Phí BOT cầu Rác lại “dậy sóng” khi “miếng bánh” chia không đều?!

03/05/2017 | 07:51:05

Nếu cho rằng, phạm vi cầu Rác (Hà Tĩnh) quá lớn, khó phân định được ai đi hay không đi qua đường tránh, để tránh “miếng bánh chia không đều” tốt nhất nên đưa trạm cầu Rác về đúng vị trí của nó.

Đó là sự bức xúc cho các chủ phương tiện, doanh nghiệp đóng tại địa bàn thị xã Kỳ Anh, TP.Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) về việc Bộ GTVT chỉ cấp thẻ miễn phí cho 2 huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh.

Thẻ xác nhận giảm giá dịch vụ đường bộ khi đi qua trạm cầu Rác có thời hạn 6 tháng

Thẻ miễn phí chỉ được 6 tháng

Sau khi có quyết định của Bộ GTVT về việc miễn 100% phí qua cầu Rác cho hai huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh), đến nay đã có gần 500 thẻ miễn phí được cấp cho các phương tiện.

Dù 4 ngày nghỉ lễ, nhưng rất nhiều chủ phương tiện ở hai huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên đã có mặt tại Trạm thu phí cầu Rác để làm thủ tục cấp thẻ miễn phí BOT. Tổng Cty Sông Đà, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi hoàn tất thủ tục cấp thẻ miễn phí cho các chủ phương tiện.

Dù 2 ngày lễ nhưng hàng trăm phương tiện hai huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh đi làm thẻ miễn phí qua cầu Rác

Vì vậy, sáng ngày 30/4 đến 1/5, hàng trăm chủ phương tiện phấn khởi có mặt tại Trạm thu phí Cầu Rác để làm thủ tục cấp thẻ miễn phí cho phương tiện của mình.

Trước tình trạng quá tải trong quá trình cấp thẻ, chi nhánh BOT tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh đã chia làm hai khu vực tiếp nhận hồ sơ theo từng huyện .

Anh Nguyễn Văn Tự, (trú tại xã Cẩm Thịnh, Cẩm Xuyên) cho biết: “Trước đó một ngày UBND xã đã thông báo cho các chủ phương tiện công chứng các loại giấy tờ (giấy tờ xe, chứng minh, hộ khẩu …), nên sáng nay khi chúng tôi đến làm thủ tục mặc dù rất đông nhưng vẫn làm được nhanh và thuận tiện.

“Tuy nhiên, tôi cũng chưa hiểu được vì sao lại thẻ xác nhận miễn phí chỉ được 6 tháng (từ 1/5/2017 đến 31/10/217)?” – anh Tự cho biết.

“Miếng bánh” chia không đều?

Ngay trong khi chủ phương tiện 2 huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh nhận thẻ miễn phí qua trạm cầu Rác, cũng là lúc người dân tại TP Hà Tĩnh và thị xã Kỳ Anh bức xúc vì họ cũng thiệt thòi giống hai huyện này khi không đi 1 mét đường BOT nào nhưng không được miễn phí.

Sau khi văn bản của Bộ GTVT về đến địa phương thì vấp phải nhiều ý kiến phản đối của người dân vì thực hiện miễn giảm phí qua cầu Rác chưa thuyết phục. Thực tế, nhiều địa phương cũng không tham gia tuyến đường BOT nhưng không nằm trong diện được miễn giảm.

Anh Mai Văn Hạnh (trú tại TP Hà Tĩnh) làm việc tại thị xã Kỳ Anh bức xúc phản ánh: “Tôi thường xuyên lưu thông trên tuyến đường từ  TP Hà Tĩnh vào thị xã Kỳ Anh, mỗi lần đi xe ô tô 4 chỗ qua trạm Cầu Rác phải đóng 35.000 đồng/lượt, tính ra một tháng tôi phải “cống” gần 2 triệu tiền phí qua trạm này trong khi không hề sử dụng một mét đường BOT nào. Trong khi người dân huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên được miễn rồi, không có lý gì người dân TP Hà Tĩnh và thị xã Kỳ Anh phải đóng phí cả”.

