Nghệ An: Biệt phái viên chức có khách quan, đúng quy định?

10/04/2022 | 10:06:20

Báo Thanh tra đã có bài “Nghệ An: Lạ kỳ chuyện tuyển dụng đặc cách viên chức ở TP Vinh”, phản ánh việc quá trình thực hiện quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An về xét tuyển đặc cách viên chức tại TP Vinh có những điểm bất thường giữa đối tượng được đề cập trong quyết định và thực tế trong quá trình tổ chức, thực hiện.

8-1649515484.jpg

Đội Quản lý TTĐT TP Vinh. Ảnh: Xuân Thống

Ngay khi bài báo đăng đã gây sự chú ý, quan tâm của dư luận và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh cũng như TP Vinh. Đến thời điểm này, những ghi nhận và phản ánh của báo chí về nội dung trên đang được các cơ quan liên quan và TP Vinh rà soát, xem xét và xử lý. 

Qua theo dõi và nhận định có thể thấy hậu quả của việc không thống nhất nội dung của một văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của viên chức, người lao động cũng như vị trí, uy tín của cơ quan hành chính Nhà nước cấp tỉnh và bộ phận tham mưu, giúp việc nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng.

Tuy vậy, qua bài viết, Báo Thanh tra cũng mong muốn Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và ngành chức năng tỉnh Nghệ An có động thái, biện pháp nhằm làm rõ trách nhiệm, vai trò của các tổ chức, cá nhân trong quá trình soạn thảo, tham mưu văn bản trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định. 

Đáng chú ý trong thời gian thu thập, kiểm tra, xác minh những nội dung liên quan đến quá trình tổ chức thực hiện quyết định về công tác quản lý, bố trí, sử dụng, điều động, biệt phái nhân sự là viên chức thuộc diện quản lý của UBND TP Vinh, phóng viên đã tiếp nhận được nhiều nguồn thông tin phản ánh về sự “bất bình thường”, có dấu hiệu tiêu cực, “thiếu trong sáng” trong việc sử dụng, bố trí viên chức biệt phái.

Biệt phái viên chức Trần Trọng Tuấn đã đúng quy định?

Trở lại vấn đề về phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy cũng như quản lý cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn TP Vinh.

Năm 2017, sau khi Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định công nhận kết quả xét tuyển đặc cách viên chức cho 9 trường hợp về công tác trong ngành Giáo dục và Đào tạo TP Vinh nhưng khi triển khai thực hiện thì số viên chức này được bố trí tại 3 đơn vị sự nghiệp trực thuộc TP Vinh (bất cập đã nêu ở bài trước), trong số đó có viên chức Trần Trọng Tuấn, công tác tại Đội Quản lý Trật tự đô thị (TTĐT) TP Vinh (tiền thân là Thanh tra Đô thị TP Vinh).

Ông Trần Trọng Tuấn (SN 1982) tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội chuyên ngành môi trường, sau này tốt nghiệp thạc sĩ quản lý tài nguyên – môi trường (TN-MT).

Ngày 11/6/2009 được Chủ tịch UBND TP Vinh lúc đó là ông Hoàng Đăng Hảo cho phép Thanh tra Đô thị ký hợp đồng với hình thức không xác định thời hạn.

Đến năm 2016 trên cơ sở các tờ trình của UBND TP Vinh và đề nghị của Sở Nội vụ, ngày 6/1/2017, UBND tỉnh đã xét tuyển đặc cách vào viên chức.

Quá trình công tác từ 2017 đến 2020 tại Đội Quản lý TTĐT, cá nhân ông Trần Trọng Tuấn được nơi quản lý viên chức đánh giá, nhận xét và xếp loại hàng năm là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ngày 26/2/2021, ông Trần Ngọc Tú, Chủ tịch UBND TP Vinh đã ký Quyết định số 988/QĐ- UBND về việc biệt phái ông Trần Trọng Tuấn, viên chức Đội Quản lý TTĐT đến nhận công tác tại Phòng TN-MT TP kể từ ngày 1/3/2021.

Liên quan nội dung này, theo bà Ngô Thị Hường, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy kiêm Trưởng phòng Nội vụ TP Vinh trả lời báo chí khẳng định: Việc thực hiện biệt phái ông Trần Trọng Tuấn thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND TP (theo Quyết định 30/2017 và Quyết định 23/2021 của UBND tỉnh Nghệ An – PV) và được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Trước dư luận cho rằng, việc ông Trần Trọng Tuấn đang làm nhiệm vụ của một viên chức ở đơn vị sự nghiệp nhưng được lãnh đạo TP Vinh biệt phái làm nhiệm vụ giúp việc của một công chức là không phù hợp với quy định hiện hành, trực tiếp là Luật Công chức và Luật Viên chức, phóng viên đã có cuộc làm việc với Sở Nội vụ Nghệ An – cơ quan chuyên môn có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về các mặt, lĩnh vực của tổ chức bộ máy, biên chế công chức, vị trí việc làm; cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính…

Đại diện lãnh đạo Phòng Công chức – Viên chức nêu quan điểm: Các quy định về quản lý viên chức đã được cụ thể hóa trong Nghị định 115/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức. Cụ thể là thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, biệt phái viên chức là chủ tịch UBND cấp huyện, thành, thị; việc biệt phái viên chức được thực hiện trong trường hợp nhiệm vụ đột xuất, cấp bách và công việc cần giải quyết trong thời gian nhất định và thời gian biệt phái của một viên chức không quá 3 năm.

