Nhói lòng cô dâu tuổi 15

30/04/2023 | 21:19:34

Và A Di (SN 2008, dân tộc Mông) ở xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, ngồi bên bậc cửa, nhìn xa xăm. Đôi mắt em không chỉ có nỗi buồn mà còn có cả tiếc nuối. Em vừa trở thành cô dâu khi mới tròn 15 tuổi…

Trước vấn nạn tảo hôn, các cấp chính quyền ở các huyện miền Tây xứ Nghệ đang vào cuộc quyết liệt

“Em nhớ trường, nhớ bạn. Em muốn được về đi chơi, đi học như các bạn”, Và A Di thốt lên trong nước mắt.

Cô dâu tuổi 15 nặng trĩu lòng tâm sự rằng, ở nhà bố mẹ em và cả các thầy cô giáo đều khuyên không nên lấy vợ lấy chồng sớm, nhưng chẳng hiểu sao em và một số bạn vẫn bỏ ngoài tai những lời khuyên ấy.

Một góc xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An

“Những ngày Tết Nguyên đán, trên khắp bản làng xuất hiện những bộ váy áo sặc sỡ của các chàng trai cô gái để bước vào hội ném pao, Và A Di cũng hòa vào dòng người ấy. “Trong hội, anh ấy (chồng Và A Di bây giờ) hơn em 2 tuổi nhanh chóng bắt chuyện với em. Ngày hôm sau cũng thế, chúng em hẹn gặp nhau rồi thích nhau lúc nào chẳng biết. Thế là anh ấy bắt em về làm vợ. Em cũng vui vẻ đi theo anh ấy dù bố mẹ phản đối rất nhiều. Bây giờ em muốn về nhà cũng chẳng được rồi” – A Di nói trong sự nuối tiếc.

Tục kéo vợ là nét văn hóa đặc trưng của người Mông. Sau dịp sau Tết Nguyên đán là thời điểm nam nữ người Mông ở huyện biên giới Kỳ Sơn kết hôn rất nhiều

Không còn được cắp sách đến trường, ngày nào không lên rẫy thì ở nhà chăn trâu, trăn bò rồi tập nấu ăn cho gia đình. Cứ tưởng lấy chồng cuộc sống sẽ được như mình mong muốn, nhưng thực sự không phải như vậy.

Chỉ sau vài tuần lấy chồng, những nét hồn nhiên, ngây thơ của cô học trò lớp 9 dường như đã biến mất; chỉ còn lại những lo toan, suy nghĩ về cơm, áo, gạo, tiền của một cuộc hôn nhân quá sớm.

“Em cũng chưa biết cách kiếm tiền, nấu ăn cũng chưa thành thạo. Tất cả đều phụ thuộc vào bố mẹ chồng. Chắc một thời gian nữa chúng em cũng phải đi nơi khác làm thuê để tự lo liệu” – A Di nói về tương lai mù mịt của mình.

Và A Di chỉ là một trong số những em gái dân tộc Mông nơi đây vẫn là nạn nhân của việc tảo hôn. Sau dịp sau Tết Nguyên đán là thời điểm nam nữ người Mông ở huyện biên giới Kỳ Sơn kết hôn rất nhiều. Phần lớn các em đều chưa đủ tuổi kết hôn và chưa được pháp luật công nhận là vợ chồng nhưng vẫn tổ chức lễ cưới.

Cụ Lầu A Phan (70 tuổi, ở xã Nậm Càn) cho biết, xưa kia người Mông nơi đây có quan niệm, người con gái nếu đến 18 tuổi mà chưa lấy chồng thì bị coi là “ế”. Ngày nay, do truyền thông, giáo dục, người dân đã có những nhận thức tiến bộ hơn nhưng việc tảo hôn vẫn diễn ra. “Để thay đổi được tập tục này không phải một sớm một chiều” – Cụ Lầu A Phan nhận định.

Đặc biệt, theo cụ Lầu A Phan, ngày nay, khi giới trẻ được tiếp xúc với công nghệ, với điện thoại di động, mạng Internet… thì việc làm quen, rồi yêu, rồi “bắt vợ” lại có những diễn biến mới. “Giờ bọn trẻ cứ yêu nhau là “bắt vợ” thôi. Bố mẹ chúng khi xưa tảo hôn nên đã “nếm” cái khổ rồi, giờ can ngăn chúng cũng không nghe. Có lẽ các cấp ngành cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc giáo dục nhận thức cho giới trẻ ở trong trường học” – cụ Lầu A Phan nói.

Theo thống kê của Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn (Nghệ An) sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2023, trên địa bàn hiện có 154 học sinh nghỉ học. Trong đó, nhiều nhất là những trường chiếm phần lớn học sinh người Mông như: Trường PTDTBT THCS Na Ngoi nghỉ học 21 em, Trường PTDT Bán trú THCS Mường Lống nghỉ học 20 em, Trường PTDT Bán trú THCS Nậm Típ nghỉ học 18 em…

Trước vấn nạn tảo hôn, các cấp chính quyền ở các huyện miền Tây xứ Nghệ cũng đã vào cuộc quyết liệt nhưng như lời ông Xồng Bá Lầu, Chủ tịch UBND xã Nậm Càn thì “tình trạng này vẫn còn xảy ra, bởi chưa có chế tài xử lý đủ mạnh để răn đe”.

Một buổi tuyên truyền cho bà con đồng bào về thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại Nghệ An

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn, cho biết, năm 2022, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật đã đưa nội dung tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết triển khai tuyên truyền mạnh trên địa bàn. Có 2 đối tượng chính tuyên truyền là người dân tại các bản ở vùng biên, sau khi tuyên truyền tại các thôn bản đã yêu cầu người dân ký cam kết; đối tượng thứ hai là học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 tại các trường học. Phòng đã phối hợp với đoàn trường và các tổ chức để thực hiện. “Tuy nhiên, ký cam kết vẫn ký, nhưng nhiều trường hợp vẫn vi phạm”, ông Tuấn nói.

Về giải pháp căn cơ, ông Tuấn cho rằng, năm 2023, Phòng đã tham mưu cho cơ quan chức năng địa phương xử lý vi phạm hành chính với các trường hợp đã ký cam kết không xảy ra tảo hôn, nhưng vẫn vi phạm nhằm tăng nặng tính răn đe giáo dục, cũng là để tuyên truyền. “Để thay đổi nhận thức trong người dân nơi đây, không thể làm trong một sớm một chiều, nhưng kỳ vọng sẽ có những chuyển biến tích cực để thay đổi dần dần”, ông Tuấn nói.

Theo Hoài Anh/Báo Phụ nữ Việt Nam

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top