“Nếu cho rằng, phạm vi cầu Rác quá lớn, khó phân luồng được ai đi hay không đi qua đường tránh, để tránh “miếng bánh chia không đều” tốt nhất đưa trạm cầu Rác về đúng vị trí tại tuyến đường BOT (đường tránh TP. Hà Tĩnh)” – anh Đặng Ngọc Sơn ý kiến.

Người dân thị xã Kỳ Anh, TP.Hà Tĩnh bức xúc khi họ không đi m2 đường BOT nhưng không được miễn phí

Không chỉ người dân mà doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Tĩnh cũng mất tiền “oan”. Trung bình mỗi năm, Công ty vận tải ô tô Hà Tĩnh phải nộp hơn 430 triệu đồng phí qua trạm Cầu Rác dù 40 chiếc xe buýt của công ty này không tham gia giao thông trên tuyến đường tránh thành phố Hà Tĩnh.

Ông Trần Văn Sỹ, Giám đốc công ty cổ phần vận tải ô tô Hà Tĩnh bất bình: “Tuyến xe buýt của công ty chúng tôi có lộ trình từ TP Hà Tĩnh đến thị xã Kỳ Anh dọc theo quốc lộ 1A, không hề đi trên tuyến BOT đường tránh TP Hà Tĩnh. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên công ty TNHH MTV hạ tầng Sông Đà tạo điều kiện nhưng chỉ nhận được câu trả lời “Cảm ơn công ty đã mua vé tháng, vé quý đầy đủ… và mong quý công ty tiếp tục mua vé tháng, vé quý khi qua trạm thu phí Cầu Rác theo quy định như đã thực hiện thời gian qua”.

Ông Sỹ cho biết: “Tôi nghĩ đây có lẽ là thiếu sót của tỉnh vì đúng ra doanh nghiệp của chúng tôi phải được miễn đầu tiên. Ngay cả khi phí BOT tăng vào đầu năm 2016, công ty cũng không thay đổi giá vé xe buýt đối với hành khách mà vẫn duy trì giá cũ”.

“Nếu lần này không được miễn phí qua cầu Rác, buộc chúng tôi phải tính toán lại và nâng giá vé đối với hành khách đi xe buýt để cân bằng nguồn thu” – ông Sỹ nói.

Văn bản của Cty xe buyt gửi Tổng Cty Sông Đà

Anh Nguyễn Hồng Lĩnh, một doanh nghiệp khác đóng tại thị xã Kỳ Anh, bức xúc: “Mỗi năm ngoài phí đường bộ bắt buộc cho các phương tiện của tôi mỗi xe đã gần 2 triệu đồng, thì còn phải gánh một khoản phí vào ra rất lớn tại Trạm thu phí cầu Rác. Thà tôi đi đường BOT thì đóng cũng đành, đằng này không đi m2 nào? Đề nghị nhà đầu tư cần phải chuyển vị trí thu phí về đúng vị trí của nó, nếu không thì phải miễn giảm cho chúng tôi”.

“Chưa nói đến việc thu sai thì phải trả lại, mà cái quan trọng nhất là phải xem xét miễn giảm cho người dân thị xã Kỳ Anh không đi BOT mà phải đóng phí oan. UBND tỉnh sớm có ý kiến đề nghị chủ đầu tư di dời đặt đúng vị trí của nó để đảm bảo đúng quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia giao thông trên địa bàn” – quan điểm của anh Lê Minh Đức trú tại thị xã Kỳ Anh.

Nói về sự vô lý này, ông Nguyễn Quốc Hà – Chủ tịch UBND Thị xã Kỳ Anh cho biết: “Có lẽ khi làm văn bản đề xuất với Bộ GTVT, Tổng công ty Sông Đà vẫn nghĩ địa giới hành chính huyện Kỳ Anh đang từ Đèo Ngang ra đến trạm thu phí, nếu trong trường hợp thị xã Kỳ Anh không được miễn giảm, chúng tôi sẽ có công văn gửi UBND tỉnh và Tổng công ty Sông Đà. Chúng tôi sẽ chỉ đạo phòng Kinh tế hạ tầng gửi công văn đề nghị giải quyêt kịp thời, không để ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân”.

Theo Infonet

Chia sẻ bài viết

submit to reddit
scroll to top