước cho TP Vinh.

Tới đây, dòng sông Vinh sẽ được cải tạo nâng cấp, và sẽ khoác màu áo mới, tạo điểm nhấn, kích cầu kinh tế.

Trước những tiềm năng, lợi thế vốn có của dòng sông Vinh, TP Vinh cũng như tỉnh Nghệ An đã quyết tâm theo đuổi, thực hiện một dự án lớn từ sông Vinh, nhằm khơi dậy tiềm năng về du lịch, thương mại… cho sông Vinh. Và cũng từ đó dự án phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu TP Vinh và tỉnh Nghệ An đã ra đời và nhận được sự quan tâm, ủng hộ lớn từ nhân dân.

Đến cuối năm 2021 đầu năm 2022, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phê duyệt đầu tư, với tổng mức đầu tư lên tới trên 190 triệu USD (trên 4.000 tỷ đồng). Với dự án này, trải qua bao nỗ lực của chính quyền, cuối tháng 7 vừa qua, Ngân hàng thế giới (WB) đã chấp thuận việc tài trợ vốn vay lên tới 129,5 triệu USD để Nghệ An thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Sỹ Diệu – Phó Chủ tịch UBND TP Vinh cho rằng, đây là một dự án lớn, trọng điểm không chỉ riêng của TP Vinh mà còn của cả tỉnh Nghệ An, mục tiêu dự án không những hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng tích hợp và phát triển khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu TP Vinh, góp phần phát triển đô thị bền vững mà còn tạo động lực phát triển toàn diện kinh tế – xã hội cho TP Vinh và tỉnh Nghệ An.

Hiện nay, tỉnh Nghệ An đang tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương để sớm được thực hiện ký kết hiệp định vốn với Ngân hàng thế giới, để bắt tay vào triển khai dự án. Theo lộ trình có thể bắt đầu từ đầu năm 2024 thì dự án này sẽ được triển khai một số hạng mục như thực hiện mở, hoàn thành tuyến đường Lê Mao kéo dài, dự án sẽ kéo dài 6 năm với nhiều giai đoạn, dự kiến đến năm 2029 sẽ hoàn thiện.

Dự án có 4 hợp phần, bao gồm: hợp phần 1 là đầu tư tích hợp thoát nước, vệ sinh môi trường và kết nối. Hợp phần này sẽ nâng cấp và mở rộng hệ thống cống thoát nước cấp hai và cấp ba cho toàn bộ khu vực trung tâm, cải thiện kết nối giao thông đồng thời cũng là cải thiện việc tiêu thoát nước; hợp phần 2 là mở rộng dung tích chứa để giảm lụt ngập đô thị; hợp phần 3 là cải tạo sông Vinh; hợp phần 4 là phát triển hệ thống và năng lực để cải thiện đô thị thích ứng.

Theo đồ án được phê duyệt, quy hoạch ven sông Vinh gồm 5 phân khu mới, 5 phân khu này dọc theo hai bên bờ sông Vinh, gồm các phân khu: Khu làng sinh thái, khu di sản, khu chợ nổi và khu nút giao Lê Mao và khu du lịch tâm linh.

Hết cảnh lay lắt một “làng chài”

Trên dòng sông Vinh, ngay phía sau lưng chợ Vinh, hàng chục năm qua vẫn luôn tồn tại một “làng chài”. Làng chài này thực tế có tuổi đời cũng khá lớn, lúc đông nhất cũng trên 10 hộ gia đình với vài ba chục nhân khẩu. Họ đều là những gia đình sống cảnh trên sông nước, đều từ các tỉnh như Quảng Bình tới đây cư ngụ. Để thuận tiện cho cuộc sống, họ dù chủ yếu sống trên thuyền, nốc đánh cá nhưng vẫn dựng nhà lều tạm bợ dọc mép sông Vinh ngay sau khu chợ Vinh để thuận tiện cho việc buôn bán.

Trải qua biết bao thăng trầm cùng sông Vinh, những gia đình dân “vạn chài sông nước” này dường như đã dần trở thành một điều hết sức đặc biệt với dòng sông. Cuộc sống mưu sinh, no hay đói của họ gần như gắn liền với dòng sông, dù điều kiện kinh tế khó khăn nhưng họ vẫn bám trụ lại đây, tụ thành một “làng chài” để hỗ trợ, giúp đỡ nhau và cùng nhau tồn tại trên dòng sông Vinh.