“Trong trường hợp như TP Vinh đã làm đối với viên chức Trần Trọng Tuấn cũng cần được xem xét một cách cụ thể, trong điều kiện cụ thể, bởi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là phạm trù khác nhau, phạm vi điều chỉnh cũng khác nhau cũng như điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng để được trở thành công chức và viên chức cũng không giống nhau. Viên chức chỉ là người làm một việc cụ thể về chuyên môn, còn công chức là người làm công việc của cơ quan quản lý Nhà nước, tham mưu về chủ trương, chính sách pháp luật. Không thể đưa một viên chức lên làm việc của một công chức, cụ thể ở đây là Phòng TN-MT, một phòng chuyên môn thuộc UBND thành phố, tham mưu, giúp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về các lĩnh vực về đất đai tài nguyên khoáng sản, môi trường… Nếu lỡ không may tham mưu việc gì đó sai, hệ lụy đến tổ chức, cá nhân thì ai chịu trách nhiệm”, đại diện Sở Nội vụ dẫn chứng.

Lý giải thêm băn khoăn này, bà Ngô Thị Hường cho biết: “Anh Tuấn là thạc sĩ rồi, thành phố điều về để hỗ trợ cho Phòng TN-MT vì khối lượng công việc rất nhiều, chỉ nên giúp việc, rà soát hồ sơ, thẩm định để lãnh đạo xem đã đảm bảo yêu cầu hay chưa thôi chứ không được ký tá gì”.

Từ sự việc này có thể nhận thấy, viên chức Trần Trọng Tuấn dù được cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập biệt phái nhưng cũng là người được tuyển dụng theo vị trí việc làm cụ thể, làm việc theo chế độ hợp đồng việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp theo quy định. Do đó, việc biệt phái đến một cơ quan chuyên môn tham mưu về quản lý Nhà nước rõ ràng là vấn đề cũng cần được làm rõ.

Bố trí, sử dụng biệt phái người nhà đã khách quan?

Để nắm rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của viên chức Trần Trọng Tuấn sau khi được Chủ tịch UBND TP Vinh Trần Ngọc Tú biệt phái làm việc ở Phòng TN-MT, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng phòng này sau khi được sự đồng ý của UBND TP Vinh.

“Về thủ tục là do Phòng Nội vụ tham mưu, Phòng chỉ được nhận quyết định và nhận người. Phòng ít người nhưng nhiều việc như giải phóng mặt bằng, đơn thư, môi trường… Trong các cuộc họp, Phòng có đề xuất, tham mưu tăng biên chế cho Phòng. Năm 2020 và 2021, biên chế công chức của Phòng bị điều đi cơ sở nên để giải quyết công việc của Phòng yêu cầu thêm người biệt phái về hổ trợ, hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi anh Tuấn được biệt phái về, là thạc sĩ TN-MT, phù hợp chức năng nhiệm vụ của Phòng. Đầu tháng 3/2021, quá trình làm việc Phòng đã có thống nhất phân công nhiệm vụ cụ thể cho anh Tuấn. Viên chức không được ký hồ sơ, chỉ giúp việc cho các chuyên viên của Phòng”, ông Ngọc cho hay.

Thực tế tìm hiểu cho thấy, Phòng TN-MT hàng năm phải giải quyết công việc với khối lượng lớn, nhân sự làm việc được phân bổ (16 người – PV) còn thiếu so với nhiệm vụ của Phòng. Thế nhưng, tháng 8/2020, Chủ tịch UBND TP Vinh lại có quyết định biệt phái công chức Nguyễn Thị Minh Hạnh (SN 1982), chuyên viên của Phòng, tốt nghiệp Đại học Quản lý đất đai về công tác tại UBND xã Hưng Hòa, TP Vinh.

Theo trả lời của Trưởng phòng TN-MT thì ở xã Hưng Hòa là địa phương có nhiều dự án mới và dự án cũ đang được triển khai với khối lượng công việc phải giải quyết yêu cầu về thời gian, tiến độ nên chị Hạnh được biệt phái về đó để hỗ trợ công chức địa chính xã là cán bộ mới được bổ sung ở xã.

Vấn đề đặt ra ở đây là: Tại sao nhu cầu người làm việc của Phòng TN-MT đang rất cần thiết nhưng lại biệt phái người của Phòng đi cơ sở? Sau hơn 6 tháng tính từ thời điểm nhận người mới (tháng 8/2020 đến 2/2021) vì sao không đề xuất đưa người của phòng mình trở về trước thời hạn, trong khi khối lượng công việc tại xã chắc chắn đã được cắt giảm, rút gọn hơn nhiều? Là cơ quan chuyên môn về quản lý Nhà nước, trong lúc người của phòng mình không sử dụng lại phải cần đến nhân sự là viên chức, không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để làm nhiệm vụ của một phòng tham mưu?

9-1649515521.jpg
Công luận cần câu trả lời khách quan từ TP Vinh về việc biệt phái viên chức đơn vị sự nghiệp đến làm việc tại phòng chuyên môn quản lý Nhà nước. Ảnh: Xuân Thống 

Việc bố trí, viên chức Trần Trọng Tuấn tại cơ quan mới là Phòng TN-MT đã thực sự cần thiết, là ý chí của cả tập thể và xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của thành phố hay chưa? Có thực sự khách quan, không bị chi phối từ một lý do nào khác? Dư luận đang mong chờ câu trả lời thỏa đáng từ cấp ủy TP Vinh và trực tiếp từ cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức, viên chức cũng như người ban hành quyết định biệt phái, quản lý viên chức biệt phái ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An.

Theo nguồn tin riêng của PV Báo Thanh tra, viên chức Trần Trọng Tuấn là cháu ruột (bố là anh trai) của ông Trần Ngọc Tú, Chủ tịch UBND TP Vinh.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này./.

Theo Xuân Thống/Báo Thanh Tra

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top