Thường trực Ban Bí thư giao ban công tác năm 2023 với các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương

17/01/2024 | 14:10:07

Sáng 17/1, Thường trực Ban Bí thư tổ chức Hội nghị trực tuyến giao ban công tác năm 2023 với các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương. Các đồng chí: Trương Thị Mai – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Lê Minh Hưng – Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Ban, Văn phòng Tỉnh ủy.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Trong năm 2023, các tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng toàn diện, trực tiếp, sâu sát và linh hoạt; lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp chủ động, quyết tâm, quyết liệt thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị đã đề ra. Đồng thời, thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các nghị quyết, chỉ thị, đề án của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và các đề án, chính sách của HĐND, UBND tỉnh về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Các tỉnh ủy, thành ủy đã chỉ đạo tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020 – 2025; khắc phục hạn chế, khó khăn, đề ra phương hướng, các giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện thắng lợi toàn diện nghị quyết trong thời gian tới. Đồng thời, kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của các tỉnh uỷ, thành uỷ giữa nhiệm kỳ và tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo theo Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị; thực hiện sơ kết các nghị quyết chuyên đề theo chương trình công tác năm…

Trong năm, các tỉnh uỷ, thành uỷ đã tập trung quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc, trong việc thực hiện các nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng; chủ động nắm chắc tình hình cơ sở, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, những vụ việc phức tạp ngay từ đầu. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới theo Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII; đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khoá XIII.

Thực hiện nghiêm các quy định, kết luận của Trung ương về tổ chức bộ máy, quản lý biên chế; chỉ đạo xây dựng đề án, thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIV, nhiệm kỳ 2026 – 2031; rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025, 2021 – 2026 và nhiệm kỳ 2025 – 2030, 2026 – 2031. Chủ động triển khai và hoàn thành kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát các cấp phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ chính trị; khắc phục tình trạng chồng chéo trong kiểm tra, giám sát của Đảng và thanh tra, kiểm tra, giám sát của Nhà nước; quyết liệt trong kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, các vụ việc phức tạp, kéo dài. So với 2 năm 2021, 2022, số cuộc kiểm tra, giám sát, số tổ chức, đảng viên được kiểm tra, được giám sát tăng; thi hành kỷ luật đảng tăng…

Các tỉnh uỷ, thành uỷ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nhiều địa phương thực hiện sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; việc họp, rà soát kết quả xử lý các vụ án, vụ việc do Ban Thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ và Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo đi vào nền nếp. Các địa phương triển khai đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về nội dung tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác tuyên giáo, công tác dân vận. Củng cố, xây dựng, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hệ thống chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai – Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu Bí thư các tỉnh ủy, thành ủy thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Bộ Chính trị sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các tỉnh, thành.

Các địa phương tập trung thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội; quan tâm đến công tác an sinh xã hội. Bên cạnh đó, tiếp tục đánh giá kết quả thực hiện của nhiệm kỳ Đại hội Đảng; bám sát thực tiễn của địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Các địa phương phải tạo được động lực mới cho các nội dung mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng. Quan tâm, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, chăm lo các gia đình chính sách, đối tượng yếu thế. Tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài. Tăng cường hợp tác đối ngoại với các quốc gia trên thế giới.

Tập trung phát triển đảng viên, nhất là đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đảng viên trong học sinh, sinh viên. Tiếp tục triển khai đồng bộ, nghiêm túc các Kết luận của Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa. Quan tâm đến việc bồi dưỡng, đào tạo nguồn cán bộ…

“Trong 2 năm còn lại yêu cầu rất cao; phải tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ để đạt được hiệu quả tốt nhất. Vì vậy vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, phải gương mẫu, sâu sát, phải thay đổi lề lối làm việc, phải làm cho cuộc sống nhân dân tại địa phương ngày càng tốt hơn, người dân phải hài lòng hơn về lãnh đạo của mình…” – Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Theo nghean.gov.vn

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top