Trước thực tế đó, để tạo điều kiện tốt nhất cho những người dân này, nhiều năm qua phường Vinh Tân đã tạo điều kiện đăng ký tạm trú tạm vắng tại địa bàn, giúp họ trở thành như cư dân của địa phương, để con cái được đi học. Lúc mưa bão cũng như Tết đến xuân về, chính quyền cũng hết sức quan tâm, chăm lo.

Trước thực trạng cảnh sống khó khăn của cư dân làng chài này, TP Vinh cũng như phường Vinh Tân cũng đã từng lên kế hoạch hỗ trợ giúp đỡ bà con di dời, sớm có cuộc sống ổn định hơn nghề sông nước bấp bênh.

Nhận được hỗ trợ giúp đỡ di dời từ chính quyền TP Vinh, cũng như từ UBND phường Vinh Tân, bà con xóm chài này đã từng di dời khỏi dòng sông Vinh, nhưng rồi bẵng đi được một thời gian, họ lại quay trở lại. Chỉ mới đây thôi, khi bắt đầu nghe tuyên truyền về dự án cải tạo sông Vinh, nhiều hộ đã lặng lẽ “nhổ neo” dời thuyền đi nơi khác. Đến nay, làng chài ấy chỉ còn 4 hộ gia đình đang còn cố gắng bám trụ chờ tới khi dự án triển khai chắc rồi họ mới rời sông Vinh, rời mảnh đất nghĩa tình này.

Làng chài khốn khó trên sông Vinh nay nhiều gia đình đã di dời…

Tâm tư về “làng chài” trên sông Vinh, những cư dân “bất đắc dĩ” của phường Vinh Tân, ông Nguyễn Trung Dũng – Bí thư Đảng ủy phường Vinh Tâm bộc bạch, họ đều là những người từ các tỉnh khác, quây tụ về đây sinh sống với nghề chài lưới thành một nhóm, cụm cư dân nhỏ trên sông Vinh. “Làng chài” này có tuổi đời hàng chục năm, cũng thường xuyên biến động về số hộ, do sống sông nước nên họ cũng hay di chuyển đi các nơi khác, thường cũng dao động từ 5 đến 8 hộ gia đình.

Trước đây khi sông Vinh bên bờ Nam còn chưa được khai thác quỹ đất, bà con vừa ở trên thuyền nhưng cũng vừa dùng tre nứa chống chéo thêm những túp lều tạm bợ phòng khi mưa gió lớn. Chính quyền biết đời sống bà con khó khăn nên cũng rất quan tâm, sát sao và hỗ trợ thường xuyên. Trước dự án cải tạo sông Vinh, bà con nay cũng dần di chuyển khỏi địa bàn gần hết, chỉ còn lại mấy hộ rồi cũng sẽ tự di dời trong nay mai…

Vừa vội vã bê chậu cá lên xe cho kịp ra chợ chiều bán, vợ anh Vững, một trong những hộ gia đình “an cư lạc nghiệp” trên sông Vinh lâu đời tại ngôi làng vạn chài này kể, nhà có 5 nhân khẩu, hai vợ chồng và 3 đứa con, gia đình gốc Quảng Bình, sống gắn bó nơi này cũng đã gần 30 năm, gia đình cũng có nghe thông báo rồi sẽ di dời khỏi đây để làm dự án sông Vinh, ở đây các hộ cơ bản nhận được hỗ trợ, giúp đỡ từ chính quyền…

Nhìn cảnh sống khó khăn của đám trẻ con mà không khỏi chạnh lòng, trăn trở. Chỉ hi vọng rằng rồi đây, sau khi rời khỏi dòng sông Vinh, gia đình anh Vững, những đứa trẻ con anh, những người hàng xóm nơi xóm nghèo này sẽ có được một cuộc sống tốt hơn cái cảnh lay lắt như hiện tại. Như chính dòng sông Vinh vốn dĩ phồn thịnh, bỗng trầm lắng sau một thời gian dài và bây giờ bắt đầu dần khoác lên mình bộ áo mới, khơi dậy và phát triển tiềm năng vốn có, trở thành điểm nhấn lớn của TP Vinh trong tương lai gần.

Theo Hoàng Phạm/phapluatxahoi.kinhtedothi.vn

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top